Cần chú trọng đào tạo nhân lực để HTX phát triển bền vững – Thời sự 5g30 13/1/2020

(VOH) - Hợp tác xã là nơi tập hợp của các đối tượng dễ bị tác động, tổn thương bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chức năng chính của hợp tác xã là hỗ trợ, tạo điều kiện và định hướng cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Tuy nhiên để dẫn dắt và phát triển hiệu quả hợp tác xã bền vững thì đội ngũ  nhân lực, đặc biệt là người đứng đầu hợp tác xã là một yếu tố quan trọng.

Từ năm 2012, khi Luật hợp tác xã bắt đầu được thực hiện, cả nước có gần 9.400 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm gần 48% tổng số hợp tác xã trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, sự phát triển của các Tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cải thiện đáng kể cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Hiện nay, sự phát triển về quy mô, phương thức tổ chức dịch vụ, kinh doanh của các hợp tác xã rất đa dạng, trong đó, loại hình liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là khá phổ biến. Các hợp tác xã cũng là chủ thể sản xuất kinh doanh, chỉ khác doanh nghiệp cơ bản ở khâu tổ chức quản lý và phân phối lợi ích. Nếu ở hợp tác xã, quyền của các thành viên đều bình đẳng thì ở doanh nghiệp quyền lực phụ thuộc vào quy mô vốn góp của thành viên đó. Để tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo thêm lợi nhuận cho bản thân, các hợp tác xã có tiềm lực kinh tế mạnh cũng thành lập doanh nghiệp, công ty trực thuộc, hoặc góp vốn đầu tư kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Do vậy để đáp ứng được nhu cầu trên thì việc nâng cao trình độ cho người đứng đầu hợp tác xã là một điều cần thiết và lâu dài. Tiến sĩ Đinh Công Tiến- Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, TPHCM, cho biết: “Hợp tác xã là một lĩnh vực được Đảng và nhà nước rất quan tâm và nó là một trong những giải pháp để chúng ta tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Và đặc biệt để phát triển kinh tế hợp tác xã thì vai trò của giám đốc là cực kỳ quan trọng. Và chính cái mức độ quan trọng thì chúng ta đào tạo giám đốc hợp tác xã theo một cái khung của đào tạo nghề, cấp chứng chỉ nghề. Những gì mà cần thiết nhất về mặt kiến thức sẽ được trang bị và phục vụ cho quá trình quản lý hợp tác xã, phục vụ cho quá trình phát triển hợp tác xã”.

Hợp tác xã ra đời không chỉ để hỗ trợ các thành viên làm kinh tế mà còn hướng đến việc nâng cao an sinh xã hội, đảm bảo phúc lợi cho người dân, nhất là ở nông thôn. Hợp tác xã đảm nhận những dịch vụ ít lời lãi mà doanh nghiệp không làm hoặc các dịch vụ liên quan đến cộng đồng như bảo vệ nguồn lợi, xây dựng hạ tầng nhỏ, du lịch, công tác an sinh ở nông thôn... Đến nay đã có trên 16.000 hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước. Từ thực tiễn sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp cho thấy các giám đốc hợp tác xã dù mỗi người có mỗi suy nghĩ khác nhau nhưng đều có mong muốn làm sao tập hợp được đất đai, tài sản, vốn liếng của các thành viên của mình để sản xuất có lãi, có lợi nhuận, đem lại hiệu quả cho các thành viên. Nhưng làm sao cho hiệu quả cao thì người đứng đầu hợp tác xã phải chắc tay lái, vững tay chèo. Để được như vậy thì việc nâng cao năng lực người đứng đầu và tìm kiếm người kế thừa có năng lực là điều rất quan trọng. Tại buổi khai giảng lớp đào tạo nghề giám đốc Hợp tác xã đầu tiên cho các tỉnh, thành phố phía Nam trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá: “Xu hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp ngày càng tăng. Bây giờ xu hướng không phải là các giám đốc là điều hành hợp tác xã hiện tại đâu mà xu hướng hiện nay khởi nghiệp cũng quay về hợp tác xã mà các bạn sinh viên còn rất trẻ đang có xu hướng này. Nhiều thanh niên, nhiều sinh viên rất nhiều nơi về nông thôn để khởi nghiệp hợp tác xã và có nhiều giám đốc hợp tác xã trẻ hiện nay không thua gì tư tưởng của các doanh nghiệp kinh doanh giỏi hiện nay đâu. Rất nhiều bạn rất là giỏi và có nhiều bạn đã bắt đầu hợp tác xã và đã hướng đầu tư qua Myanmar, hướng đầu tư qua Lào. Như vậy muốn có một lực lượng kế thừa hợp tác xã, chúng tôi muốn đào tạo cho các bạn trẻ để mà có thể điều hành hợp tác xã”.

Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2258 về phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Theo đó, thành phố sẽ thực hiện thí điểm hỗ trợ cho 7 hợp tác xã tại 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Thành phố sẽ hỗ trợ lương cho 3 cán bộ trên 1 hợp tác xã đối với các hợp tác xã đáp ứng theo yêu cầu quy định. Đây là việc làm thiết thực nhằm củng cố, nâng cao trình độ, vai trò lãnh đạo của hợp tác xã và giúp hợp tác xã phát triển hiệu quả và bền vững. Chủ nhiệm trẻ của hợp tác xã chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi, Cao Hoàng Tú, nhìn nhận: “Trường hợp chúng ta thành lập hợp tác xã hoặc là một người quản lý hợp tác xã đấy thì chúng ta cần phải cử những thành viên trong hợp tác xã, hoặc là người đứng đầu dự kiến thành lập hợp tác xã nên đi học lớp giám đốc hợp tác xã để họ có thể nhận thức tốt hơn và có cái quản lý tốt hơn, thì nó sẽ có sự bài bản hơn trong sự quản lý, nhận thức rõ hơn trong việc điều phối và hướng dẫn cho các xã viên trong nhóm hợp tác xã của mình”.

Với xu hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp ngày càng tăng cao, chất lượng hoạt động của các hợp tác xã ngày càng cải thiện, để có sự cạnh tranh và phát triển hợp tác xã hiệu quả và bền vững thì việc lựa chọn người đứng đầu hợp tác xã có năng lực lãnh đạo là một điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi người người đứng đầu ngoài kinh nghiệm thực tế thì việc được đào tạo bài bản thì mới có thể chắc tay lái, vững tay chèo để đưa hợp tác xã ngày càng phát triển bền vững.

Phước Tiến

VOH

Bình luận

Đọc Báo