Bảo tồn di sản, kiến trúc đô thị thành phố - cần sự chung tay từ nhiều phía – Thời sự 17g 14/06/2019

(VOH) - “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố - cần sự chung tay từ nhiều phía”.

Đây là quan điểm chung của nhiều chuyên gia tại buổi hội thảo" Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn", diễn ra ngày 14/6.

Đến dự có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố.

Di sản văn hóa ở đô thị thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú, đa dạng, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc… bao gồm các di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, các công trình kiến trúc công cộng, kiến trúc nhà ở, không gian kiến trúc… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của một đô thị trung tâm, sức ép về dân số, áp lực về quỹ đất xây dựng các công trình… thành phố đang đối mặt với vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị đã bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa.

Sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đô thị đặt ra cho chính quyền và nhân dân thành phố cân nhắc trong định hướng, quy hoạch, phương thức bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hóa. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Cùng với việc bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa được xếp hạng, từ năm 1996, thành phố đã xác định bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là một việc làm quan trọng nhằm bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trong thể thống nhất với sự phát triển đô thị hiện đại. Sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đặt ra cho chính quyền và nhân dân thành phố cân nhắc trong định hướng quy hoạch, phương thức bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hóa nhiều khó khăn, thách thức".

Đã có nhiều quan điểm đã được đưa ra thảo luận, đối với các di sản và cảnh quan kiến trúc có nên xậy dựng mới lại, trùng tu hay bảo tồn nguyên trạng diễn ra trong nhiều năm qua. Theo Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch, bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành với nhau. Phát triển kinh tế nhưng phải đồng hành với việc bảo tồn di sản, cảnh quan đô thị. Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho rằng: "Đối với góc độ của ngành du lịch thì chúng tôi đặt vai trò của Sở Du lịch lên đầu tiên. Chúng tôi phải nhìn thấy, ở đâu là di tích có thể trở thành di sản, ở đâu là những di sản có thể trở thành điểm đến và đâu al2 những cảnh quan đô thị cần phải phát huy giá trị của du lịch và nên có những công trình lao động sáng tạo nào. Ở góc độ Sở Du lịch chúng tôi cần có tham mưu vấn đề này. Thế nhưng mà, chỉ một ngành du lịch thì chúng tôi không thể nào tạo ra được tất cả những giá trị này, mà cần có sự tam gia của Sở Văn hóa thể thao, Sở Quy hoạch kiến trúc, Hội Di sản và cả Sở Giao thông vận tải… để chúng ta tạo ra một quy hoạch chỉnh thể, trong đó, có hướng đến quy hoạch du lịch".

Hiện nay, thành phố có 172 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia và 14 ti tích cấp thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã đưa 97 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020. Do đó, rất cần có một kế hoạch quản lý, bảo tồn hài hòa với phát triển kinh tế xã hội. Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đặt nhiệm vụ cho Sở Văn hóa thể thao: "Phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý; Phải có chiến lược. TPHCM đến nay vẫn chưa có quy hoạch ngành văn hóa, từ đó mới có thể có quy hoạch bảo tồn di tích. Thứ ba là phải có kế hoạch hành động cụ thể trên nền mà chiến lược đặt ra".

Hội thảo là một trong những kế hoạch của chương trình giám sát "việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố" năm 2019 của Hội đồng Nhân dân TPHCM.

Huệ Như

Bình luận

Đọc Báo