Bạo hành học sinh mang đến nhiều hệ luỵ - Thời sự 11g00 12/10/2019

(VOH) - Vụ việc giáo viên nhéo tai, đánh vào đầu, vào vai học sinh ở trường tiểu học Phan Chu Trinh, Quận Tân Phú đã được ngành giáo dục nhận định là hành vi bạo hành trẻ...

Bạo hành học sinh, thời sự 11g00, nghe thời sự VOH

Hình ảnh giáo viên véo tai, đánh học sinh ở trường tiểu học Phan Chu Trinh. Ảnh cắt từ clip.

Vụ việc giáo viên nhéo tai, đánh vào đầu, vào vai học sinh ở trường tiểu học Phan Chu Trinh, Quận Tân Phú đã được ngành giáo dục nhận định là hành vi bạo hành trẻ, không phù hợp với môi trường sư phạm, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.

 

Phân tích cụ thể hơn những tác động của những hành vi phản giáo dục, Phóng viên VOH có phỏng vấn Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa bà! Mấy ngày nay dư luận quan tâm với vụ việc giáo viên lớp 2 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, có hành vi bạo hành học sinh trong lớp, với góc độ nhà tâm lý, bà có ý kiến cũng như phân tích như thế nào về hành động của giáo viên?

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng: Thực sự tôi cảm thấy ái ngại. Ái ngại cho ngành giáo dục, cho cô giáo và cho các em học sinh.

Chúng ta thấy có quá nhiều câu chuyện không hay về cách ứng xử của thầy cô với học sinh. Điều đó làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.

Ái ngại cho cô giáo bởi vì khi cô đã làm sai như vậy chắc chắn cô sẽ có nhiều trăn trở về việc làm của mình. Những hình phạt tiếp theo chắc chắn sẽ là một sự khó khăn để cô vượt qua.

Điều quan trọng hơn là ái ngại cho các em học sinh. Rõ ràng khi cô nóng giận, có những hành vi mạnh bạo như vậy với học sinh, không chỉ riêng những em bị đánh đòn mới đau, mà ngay cả những em khác trong lớp học cũng chịu đựng bầu không khí rất căng thẳng. Điều đó không hay tí nào trong ứng xử của thầy cô đối với học sinh.

 *VOH: Với phương pháp giáo dục trẻ như giáo viên đã thể hiện, hiệu quả và hậu quả giáo dục sẽ như thế nào?

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng: Tôi không nghĩ đó là phương pháp giáo dục. Đó là hành vi khi cô giáo ứng xử trong tình huống của mình. Khi đã gọi là phương pháp phải có mục tiêu rõ ràng và cách thức thực hiện bài bản. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể nói ứng xử của cô trong tình huống đó, thì chắc chắn là không mang lại hiệu quả. Có thể trước mắt cô giáo thấy la, nạt, đánh mắng như vậy học sinh sợ và răm rắp làm theo. Tuy nhiên ảnh hưởng từ việc đó tiêu cực nhiều hơn.

Với những học sinh khiếp sợ trước sự nóng giận, cứng rắn, bạo hành của giáo viên, không có nghĩa là các con ngoan mà có thể là biểu hiện cho các cháu là con người dễ bị khuất phục, tâm lý yếu đuối.

Một số em khi giáo viên quát nạt như vậy sẽ bị tiêm nhiễm. Các em cho rằng  khi có điều gì không hài lòng mình cũng phải hét lên như thế mới trấn áp được người khác. Cho nên, sau này những hành vi bạo hành như vậy sẽ được tiếp diễn mà không biết rằng cần phải kiềm chế và ứng xử thông minh hơn.

Không khí lớp học sẽ làm cho các em thấy việc đến trường sẽ là việc khổ sở, những giờ học không còn hứng thú mà là sự nơm nớp.

*VOH: Trong điều kiện giáo dục như hiện nay (sĩ số, áp lực, quan tâm đổi mới...), bà có đề xuất gì để giáo viên có thể vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của giáo dục, vừa đảm bảo phát huy sự tự tin phát triển tốt nhân cách người học?

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng: Những sự việc giáo dục vừa qua là hệ luỵ rất rõ từ nhiều lý do khác nhau. Như câu chuyện cô có phân bua là lớp đông trên 50 học sinh. Trong khi chuẩn giáo dục tiểu học chỉ là 35 học sinh/lớp, như vậy, cô giáo phải đảm nhận gần 1,5 lớp. Có thể đầu năm học, các cháu chưa thực sự vào nề nếp, cô giáo thì nóng vội. Song song đó, có thể là có những yêu cầu về đổi mớ, chắc chắn là giáo viên sẽ tiếp tục có những áp lực đổi mới giáo dục tiếp theo. Nhưng chúng ta có lộ trình đổi mới, giáo viên cần ý thức rằng giáo dục là một quá trình lâu dài, không phải một sớm một chiều mà mọi thứ sẽ diễn ra như chúng ta mong muốn.

Về phía nhà quản lý cần có sự đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi  cho giáo viên làm việc tốt hơn. Trong trường hợp sỉ số quá đông, có khi nhà trường phải thông cảm và chia sẻ. Cho nên, những thành tích thi đua cần cân nhắc tính khả thi, tránh chạy theo những thành tích ảo để rồi vô tình gây sức ép lên thầy trò trong lớp học. Chúng ta thường quan tâm kết quả học tập, đến học sinh nhưng cũng đừng quên quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của giáo viên. Trường hợp, trường học quá tải như vậy cần có thêm nguồn nhân lực. Giá như chúng ta đẩy mạnh các hoạt động tham vấn học đường, công tác xã hội học đường để cùng với các thầy cô, sẽ có những người làm chuyên môn về tinh thần, về tâm lý hỗ trợ thêm cho giáo viên trong những tình huống cấp bách. Qua đó, phần nào khó nhọc của thầy cô khi đứng lớp được chia sẻ.

Có nghĩa là, không chỉ giáo viên cố gắng mà tôi nghĩ nhà quản lý cũng phải chia sẻ. Chúng ta cũng phải nhanh chóng tìm ra những phương án nào đó để hỗ trợ nhà giáo. Nếu để tình trạng tiếp diễn như thế này sẽ rất khó khăn cho giáo viên, cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai của sinh viên sư phạm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hệ luỵ không chỉ liên quan đến học sinh mà cả giáo viên đứng lớp. Hình ảnh người giáo viên xấu đi qua những câu chuyện không hay vừa qua. Từ đó, sức mạnh cảm hoá học sinh bị giảm sút, hiệu quả giáo dục bị ảnh hưởng, động cơ vào nghề của các bạn trẻ sẽ ngày càng giảm sút, lực lượng giáo viên sau này có thể không đủ để đáp ứng cho xã hội.      

*VOH: Cám ơn bà!

 

Tuyết Nhung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo