Bao giờ Việt Nam xuất hiện “khủng long” công nghệ? - Thời sự 17g00 18/05/2019

(VOH) - Thời gian qua, Chính phủ cũng như Thành phố có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2018, đã có 11 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và hoạt động ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Đặc biệt, Thành phố ưu tiên đầu tiên 43 sản phẩm công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020. Song song đó, doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 về tạo điều kiện ứng dụng, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao; hỗ trợ một phần kinh phí quảng bá sản phẩm, bảo lãnh vốn vay... Vậy, liệu các doanh nghiệp công nghệ cao có thực sự tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp công nghệ đang cần gì, mong muốn cống hiến gì cho Thành phố…là nội dung được đề cập trong phỏng vấn giữa Phóng viên VOHvới Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố. 

công nghệ, Thời sự 17g00, nghe thời sự VOH

Ảnh minh họa: Sở khoa học công nghệ

VOH: Thưa ông, ông có đánh giá gì về các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua?

Tiến sĩ Đào Hà Trung: Chính sách của Thành phố, của cả nước đưa ra rất nhiều, rất tốt. Thật sự doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam là được ưu tiên về thuế, sử dụng đất, và những cái khác. Còn vấn đề các doanh nghiệp công nghệ cao họ có tiếp cận, có muốn hưởng các chính sách hay không thì đó là về phía các công ty công nghệ cao. Riêng Hội Công nghệ cao Thành phố tôi thấy các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm lắm, bởi vì thật ra họ cũng đang tự giải quyết được. Tôi cũng nghĩ rằng nếu như doanh nghiệp công nghệ cao nào đã tự giải quyết được, không cần sự hỗ trợ của nhà nước thì cứ để họ làm. Thậm chí là yêu cầu họ phải hỗ trợ lại cho nhà nước về công nghệ mà họ có, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp còn yếu hơn. Còn doanh nghiệp nào cần thì tôi nghĩ rằng họ phải tự tìm đến sở, ban, ngành sự hỗ trợ này.

VOH: Vậy các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ hỗ trợ lại cho nhà nước những gì?

Tiến sĩ Đào Hà Trung: Trước hết, tôi nghĩ các doanh nghiệp nên từ bỏ tư duy cứ phải “xin” nhà nước, thành phố cho cái gì đó mà hãy phát triển ở trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Bởi vì, khi bạn ra toàn cầu thì không phải ai cũng sẽ cho bạn mọi thứ. Khi có tư duy rằng doanh nghiệp không cần phải “xin” mà phải chiến đấu để bạn có thì năng lực cạnh tranh của bạn sẽ cao hơn. Khi doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao hơn rồi, thì hãy hướng đến cộng đồng nhiều hơn để đóng góp. Chúng tôi thấy có nhiều công ty rất tốt trong lĩnh vực công nghệ cao có những những đóng góp cụ thể. Lấy ví dụ, công ty Kambria về trí tuệ nhân tạo, họ cũng đang tổ chức những đợt huấn luyện, dạy cho các học sinh, sinh viên, các nhóm về trí tuệ nhân tạo. Họ đang làm rất tốt. Hay, công ty Te-Food làm về quản lý đàn, thông tin chống dịch khẩn cấp như dịch tả heo Châu Phi chẳng hạn. Đấy là những hoạt động cộng đồng, đấy là họ đã cho đi. Vậy, họ nhận lại từ nhà nước cái gì? – Tôi nghĩ đó là môi trường kinh doanh, thị trường kinh doanh được tạo thuận lợi rất nhiều.

VOH: Ông có đề xuất gì để các doanh nghiệp công nghệ cao có thể cống hiến cho Thành phố?

Tiến sĩ Đào Hà Trung: Chúng tôi có một đề xuất duy nhất là hãy cho chúng tôi được cống hiến bằng cách hãy nói cho chúng tôi biết quản lý nhà nước cần gì; doanh nghiệp và các hiệp hội cần gì để chúng tôi cống hiến.

VOH: Theo ông, vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố ra sao đối với đề nghị này?

Tiến sĩ Đào Hà Trung: Tôi nghĩ vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố rất quan trọng, đó là vai trò của dàn nhạc trưởng. Thứ nhất, đó là tập trung nhu cầu của các sở, ban, ngành, cả các hiệp hội khác ngồi lại với nhau….trong đó có Hội Công nghệ cao cùng tham gia, để đưa ra các tiêu chí chọn lựa các công nghệ, người thực hiện đúng trình độ, đúng khả năng và cung cấp những hệ thống khoa học công nghệ tiên tiến nhất cho quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý hiệp hội để Việt Nam chúng ta không lạc hậu. Không những không lạc hậu mà chúng ta còn phải tiên phong ở trong một số lĩnh vực.

VOH: Theo ý kiến các doanh nghiệp công nghệ cao hiện nay đang thiếu không gian thử nghiệm, theo ông không gian thử nghiệm này cần được hiểu như thế nào?

Tiến sĩ Đào Hà Trung: “Không gian thử nghiệm” được hiểu là, những gì luật pháp không cấm thì được làm, chúng ta nhấn mạnh ý này rất rõ ràng đối với các doanh nghiệp công nghệ, bởi vì họ vẫn đang lo sợ, nên ta cần nhấn mạnh kỹ hơn để các doanh nghiệp hiểu và họ mạnh dạn dám làm. Thứ hai, là tạo điều kiện để kết nối Không gian thử nghiệm này với môi trường thử nghiệm. Tôi lấy ví dụ, khi một doanh nghiệp có một công nghệ, bây giờ muốn ứng dụng công nghệ đó thì cũng cần một đơn vị đồng ý ứng dụng nó. Ở đây, vai trò của nhà nước là tìm cho họ những đơn vị đó để kết nối với nhau, có thể hỗ trợ để được ứng dụng những công nghệ mới. Sau đó, chúng ta sẽ rút ra kinh nghiệm để sửa chữa, thay đổi, đưa ra những quy định pháp lý để quản lý những vấn đề mới đang phát sinh.

VOH: Ông có nghĩ rằng các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ là những người đóng vai   dẫn dắt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Tiến sĩ Đào Hà Trung: Tôi không dám nói của Việt Nam. Tôi chỉ muốn nói đến bài học quốc tế. Chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp công nghệ cao, ví dụ như ở Mỹ thì có Google, có Facebook, Amazon…..Trung Quốc thì có Alibaba, thật sự công nghệ của họ không chỉ thay đổi đất nước của họ mà họ thay đổi cả thế giới. Ở góc độ người Việt Nam, tôi cũng mong muốn ở Việt Nam sẽ có những con khủng long công nghệ như thế. Bao giờ nó xuất hiện, xuất hiện như thế nào, chúng tôi không biết? Biết đâu trong hàng triệu cái trứng nhỏ của con khủng long sau này, nó đang nằm ở Việt Nam thì sao? Nhưng chắc một điều, nếu chúng ta không chăm sóc những cái trứng này thì nó sẽ thui chột, nó sẽ không lớn kịp để trở thành khủng long. Chúng ta hãy làm sao chăm sóc nó, tạo điều kiện cho những cái trứng này được nở ra, lớn lên và phát triển, trở thành con khủng long công nghệ thực sự.

VOH: Cám ơn ông!

Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo