Bài 4: Liên kết ba nhà: Cần bắt tay đi chặng đường dài - Thời sự 05g30 27/11/2020

(VOH) - Kết thúc loạt bài “Thúc đẩy thương mại hóa – chuyển giao công nghệ từ đại học đến công nghiệp”, VOH giới thiệu bài 4, nhan đề “Liên kết ba nhà: Cần bắt tay đi chặng đường dài”.

Trong những năm gần đây, các chính sách của TPHCM luôn đặt vấn đề thúc đẩy hình thành mối liên kết ba nhà: nhà trường – nhà nước – nhà doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp và giải quyết những vấn đề của thành phố.

Thành phố hiện có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu kết nối giữa khu vực trường đại học với doanh nghiệp để giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp.

Nhận định về tầm quan trọng của các bên tham gia mối liên kết ba nhà, Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM phân tích, trong những năm gần đây, xu hướng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến.

Theo báo cáo Fortune 500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ của tạp chí Fortune, số doanh nghiệp có báo cáo về hoạt động CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) tăng từ 20% lên tới hơn 85% trong vòng 7 năm từ 2011-2018. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của CSR đối với doanh nghiệp, từ “nên làm” dần trở thành “phải làm”. Trong đó, giáo dục là một trong những lĩnh vực đang được xã hội ngày càng lưu tâm.

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam đã thực hiện các hoạt động CSR đầu tư cho tri thức như: đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trường học, giáo dục lan tỏa kiến thức và kĩ năng cho cộng đồng, hỗ trợ công tác quản trị trường học, thiết kế các chương trình giảng dạy định hướng thực tiễn, nghiên cứu ứng dụng, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ và phương pháp giảng dạy...

Theo Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành: “Sự kết nối nhà trường – doanh nghiệp chính là con đường để các trường đại học chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đến thực tiễn nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Khi doanh nghiệp cùng tham gia với nhà trường trong vấn đề đào tạo, nghiên cứu thì vấn đề giữa cung và cầu gặp nhau một cách trực tiếp.

Khi đó các công trình nghiên cứu sẽ phù hợp với thực tiễn, các giải pháp đưa ra cũng phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Khi doanh nghiệp sử dụng các kết quả này hiệu quả hơn, hiệu ứng áp dụng vào thực tiễn ngắn hơn và tốt hơn”.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM: “Đối với nhà nước thì các chính sách, chiến lược, đặc biệt một khâu quan trọng để tạo sự yên tâm cho các nhà: đó là nhà nước có vai trò rất quan trọng trong công tác dự báo: dự báo về tương lai của các nhóm ngành nghề, về cơ cấu, tỷ trọng, sự phát triển nguồn nhân lực, điều kiện để đáp ứng như thế nào…”.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho hay, Thành phố hiện có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu kết nối giữa khu vực trường đại học với doanh nghiệp để giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp, trong đó nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án phục vụ mục đích trên. Thứ hai, các kết quả nghiên cứu tốt của trường đại học được nhà nước hỗ trợ tiếp tục làm những dự án sản xuất thử nghiệm để thương mại hóa, đáp ứng được nhu cầu chuyển giao kết quả nghiên cứu đó.

Ngoài ra, nhà nước cũng có các chính sách hỗ trợ tổ chức những sự kiện để kết nối các sản phẩm có tiềm năng giữa nhà nghiên cứu cho các doanh nghiệp – khách hàng tiềm năng, để họ có thể gặp gỡ nhau, biết được những kết quả nghiên cứu mà hiện nay có thể ứng dụng được. Đó là nơi tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và trường đại học. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng mối liên kết ba nhà dù càng ngày càng có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và chưa hình thành được những liên kết lâu dài.

“Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu Thành phố tiếp tục triển khai một số chương trình để giúp hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ ở các trường đại học, kể cả giúp đỡ hỗ trợ về đào tạo, nguồn nhân lực, cách quản trị như thế nào, các câu chuyện liên quan đến thương mại hóa. Tất nhiên mô hình đó phải được xây dựng từ kinh nghiệm quốc tế, đào tạo huấn luyện, các chính sách hỗ trợ để giúp trường đại học nâng cao năng lực. Mong muốn tiếp theo là hình thành mạng lưới các trung tâm chuyển giao công nghệ của các trường đại học trên địa bàn thành phố” - ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, Sở Khoa học và công nghệ Thành phố đã tham mưu, Thành phố cũng đã thống nhất sẽ hình thành Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo của Thành phố. Vai trò của Viện này giống như cầu nối giữa khối đại học với doanh nghiệp. Đây sẽ là nơi được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có các phòng thí nghiệm và sản xuất, mục đích nhằm giúp việc hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp, hợp tác với các doanh nghiệp để biết họ cần gì, đặt hàng gì, các trường đại học giải quyết bài toán cho doanh nghiệp.

Đội ngũ, cơ sở vật chất ở đây sẽ rất hiện đại để giúp các trường đại học có thể thương mại hóa được, đáp ứng được yêu cầu chuyển giao cho doanh nghiệp. Đề án thành lập Viện này cũng đã trình và được Thành phố phê duyệt, hy vọng có thể tháo gỡ từng bước với kỳ vọng hình thành mối liên kết giữa ba nhà ngày càng chặt chẽ hơn.

Thùy Linh

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo