Bài 4: Chiến lược phát triển nhân lực trí tuệ nhân tạo: Nhìn ra thế giới - Thời sự 5g30 12/09/2019

(VOH) - Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực nghiên cứu mới, với mục tiêu tạo ra những chương trình, máy móc, hay robot có khả năng của con người.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, tiêu biểu như an ninh công cộng, giao thông thông minh, nông nghiệp, sản xuất, tài chính, thương mại điện tử… Có thể khẳng định, trí tuệ nhân tạo đang góp phần thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống, dần trở thành một yếu tố quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành, quản lý.

Để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không thể thiếu những người giỏi trong lĩnh vực này. Từ đó, vai trò của cơ sở đào tạo đặc biệt quan trọng, để chuẩn bị và cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực các công nghệ mới – trong đó có Trí tuệ nhân tạo (AI). Các nước trên thế giới có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo ra sao, khó khăn nào từ doanh nghiệp trong những năm qua mỏi mắt tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực này. Mời quý vị nghe bài 4 của loạt bài Thời đại của Trí tuệ nhân tạo với sự phân tích của Giáo sư Tiến sĩ Vương Thanh Sơn, đến từ Đại học British Columbia, Canada là nước rất thành công trong chiến lược phát triển Trí tuệ nhân tạo; Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam, đến từ trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, là trường đại học hàng đầu về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin; và ông Trần Phúc Hồng – Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions kiêm Giám đốc Trung tâm Sáng tạo TMA, là công ty phần mềm có quy mô lớn và có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước qua tọa đàm sau đây. Mời quý vị nghe phần đầu tọa đàm qua đề dẫn của Phóng viên Thùy Linh.

VOH: Để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không thể thiếu những người giỏi trong lĩnh vực này. Trước khi đến với bài toán nhân lực về AI tại Việt Nam, mời các chuyên gia có thể chia sẻ thêm về bức tranh nhân lực trí tuệ nhân tạo ở một số nước trên thế giới?  Xin mời Giáo sư Tiến sĩ Vương Thanh Sơn

Giáo sư Vương Thanh Sơn: Tôi rất vui khi được mời đến đây chia sẻ về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đó là một lĩnh vực rất nóng trong những năm gần đây. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều lưu ý và quan tâm đến nó, Việt Nam không ngoại lệ. Ở đất nước Canada, tôi dạy ở trường Đại học British Columbia – nơi có những bộ phận về AI rất nổi tiếng. Ở miền Đông của Canada, họ có Trung tâm về AI. Riêng ở Trường Đại học British Columbia có trung tâm về AI, ở đó có khoảng 25 giáo sư thành viên thường trực, gấp đôi số này là thành viên liên quan đến AI. Khi nói đến AI thì rất rộng, bao gồm: Big Data, Network, phần cứng, phần mềm, mạng……đều nằm trong đó. Còn trong lĩnh vực đào tạo, mỗi quốc gia đều có kinh nghiệm đào tạo khác nhau. Canada và Mỹ thì rất gần với nhau về vấn đề này. Thông thường, những giáo sư đầu ngành nghiên cứu rất sát, rất sâu trong lĩnh vực AI. Họ truyền đạt kiến thức của họ cho những sinh viên, sau đại học và nghiên cứu sinh. Những người này sau khi ra trường, họ có việc làm ở những công ty lớn hàng đầu như: Google, Facebook, Microsoft, IBM….Ngoài ra, có nhiều người khởi nghiệp, lập công ty. Do đó,  sinh viên không tìm được việc làm cũng có, còn sinh viên có chuyên môn thì những công ty hàng đầu họ “săn” những sinh viên, trải thảm đỏ để sinh viên về làm cho họ. Tôi có vài sinh viên đã đi làm ở vùng Silicon Valley - Mỹ, những sinh viên giỏi có mức lương và thưởng lên đến nửa triệu đô la/năm là điều không ngạc nhiên.

VOH: Cám ơn Giáo sư Vương Thanh Sơn với những chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế đào tạo AI tại đất nước Canada, Mỹ. Ở nước ngoài, các công ty hàng đầu trải thảm đối với các sinh viên giỏi. Đối với Việt Nam thì sao, xin mời ông Trần Phúc Hồng, đại diện doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Trần Phúc Hồng: TMA bắt đầu nhận những hợp đồng về AI cách đây 4 năm, từ Mỹ, Châu Âu, Nhật, khởi đầu cũng rất tốt. Tuy nhiên, khi mình muốn tăng trưởng quy mô lên, khách hàng thấy mình làm được, các kỹ sư Việt Nam làm được về Trí tuệ nhân tạo, họ bắt đầu giao thêm. Lúc ấy, mình thiếu về nhân lực, cũng không thể tăng như dự kiến được. Vì cách đây 3, 4 năm, rất ít trường có đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Doanh nghiệp phải tự đào tạo, nhưng lĩnh vực này phải đào tạo mất mấy năm mời bắt đầu làm việc được, nhưng cũng vất vả trong việc chọn người phù hợp. Vấn đề ở chỗ, mấy năm nay nhu cầu nhân lực ngành này trong và ngoài nước tăng lên rất nhiều, nên doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều người trong lĩnh vực này.

VOH: Quay trở lại trường đại học, thưa Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam, ông đánh giá về quy mô và chương trình đào tạo về lĩnh vực AI hiện nay tại các trường đại học ra sao?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam: Về mảng đào tạo trí tuệ nhân tạo, thật ra nó đã có từ lâu, từ năm 1956 – khái niệm AI đã được các nhà khoa học đề xuất. Từ đó đến nay, môn Trí tuệ nhân tạo cũng nằm trong các chương trình đào tạo ở đại học. Nhưng chỉ khoảng độ 10 năm trở lại đây, với một số kết quả tuyệt vời từ mảng học máy, học sâu (Deep Learning), trước đây có nhiều vấn đề chúng ta không giải được thì hiện nay đều giải được bằng phương án này, nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư. Chương trình đào tạo của các trường bắt đầu chú trọng, môn đào tạo về AI thay vì một môn, gần đây nó lên đến 2,3 môn, thậm chí có trường lên đến 5 môn. Nhưng, nếu nói về đào tạo xuất sắc, bài bản thì hiện các trường đại học ở Việt Nam chưa làm tốt. Vì sao? – Thứ nhất, để đào tạo bài bản chúng ta cũng phải cần những chuyên gia, ông thầy giỏi trong lĩnh vực này. Theo đánh giá, 5 năm nữa thị trường nhân lực về AI có sự thay đổi. Hiện nay, chúng ta đang cần những công cụ xuất sắc vì các công cụ, thuật toán chưa hoàn chỉnh mà đang phát triển. nhưng trong tương lai, vài năm nữa nó phát triển chín muồi thì lực lượng nhân sự chỉ để sử dụng các công cụ đó để tạo ra các sản phẩm sẽ chiếm thị trường nhiều hơn. Thứ hai, nhân sự đó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mà họ cần nhân sự am hiểu trong những lĩnh vực khác nữa: y khoa, cơ khí, môi trường….lực lượng trong lĩnh vực này cũng phải biết. Khi công cụ đã sẵn sàng, chuyện đào tạo về nhân lực đó sẽ không còn khó khăn như giai đoạn hiện nay.

VOH: Cám ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam. Cám ơn các vị khách mời./.

VOH.

Bình luận

Đọc Báo