Bài 3: Trí tuệ nhân tạo: Ngành học “thời thượng” – Thời sự 5g30 11/09/2019

(VOH) - Cùng với xu thế chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển đô thị sáng tạo của Thành phố… đặt ra cơ hội lẫn thách thức đối với các trường đào tạo về KHKT-CN

Ngành Trí tuệ nhân tạo được xây dựng nền tảng từ các thông tin, thuật toán, thuật giải, logic... Cùng với xu thế chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển đô thị sáng tạo của Thành phố……đặt ra cơ hội lẫn thách thức đối với các trường đào tạo về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Nắm bắt định hướng trên, một số trường đại học đã và đang triển khai các chương trình đào tạo liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Sau khi tìm hiểu thị trường và xu thế đào tạo của các nước trên thế giới đối với ngành  học trí tuệ nhân tạo, một số trường đại học mạnh dạn đưa chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo vào năm học mới này. Đơn cử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đưa vào đào tạo ngành học mới - ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Chỉ tiêu ban đầu chỉ khiêm tốn với 40 chỉ tiêu. Tương tự, Đại học FPT cũng chính thức tuyển sinh chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, đáp ứng nhu cầu Cách mạng công nghệ 4.0. Không nằm ngoài xu thế, năm học mới này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ngành học mới mang tên Robot và Trí tuệ nhân tạo. Điều đặc biệt, trường đào tạo hoàn toàn miễn phí kỹ sư tài năng lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố và cả nước trong thời gian tới. Ngành chỉ tuyển 20 sinh viên trong khóa đầu tiên, chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong nước và thế giới trực tiếp giảng dạy. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí - Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đây là ngành học đan xen kết hợp của nhiều ngành: gồm công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ khí, đó là khác biệt so với đào tạo truyền thống: “Sự phát triển của ngành này sẽ phục vụ cho sự phát triển trong thập niên này. Thập niên mà đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của nhiều yếu tố, không chỉ là yếu tố về công nghệ. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng về robot và trí tuệ nhân tạo. Vậy robot và trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò chính. Nhưng để xây dựng cấu thành robot, nó cần sự phát triển của đa ngành, đa lĩnh vực chứ không chỉ một ngành nào như những ngành truyền thống trước đây”

Trong khi đó, tại Trường Đại học Hoa Sen, lần đầu tiên đưa vào giảng dạy chương trình Trí tuệ nhân tạo ứng dụng theo hướng công nghiệp. Tiến sĩ Vũ Tường Thụy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho thêm về ngành học mới này: “Hiện nay Trường đào tạo các ngành về công nghệ thông tin, mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm. Tuy nhiên, đó là nền tảng chung cho sinh viên. Vấn đề người học tiếp cận các công nghệ mới như thế nào, trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ mới, bên cạnh IOT, blockchain….Do đó, trường đưa vào chuyên ngành mới là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thật ra, những gì gọi là trí tuệ nhân tạo đã có từ lâu, từ nền tảng Toán học, công nghệ thông tin…..Tuy nhiên, nó nổi bật trong giai đoạn hiện nay vì tính ứng dụng của nó trong thực tiễn”

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ranh giới giữa các ngành nghề, các lĩnh vực hầu như mờ nhạt và đen xen lẫn nhau, đòi hỏi phương pháp đào tạo cũng phải thay đổi. Theo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm đơn vị này đào tạo ra khoảng 2.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Trong tuyển dụng, doanh nghiệp đều đặt ra yêu cầu ứng viên phải am hiểu về các công nghệ mới như chuỗi khối – gọi là Blockchain, về trí tuệ nhân tạo. Để sinh viên ra trường đáp ứng các kỹ năng trên, đòi hỏi trường phải thay đổi về chương trình đào tạo, giảng viên phải cập nhật kiến thức mới. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện trường đã thực hiện việc chuyển đổi chương trình đào tạo để đưa trí tuệ nhân tạo vào tất cả các ngành. Hiện có hai ngành học chính giảng dạy về trí tuệ nhân tạo: Khoa học dữ liệu – tuyển sinh từ năm 2018, Khoa học máy tính đào tạo từ khi trường mới thành lập. Bên cạnh đó, trường luôn có học bổng lên đến 160 triệu đồng/năm để thu hút những học sinh “tinh hoa”, kỹ năng lập trình tốt vào học, tạo nên một nguồn nhân lực mới cho thị trường về trí tuệ nhân tạo, cũng như Trường đầu tư cơ sở vật chất liên quan: “Chúng tôi có phòng thí nghiệm, không gọi là phòng thí nghiệm AI mà là phòng thí nghiệm xử lý đa phương tiện. Chúng tôi tiến hành tất cả các nghiên cứu, liên quan đến thị giác máy tính như nhận dạng mặt người, nhận dạng biển số xe, nhận dạng vân tay…nghiên cứu về xử lý tiếng nói, trên nền tảng Big Data, Deep Learning. Từ phòng thí nghiệm, các bạn tham gia rất nhiều cuộc thi trên thế giới và đạt kết quả rất tốt so với các nhóm trên thế giới”

Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán – Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược đào tạo về nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia. Giáo sư Hồ Tú Bảo dẫn chứng: “Hàn Quốc có kế hoạch đến năm 2022 đào tạo ra 5.000 chuyên gia về AI, trong đó có 1.600 người làm về khoa học dữ liệu, còn lại là chuyên gia phân tích các dữ liệu. Hầu hết các quốc gia đều có chiến lược đào tạo. Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta đã tạo về trí tuệ nhân tạo cũng đã lâu rồi, tôi nghĩ những chương trình này một là cần đào tạo rộng rãi hơn. Những ngành nghề khác cũng nên được giới thiệu về trí tuệ nhân tạo. Thứ hai, giáo trình về trí tuệ nhân tạo cũng nên thay đổi”

Theo đánh giá của Google Brain từ hồi đầu năm nay, nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường. Những dự báo này cũng đặt ra thách thức đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đặt ra cho các trường đại học cần có những thay đổi trong chương trình đào tạo.

Thùy Linh

VOH

Bình luận

Đọc Báo