Bài 3: Tránh rơi vào “bẫy” xuất khẩu lao động - Thời sự 11g00 06/08/2020

(VOH) –  Xuất khẩu lao động là hướng đi tích cực nhằm giải quyết việc làm và giảm nghèo.

Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực này vẫn diễn ra liên tục mà người lao động luôn là đối tượng chịu hậu quả. Vậy nguyên nhân cụ thể do đâu? Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này ra sao? Tiếp tục loạt bài “Cảnh giác trước “chiêu lừa” đi lao động nước ngoài” của nhóm Phóng viên VOH.

Lao động tại nước ngoài đã và đang giải quyết bài toán việc làm cho nguồn nhân lực ở nước ta, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Dù xuất khẩu với diện lao động phổ thông hoặc lao động chuyên môn cao thì người lao động vẫn tích góp được một số vốn, kỹ năng để lập thân, lập nghiệp, thậm chí là định cư dài hạn sau này. Tuy nhiên, vấn nạn lừa đảo xuất khẩu lao động cũng từ đó diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Từ kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan, luật sư Huỳnh Văn Hiệp – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Hiện các công ty xuất khẩu lao động “nhiều như nấm” nhưng độ xác thực và chất lượng của chúng cần phải xem lại.

“Có thể những trung tâm đó họ không có chức năng đưa người lao động đi nước ngoài. Thứ hai là họ sẽ dùng những “chiêu”, tiểu xảo để lừa dối người lao động, họ chiếm dụng tiền của người lao động nhưng khi có việc thì không có chế tài gì xử phạt họ, họ cứ ngâm đến khi nào không ngâm được nữa thì thôi. Và do muốn có khách hàng thì họ sẽ hứa nhưng khi họ lấy tiền của người lao động rồi thì họ lại không làm được”

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Vì sao các công ty lừa đảo vẫn tồn tại được dù đã có cảnh báo? Luật sư Huỳnh Văn Hiệp cho rằng: Các công ty khi muốn lừa đảo, họ sẽ có nhiều cách để “thiên biến vạn hoá”, qua mặt cơ quan chức năng. Không dễ và không thể xử lý triệt để vấn nạn này trong thời gian ngắn. Theo luật sư Hiệp, trước khi nạp bất kì một khoản phí nào cho công ty, mỗi cá nhân cần xác thực rõ về địa điểm, trụ sở cũng như giấy phép hoạt động của nó. Tránh trường hợp nếu xảy ra chuyện thì thiệt thòi vẫn là người lao động.

“Họ biết tố tụng của Việt Nam khi khởi kiện nó lâu, thi hành án nó lâu. Cái nữa là với người lao động thì nên tìm hiểu kỹ các quy định trong ngành nghề lao động của mình. Chẳng hạn như lao động tay nghề hay lao động phổ thông để mình đáp ứng, chứ đừng nghe vào những lời hứa của doanh nghiệp”

Điều này rất đúng với trường hợp của anh Vũ Tiến Cảnh, nhân vật được nhắc đến trong loạt bài này. Hiện anh Cảnh đang thanh lý hợp đồng, lấy lại tiền cọc với công ty UNC và bản thân anh đã rút ra nhiều bài học quý giá. Theo anh, nhiều người đã kỳ vọng quá mức, không tính đến khả năng về trình độ, năng lực, tay nghề, ngoại ngữ… mà chỉ chú ý đến những khía cạnh như thu nhập, mức lương… để rồi trở thành “miếng mồi ngon” cho các công ty. Anh Vũ Tiến Cảnh nói:

“Nguyện vọng của mình chỉ là muốn lấy lại tiền thôi chứ mình cũng không muốn kiện tụng gì cho nó phiền phức. Mà công ty UNC không hợp tác nên bữa mình bực quá đã post lên một diễn đàn về xuất khẩu lao động trường hợp cuả mình. Mình chỉ chia sẻ thôi chứ không khẳng định hay kết án gì, chủ yếu để người lao động biết các thủ đoạn như vậy không những ở công ty UNC mà còn các công ty khác”

Như đã đề cập trong bài trước, chúng tôi có liên hệ công văn đến Công an quận 1 để làm rõ trường hợp của công ty UNC. Do vướng cơ chế phát ngôn cũng như đã chuyển hồ sơ lên cho Công an thành phố thế nhưng đại diện Công an quận 1 cũng thông tin nhanh: Trong các vụ lừa đảo lao động mà đơn vị này xử lý, có rất ít vụ có đầy đủ căn cứ để xử lý hình sự. Nguyên nhân do các công ty tìm mọi cách để lách luật nhằm đối phó cơ quan chức năng. Các giấy tờ thu tiền và hợp đồng thường lắt léo nên khi công an vào cuộc cũng khó chứng minh được sai phạm.

Dễ nhận thấy những cách thức thông dụng mà các công ty lừa đảo thường áp dụng như: Tư vấn ở công ty này trong khi đưa sang công ty khác. Không có giấy cam kết mức phí đã thông báo hoặc không làm giấy xác nhận khi nhận tiền. Gạ gẫm người lao động làm giả giấy tờ khi không đạt yêu cầu về điểm nào đó (ví dụ giả giấy tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng…). Dụ dỗ người lao động đi theo các con đường chui như du lịch, du học…Bắt người lao động phải chờ quá lâu.v.v…Dù các chiêu lừa đã cũ thế nhưng nhiều người vẫn sa bẫy là do chính bản thân họ không chịu tìm hiểu kỹ, không trang bị những kiến thức về quy định, pháp luật để bị lợi dụng. Mặt khác, nguyên nhân còn do sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ trong quy định pháp luật về xuất khẩu lao động cũng như quản lý nhà nước còn chồng chéo.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Quảng Bình cho rằng: Việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hợp lý hóa giấy tờ xuất khẩu lao động, thậm chí giả mạo hộ chiếu, kinh nghiệm, chứng chỉ… đã xảy ra. Trong đó có nhiều đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp. Theo đại biểu Phương, nguyên nhân cơ bản là do hành lang pháp luật và việc quản lý điều hành của các cấp chính quyền còn chung chung, thiếu chặt chẽ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị:

Để khắc phục tình trạng xảy ra, yếu tố quan trọng nhất luật phải quy định một cách nghiêm túc các cơ chế, chính sách đối với vấn đề làm các thủ tục hộ chiếu hoặc văn bản pháp luật để cho xuất nhập cảnh. Thứ hai cũng phải có những biện pháp để răn đe các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng chức năng để tạo điều kiện cho một số đối tượng xuất khẩu vi phạm pháp luật.”

Thông thường một lao động đi xuất khẩu sẽ phải chi từ vài chục tới vài trăm triệu đồng. Đó là số tiền chắt bóp cả đời hoặc vay mượn trong cả họ hàng, bạn bè mới có được. Nếu lừa đảo trót lọt, các công ty sẽ có thể thu được khoản tiền lớn. Điều đó giải thích vì sao nhiều kẻ vẫn bất chấp tất cả để lừa người lao động đi xuất khẩu. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ năm 2007, trong 13 năm qua, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xử lý hàng ngàn đơn thư khiếu nại. Hằng năm, Bộ này cũng tiếp nhận 200 - 300 đơn thư, khiếu nại từ các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành khác gửi về.

Để hạn chế tình trạng trên, thiết nghĩ cần hoàn thiện các văn bản pháp luật, trong đó quy định rõ loại hình hoạt động của những doanh nghiệp này và trách nhiệm của các đơn vị chức năng. Mặt khác, cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền cho người lao động, cảnh báo cho họ biết về các hình thức lừa đảo trong xuất khẩu lao động. Ông Lê Minh Tấn – Gíam đốc Sở LĐ–TB&XH TPHCM cho rằng: Xử lý vấn đề này cần một gói giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng và người lao động.

“Trên địa bàn Thành phố chúng ta hiện nay có 83 cơ sở, dịch vụ giới thiệu việc làm, trong đó có 50 cơ sở ở thành phố, còn 33 cơ sở là chi nhánh ở các quận, huyện. Theo quy định của pháp luật thì chỉ có 50 cơ sở là được phép giới thiệu việc làm, còn 33 chi nhánh kia thì chỉ có tư vấn thôi. Tuy nhiên hiện vẫn có tình trạng các chi nhánh này làm sai quy định, tự ý thu tiền và giới thiệu việc làm sai phép. Thời gian qua Sở vẫn tranh thủ kiểm tra, chấn chỉnh, gỡ bỏ biển hiệu và đồng thời cũng tuyên truyền các địa chỉ cơ sở uy tín cho người dân biết”

Khi cơ hội tìm kiếm việc làm ở trong nước càng khó thì xuất khẩu lao động lại trở thành cứu cánh cho nhiều người. Hằng năm, có không ít nạn nhân “sập bẫy” với các chiêu lừa giống nhau nhưng với cấp độ tinh vi hơn. Để không tái diễn “Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới” có lẽ chính bản thân người lao động nên tự trang bị cho mình kiến thức nếu muốn đi xuất khẩu lao động. Bởi bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tự bảo vệ quyền lợi cho mình là điều cần thiết nhất.

Phú Sơn

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo