Bài 3: Nhiều chính sách nhân văn dành cho trẻ mồ côi – Thời sự 5g30 26/10/2021

(VOH) - Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến kinh tế và đời sống người dân TPHCM.

Với hơn 400.000 người nhiễm, hơn 16.000 người tử vong và hàng ngàn trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi, mất người trực tiếp nuôi dưỡng. Đây là một bi kịch, là vết thương mà không biết bao giờ lành. Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các em nhỏ là quá lớn, không thể bù đắp được. Đặc biệt là trẻ em ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mất đi trụ cột gia đình thì cuộc sống càng bấp bênh, tương lai phải đối mặt với nhiều thử thách. Các em sẽ chịu nhiều thiệt thòi về mọi mặt, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của các em sau này, đặc biệt là những tác động lớn về mặt tâm lý, kéo theo là những ảnh hưởng về học tập, thể chất…  Nếu không được hỗ trợ thích hợp, các em sẽ bị ảnh hưởng dài hạn tới sức khoẻ tâm thần cũng như cơ hội thành công trong cuộc sống sau này. Hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc các em trong thời gian dài. Phân tích sâu hơn vấn đề này ở góc độ quản lý nhà nước.

Phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM về công tác chăm lo trẻ em mồ côi vì Covid-19 trong bài 3 của loạt bài: “Trẻ em mồ côi vì Covid-19 – Giọt nước mắt bấp bênh vào đời”.

*VOH: Thưa ông, ông cho biết về tình hình, số liệu trẻ mồ côi do Covid -19 tại TPHCM hiện nay ra sao và TP đã hỗ trợ gì cho các trẻ em này?

Ông Lê Minh Tấn: Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân TPHCM. Đến nay, toàn thành phố có 1.392 trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc là mồ côi cả cha lẫn mẹ (dưới 16 tuổi) và gần 600 thanh thiếu niên (16-18 tuổi) mồ côi vì Covid-19. Trong đó, có nhiều trẻ em mồ côi cả cha, mẹ hoặc từ nhỏ ở với ông bà và bây giờ ông bà cũng qua đời vì Covid-19. Có 66 bé từ 1 đến 2 tuổi, trong đó có 19 bé là trẻ sơ sinh mới sinh ra.

Đây là nỗi đau đớn chung của TP chúng ta. Đồng thời gây ra sang chấn rất lớn cho thế hệ trẻ em mồ côi. Hoàn cảnh thì khó khăn. Buồn và đau khổ lắm. Vì vậy, tôi mong tất cả các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hãy chung tay cùng TP để chia sẻ nỗi đau, mất mát này. Với tinh thần đùm bọc, yêu thương các em học sinh, Sở đang triển khai kế hoạch vận động các đơn vị cùng chung tay để chăm lo lâu dài cho các học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Thành phố luôn nỗ lực tạo cho các em một tương lai tươi sáng phía trước để bù đắp những mất mát mà các em đang trải qua.

Sự đóng công góp sức của tất các tổ chức chính trị xã hội cũng như các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng nhân dân thành phố có trách nhiệm chung tay đỡ đầu, chăm lo cho các cháu ăn học đến năm 18 tuổi. Nếu các cháu có nguyện vọng tiếp tục con đường học vấn, vào Đại học thì chăm lo đến năm 22 tuổi, kể cả học nghề. Vận động các tổ chức hỗ trợ 1 triệu, 2 triệu hoặc 3 triệu đồng cho mỗi cháu để các học hành, mở sổ tiết kiệm cho các cháu hoặc cấp phương tiện xe đạp đi học cho các cháu.

*VOH: Như ông vừa cho biết thì có hàng ngàn trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 gây ra. Vậy nguồn hỗ trợ từ đâu, thưa ông?

Ông Lê Minh Tấn: Nói chung là vận động xã hội hóa, các tổ chức chính trị xã hội, các mạnh thường quân đóng góp là cơ bản. Còn ngân sách chỉ ít thôi, còn thể hiện tấm lòng, tính nhân văn vì thế hệ trẻ, vì tương lai của TP của đất nước mà tất cả mọi người cùng chung tay góp sức. Tôi kêu gọi tất cả bà con chúng ta cùng chung tay  giúp đỡ và đỡ đầu cho các cháu mồ côi cha lẫn mẹ. Đây là nỗ lực chung của chúng ta để các cháu có một niềm tin, một điểm tựa, một tương lai để học hành đến nơi đến chốn và trở thành người có ích cho Thành phố chúng ta sau này.

*VOH: Hầu hết trẻ em mồ côi cha mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ còn rất nhỏ, thậm chí nhiều bé còn là trẻ sơ sinh, rất cần sự dìu dắt, chăm sóc trong hành trình dài sắp tới. Vậy việc hỗ trợ cho các em có gặp khó khăn gì không và Thành phố cần làm gì để hỗ trợ tốt hơn thưa ông?

Ông Lê Minh Tấn: Ngoài ngân sách TP hỗ trợ theo Nghị định 20 của Chính phủ ngày 15/3 và có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay. Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng cho các cháu mồ côi thì TP sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ thêm, nhất là kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp cùng nhân dân TP chung tay đóp góp đỡ đầu cho trẻ mồ côi trên TP chúng ta hiện nay.

*VOH: Theo ông, việc để trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 sống chung với người thân hay sống trong các mái ấm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của trẻ?

Ông Lê Minh Tấn: Về tính nhân văn sâu sắc thì các cháu không còn cha, còn mẹ thì có quyền trợ giúp thay thế. Ông bà, cô chú, bác có thể nuôi nấng được hoặc là hình thức con nuôi, hoặc vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Nhưng theo khuyến cáo của các tổ chức và Unicef thì không nên cho các cháu tách rời cộng đồng. Mà phải ở trong gia đình, cộng đồng để nhân cách ngày càng hoàn chỉnh hơn, cái tình nghĩa ông bà, chú bác cưu mang, đùm bọc sẽ gắn bó hơn là vào các cơ sở bảo trợ công lập và ngoài công lập hoặc là hình thức con nuôi. Nếu mà gia đình khó khăn quá và họ tự nguyện đưa vào các cơ sở xã hội công lập hoặc ngoài công lập thì Sở lao động cũng sẵn sàng tiếp đón và cũng lo ăn ở, học hành cho các cháu. Nhưng tôi vẫn mong tình cảm gia đình thân tộc sẽ gắn bó hơn cộng đồng, nhân cách hình thành hoàn chỉnh hơn so với tách rời khỏi gia đình, cộng đồng.

Thực hiện: Phương Dung

VOH

Bình luận

Đọc Báo