Bài 2: Dang rộng vòng tay, tiếp lửa yêu thương - Thời sự 5g30 25/10/2021

(VOH) -  Hàng ngàn trẻ em bị mất cha mẹ trong đại dịch Covid - 19. Con số đó có thể chưa dừng lại khi dịch bệnh hiện nay vẫn còn phức tạp.

Mất đi điểm tựa tinh thần, trẻ dễ bị các chứng lo lắng, trầm cảm, thậm chí, các sang chấn này có thể kéo dài nhiều năm sau. Trước mắt, rất nhiều khó khăn đang chồng chất trên con đường học tập và tương lai của các em. Mời bạn đọc xem tiếp bài 2 của loạt bài: “Trẻ em mồ côi vì Covid-19 – Giọt nước mắt bấp bênh vào đời” với nhan đề “Dang rộng vòng tay, tiếp lửa yêu thương”

TPHCM hơn 900 trẻ em mồ côi vì Covid-19 nhận học bổng 1 Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn trao học bổng cho các em là con của sản phụ mắc Covid-19.

Tính đến nay, dịch Covid -19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 16.000 người trên địa bàn TP.HCM, khiến nhiều em nhỏ lâm vào cảnh mồ côi. Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, ngoài hơn 1.600 trẻ em mồ côi, trong đợt bùng phát dịch thứ 4, TP.HCM vẫn còn hơn 3.771 em mắc Covid -19 đang được điều trị, cao nhất nước. Những con số ấy khiến bao trái tim nhói đau và cho thấy rất cần những chính sách “hậu Covid-19” với các đối tượng đặc biệt này.

Những ngày qua, danh sách trẻ em có cha, mẹ mất do Covid-19 liên tục được các cơ quan chức năng TP.HCM cập nhật và cộng đồng đang dang rộng vòng tay để cùng chăm lo. Tất cả mọi người đều muốn chia sẻ, động viên, tiếp thêm cho các em sức mạnh tinh thần và nghị lực. Bởi lẽ liều thuốc tinh thần rất quan trọng, giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn, đau thương này, để có một tương lai tốt đẹp hơn. Điển hình như Hội doanh nhân trẻ Việt Nam vừa nhận bảo trợ cho 1.200 trẻ mồ côi cho đến năm các cháu 18 tuổi. Ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho hay: “Kế hoạch chăm sóc các bé từ tinh thần đến học tập. Hàng quý đến khám sức khỏe cho các bé và các doanh nghiệp hàng quý mời các bé về công ty của mình để bù đắp tình cảm yêu thương của gia đình và hàng năm sẽ tổ chức cho các bé đi du lịch, xuyên suốt đến khi các bé đủ 18 tuổi. Mục đích của các mạnh thường quân chúng tôi là muốn bù đắp tình yêu thương cho các bé. Mong các bé lớn lên trưởng thành sẽ là công dân có ích cho xã hội”.

Hay như ông Hoàng Ngọc Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và Công nghệ môi trường Dương Nhật chia sẻ, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, rất nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ, do đó công ty nhận chăm lo cho 50 bé trong vòng 12 tháng, mỗi tháng tặng cho 1 bé 3 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn nhận nuôi 20 trẻ mồ côi tại cơ sở Sao Mai mà công ty vừa xây dựng xong: “Thật ra thì cũng không có gì lớn lao hết. Đây là tấm lòng của một doanh nghiệp hình thành phát triển tại TPHCM. Chúng tôi muốn chia sẻ một phần cho các bé để các bé được bù đắp phần nào và giảm thiểu những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi cũng hy vọng có nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành như lần này để giảm thiểu sự khó khăn với các bé mồ côi trong đại dịch”.

Không chỉ chuyện ăn, ở, trẻ mồ côi còn được hỗ trợ về những vấn đề khác như các thủ tục hành chính, khai sinh cho các bé, khai tử cho ba, mẹ không may đã mất vì dịch bệnh, hay giấy tờ liên quan thủ tục nuôi con, giám hộ, quyền thừa kế. Về vấn đề này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết: “Tất cả những bé khi sinh ra mà chưa có khai sinh thì chúng tôi đến tận nơi để làm khai sinh cho các bé. Còn những bé nào năm nay vào lớp 1 mà ba, mẹ mất không ai để ý tới thì chúng tôi lên Sở GDĐT đưa giấy khai tử của ba mẹ ra để xin bổ sung danh sách vào. Thứ 2 là vấn đề con nuôi, bây giờ ba mẹ mất hết rồi thì chúng tôi hướng dẫn làm thủ tục cho con nuôi. Thứ 3 là quyền tài sản. Các em phải được hưởng quyền tài sản. Ba mẹ mất rồi thì các em sẽ được hưởng quyền thừa kế như thế nào thì chúng tôi sẽ chăm lo quyền tải sản cho các em và tất cả về pháp lý là chúng tôi đều chăm lo cho các em hết”.

Đối với trẻ em, nhất là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, rủi ro đứng về góc độ pháp lý sẽ ảnh hưởng rất lớn nếu không có sự nhập cuộc và tham gia cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể. Trao đổi với ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố, ông cho biết: Ngoài việc chăm lo cho các em về vật chất tinh thần thì rất cần được hỗ trợ về mặt pháp lý. Hỗ trợ chăm sóc thay thế bằng cách cho người thân của gia đình nhận chăm sóc các em hoặc người dân ở trong cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ tài sản thừa kế cho các em, ông Nghinh chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất thông cảm và thấu hiểu nỗi đau của các em, chỉ trong một thời gian rất ngắn mà mất cha, mất mẹ, rơi vào cảnh mồ côi. Nhưng các em phải tin rằng các em không bao giờ bị bỏ rơi lại phía sau mà luôn luôn có sự đồng hành của TP, các cơ quan ban ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân , những người có cái tâm, tất cả vì trẻ em họ sẽ có những hoạt động, chương trình hỗ trợ các em tốt nhất theo nhu cầu thực tế của các em. Bản thân các em phải cố gắng vượt qua nỗi đau này và các tổ chức doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành cùng các em trong suốt hành trình sắp tới”.

Bên cạnh các nguồn lực về tài chính như trên, vấn đề lớn nhất vẫn là hỗ trợ về tâm lý cho những trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, chấn thương tâm lý mà trẻ nhỏ đang phải gánh chịu từ tác động của đại dịch Covid-19 nếu không được quan tâm kịp thời, có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho chính bản thân trẻ và xã hội. Tiến sĩ xã hội học - Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia khuyên thầy cô, bạn bè có thể gọi điện để quan tâm, trò chuyện thường xuyên với các em. Khi ấy các em sẽ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, hóa giải được sang chấn tâm lý, những tổn thương sau khi mất đi cha mẹ: “Trước sự mất mát gần nhất là bố và mẹ thì khủng hoảng của các con rất lớn. Đây có thể ói là một sang chấn tâm lý mà người lớn chúng ta cũng khó vượt qua được. Nhưng quả thật đây là một sự khủng hoảng lớn mà chúng ta cần hết sức quan tâm tâm lý của các con. Khi mất đi người thân các con cảm thấy rất đau buồn. Và đặc biệt là lo lắng về tương lai. Con không còn bố còn sẽ thế nào, con không còn mẹ con thế nào? Những cảm xúc đau buồn này cần được chia sẻ, cần được nói ra và cần được an ủi. Nếu các con phải nén lại, phải giấu cảm xúc hay không có ai để lắng nghe cảm xúc của các con thì sẽ rất là nguy hiểm trong tương lai”.

Với sự chung tay đó, giúp các em phần nào vơi bớt những khó khăn trước mắt để bước tiếp con đường đến tương lai, như chia sẻ sau đây của những em đã mất mẹ và mất cả cha lẫn mẹ:

Trong khó khăn mà con vẫn được mọi người quan tâm và giúp đỡ, con rất cảm động. Con hứa sẽ cố gắng chăm ngoan học tập để trở thành người công dân có ích cho xã hội và sau này giúp đỡ lại cho những hoàn cảnh khó khăn như con hiện tại.

- Nhận được học bổng con rất là vui, con sẽ cố gắng học tập tốt để có cơ hội học hết phổ thông để cho nhà con bớt khổ.

- Hôm nay con nhận được học bổng con rất vui. Ở nhà con rửa chén, quét nhà, phơi đồ. Con ở với ông bà, với ba, con rất thương bà với ba, con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng ông bà”.

Sau những tháng ngày tàn khốc khi đại dịch quét qua, có người may mắn sống sót, có người phải gồng mình với bao vất vả khó khăn. Và có cả những người đã mãi mãi không quay về, bỏ lại đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác, đau thương. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua nhưng nỗi đau mất người thân sẽ còn đeo đẳng mãi trong suốt cuộc đời của trẻ mồ côi. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có chính sách phù hợp, lâu dài, kết nối các quỹ thiện nguyện đủ mạnh để đỡ đầu cho các em.

Phương Dung

Bình luận

Đọc Báo