Bài 2: Chủ động ứng phó sẽ giảm thiểu thiệt hại - Thời sự 5g30 25/3/2020

(VOH) - Việc chủ động ứng phó, thích ứng sống chung với hạn mặn đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn.

So với năm hạn mặn lịch sử 2016, tình trạng xâm nhập mặn năm nay được  đánh giá là gay gắt hơn, với phạm vi sâu rộng hơn. Tuy nhiên, những thiệt hại, ảnh hưởng lại giảm đáng kể. Điều này có được nhờ công tác chủ động, cảnh báo sớm của các ban, ngành cũng như từng địa phương.

 

Gần 2 tháng nay, ngày 2 buổi sáng chiều anh Trần Quốc Nhi, Phường 4, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lại ra trước nhà nghe ngóng loa phát thanh xã thông báo tình hình nồng độ mặn tại nhánh sông trên địa bàn. Anh cũng như nhiều người dân ở phía Bắc, Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang không thể ngờ rằng sẽ có ngày nước mặn vượt cả con lộ lớn, xâm nhập sâu vào nội đồng hơn trăm km để vào tận vùng chuyên xả lũ nơi đây. Ngay cả năm hạn hán xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, nước mặn xâm nhập sâu khoảng 70km, khu vực này cũng không hề hấn. Vậy mà, năm nay, giai đoạn cao điểm nồng độ mặn đo được tại địa bàn lên đến gần 2 gam/lít (gần 2%o). Anh Quốc Nhi phải tranh thủ nạo vét mương vườn, canh từng con nước để trữ cho những ngày sắp tới. Nhờ được cảnh báo sớm, thông tin kịp thời, anh tạm yên tâm với 4 công vườn trồng mít xen nhãn của gia đình. Tuy nhiên, anh Quốc Nhi vẫn ái ngại cho nhiều bà con trong vùng: "Ngày nào trên đài cũng có thông báo liên tục, cả độ mặn và tình hình mặn để bà con trữ nước ngọt tưới cây. Nếu cây sầu riêng thì khó lắm. Nó nhạy cảm với nước mặn. Nước mặn sẽ làm cây rụng lá, 1 tháng, 2 tháng sau là cây bị chết. Cũng có một số hộ ỷ y, không đo. Nước lớn bà con thấy ham quá lấy tưới thì bị vàng lá rồi rụng"

Được mệnh danh là vườn cây ăn trái của cả nước nên việc phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ được diện tích cây trồng luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền các cấp của tỉnh Tiền Giang. Theo ông Cao Thiều Tân, Cán bộ nông nghiệp phường 3, Thị xã Cai Lậy, sầu riêng chỉ chịu được độ mặn dưới 0.5 gam/lít (0.5%o), còn những loại cây trồng khác mức 1 gam/lít vẫn có thể tạm chấp nhập được. Vì vậy, việc theo dõi con nước, độ mặn để ngăn nước hoặc lấy nước trữ kịp thời, bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái là không thể lơ là: "Thông báo kịp thời ví dụ lúc nào cần mở cống, lúc nào cần đóng cống. Thời gian mặn, thường là lúc nước lớn, đạt đỉnh sẽ có độ mặn cao. Còn khi nước ròng, nước kém vừa lớn lên, độ mặn sẽ thấp. Khi nào có độ măn thấp, sẽ thông báo cho lấy nước, rồi đóng đập lại. Người dân tạm thời trữ nước trong mương vườn và theo dõi độ mặn hàng ngày. Khi nào cần lấy là lấy liền. Nạo vét kênh mương, giữ nước trong mương vườn. Một số xã khác như Ngũ Hiệp thì phải khoan giếng để hỗ trợ".     

Sầu riêng hiện là giống cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Cai Lậy với hơn 9.000 hecta. Giá trị kinh tế mang lại cho hộ dân có khi lên đến hàng tỷ đồng. Hiện, 80% diện tích sầu riêng trên địa bàn đã được người dân đầu tư công nghệ tưới phun, tưới tiết kiệm. Vì vậy, việc giữ gìn nguồn nước, bảo vệ vườn cây vừa có những điều thuận lợi nhưng lại vừa không ít thách thức. Kỹ thuật trồng, biện pháp rãi vụ, trái vụ, bà con thuộc nằm lòng, nhưng thiên tai, hạn mặn thì phải tìm cách thích nghi, phòng tránh. Anh Lê Văn Vũ, có 7 công sầu riêng tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: "Tưới phun, tiết kiệm, hổm rày bình quân chỉ tưới 3 lần/tuần. Mình tưới giữ ẩm thôi. Trên đất giữ cỏ lại hết, không mần cỏ, để giữ ẩm cho đất. Mình phải giữ làm sao để hạn chế cái mặn ảnh hưởng đến cây. Tại vì 0.2 g/l là đã có mặn rồi. Bình thường nước không có mặn. Đây là lần đầu tiên Cẩm Sơn có mặn" 

Ông Lê Thanh Truyện, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết nếu đợt hạn mặn năm 2016 bắt đầu xâm nhập từ tháng 3 thì đợt hạn mặn năm nay sớm hơn đến 2 tháng, xuất hiện ngay từ tháng 1. Mức độ xâm nhập cũng khốc liệt hơn khi phạm vi ảnh hưởng lên đến 100-110 km. Nồng độ mặn cũng cao hơn gần gấp đôi. Nếu độ mặn cao nhất năm 2016 tại địa phương là 2.1%o thì hiện nay, độ mặn nhiều điểm đo đã ở mức trên 4%o. Bên cạnh hệ thống ô bao khép kín, địa phương tiến hành đo độ mặn 24/24 để kịp thời ứng phó với tình hình nguồn nước. Về lâu dài, khi nguồn nước ngọt khan hiếm hơn trong mùa khô, huyện tính toán đến việc đấp đập, bơm chuyền nước, thuê xà lan chở nước. Ông Lê Thanh Truyện cho biết: "Khẳng định là đến thời điểm bây giờ mình chưa thấy ảnh hưởng nhiều đến vấn đề chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn. Mùa vụ này nếu gay gắt hơn, trong điều kiện không đủ nước tưới, độ mặn cao và diễn biến kéo dài. Trong thời gian dài mà người dân không tích nước được cũng có khả năng người dân có thể sẽ quyết định bỏ bông bỏ trái chẳng hạn để chăm sóc cây nhẹ nhàng hơn. Nhưng tới thời điểm bây giờ mình chưa có quyết định đó." 

Tính đến thời điểm này, có khoảng 39.000 hecta lúa mùa 2019 và lúa Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại bởi hạn mặn. Theo tính toán của Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam, dự báo cả mùa khô năm nay, diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, thiếu nước sẽ gần 130.000 hecta. Riêng diện tích cây ăn trái bị thiếu nước tưới dự kiến có khoảng 78.000 hecta. Điều đáng khích lệ là mặc dù tình trạng hạn mặn diễn ra sớm hơn và gay gắt hơn năm 2016 nhưng những ảnh hưởng bất lợi lại giảm đáng kể. Nếu so với hơn 400.000 hecta diện tích lúa bị thiếu nước tưới vào năm 2016, mức ảnh hưởng tính đến thời điểm hiện tại chưa bằng 1/10 năm 2016. Dự kiến cả mùa khô năm nay số diện tích bị thiệt hại bằng 1/3 so với 2016. Số hộ dân thiếu nước sinh hoạt tính đến thời điểm này là hơn 95.000 hộ, cũng thấp hơn nhiều so với mùa khô năm  hạn mặn kỷ lục 2016. Góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu thiệt hại này phải kế đến công tác dự báo sớm, chủ động và có những giải pháp ứng kịp thời từ các cấp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trường Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, cho rằng: "Chúng ta cần xác định công tác dự báo, cảnh báo là hết sức quan trọng. Qua đó, sẽ giảm thiểu rất nhiều thiệt hại của đồng bằng sông Cửu Long do hạn mặn gây ra. Thứ hai, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi ở đồng bằng sông cửu Long, phát huy hết hiệu quả, đặc biệt các công trình kiểm soát nguồn nước, kiểm soát mặn ở đồng bằng để đảm bảo chủ động nguồn nước, cả nước ngọt lẫn nước mặn, cho cây ăn trái hay cây lúa hay nuôi trồng thuỷ sản"

Hạn mặn nói riêng và những biến đổi thất thường của khí hậu nói chung đã và đang diễn tiến theo những chiều hướng khác biệt, cũng như, không có dấu hiệu giảm nhẹ. Có khác chăng là việc chủ động ứng phó, thích ứng sống chung với hạn mặn đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn. Giữ gìn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đấu tranh hay thích ứng với xâm nhập mặn vẫn đang được từng nơi, từng vùng và từng nhà cân nhắc.

Tuyết Nhung

VOH

Bình luận

Đọc Báo