Bài 1: Tránh rơi vào “bẫy” xuất khẩu lao động - Thời sự 11g00 04/08/2020

(VOH) - Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm nước ta đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm.

Cả nước có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Thời gian qua tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động theo kênh chính thức tăng nhưng tỷ lệ lao động đi “chui” cũng tăng theo đáng kể.

Qua phản ánh của thính giả, nhóm Phóng viên VOH đã tìm hiểu và ghi nhận chi tiết vấn đề này qua loạt bài: “Cảnh giác trước “chiêu lừa” đi lao động nước ngoài”. Bài 1 có nhan đề “Ngậm “trái đắng” với các công ty di trú”.

Bài 1: “Ngậm “trái đắng” với các công ty di trú”

Nhiều quốc gia phát triển đang thiếu lao động trong các lĩnh vực nhất định và có nhu cầu cho phép nhập cư những người có kỹ năng trong các ngành nghề mà họ thiếu. Bên cạnh việc cấp visa tạm thời theo hình thức xuất khẩu lao động, còn có diện lao động trong các ngành nghề kỹ thuật cao rồi định cư dài hạn sau đó. Tuy nhiên, không ít người phải “ngậm trái đắng” vì trót tin vào các công ty di trú để rồi “tiền mất tật mang”.

Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH), anh Vũ Tiến Cảnh (ngụ tỉnh Bình Phước) không giấu nổi bức xúc khi bị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Universal Network Connection (viết tắt là UNC, địa chỉ 76A Lê Lai, Phường Bến Thành, Quận 1) "chơi chiêu" để lấy tiền cọc môi giới lao động nước ngoài.

Theo đó, ngày 4/7/2019, anh Vũ Tiến Cảnh ký hợp đồng dịch vụ tư vấn chương trình thí điểm định cư Đại Tây Dương. Sau đó, anh đã nộp 466 triệu đồng cho một công việc "hứa hẹn" tại Canada. Sau khi hoàn thiện mọi yêu cầu hồ sơ, 3 tháng sau, anh được công ty thông báo tìm được công việc "thợ sơn công nghiệp".

Do thấy công việc không phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm... anh liền từ chối và đề nghị UNC tìm việc khác phù hợp hơn.

Anh Cảnh cho biết: "Khoảng 4 tháng họ gửi thông báo việc cho mình mà gửi cũng mơ hồ lắm, chỉ đơn giản là thợ sơn mà không nói công ty nào. Mình thì làm về công nghệ thông tin -kinh nghiệm 10 năm".

Tuy nhiên, sau đó UNC liền giữ lại 30% tiền anh đã đóng bằng thông báo "anh sẽ không nhận đủ 100% tiền vì từ chối cơ hội làm việc mà UNC đã cung cấp". Không đồng ý cách làm này, anh Vũ Tiến Cảnh liền đề nghị thanh lý hợp đồng thế nhưng công ty từ chối yêu cầu của anh.

Sau nhiều lần giải quyết không thành, anh Cảnh liền đưa đơn tố cáo công ty UNC lên Công an và Toà án nhân dân quận 1.

Theo anh Cảnh: “Ngày toà hẹn hai bên gặp mặt để hoà giải thì phía công ty UNC không đến khiến cho mọi việc càng thêm khó khăn. Mình biết hiện có khoảng 20 khách hàng rơi vào trường hợp như mình”.

Công ty UNC thành lập năm 2009 chuyên về di trú, định cư, có tới 6 chi nhánh tại các nước, riêng chi nhánh UNC tại Việt Nam do một người Hàn Quốc tên Woo Kyung Soo là CEO. Qua trang web quảng cáo thì UNC khẳng định thương hiệu, đẳng cấp trong ngành dịch vụ định cư, di trú.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cung cấp, Công ty UNC chỉ được cấp phép hoạt động kinh doanh: Tư vấn du học và tư vấn đầu tư (trừ tư vấn tài chính, kế toán). Vậy liệu việc công ty giới thiệu việc làm để kiếm suất định cư cho khách hàng có sai luật?

Do nhiều “nạn nhân” của UNC gửi đơn tố cáo lên Công an Quận 1 nên chúng tôi có công văn liên hệ để làm rõ hơn vấn đề. Công an quận 1 cho biết đã nắm rõ vụ việc nhưng do quy chế phát ngôn cũng như có yếu tố người nước ngoài làm CEO nên đã chuyển lên Công an Thành phố.

Tiếp tục liên hệ Công an Thành phố chúng tôi nhận được hồi đáp là do đang trong quá trình điều tra nên tạm thời chưa có chỉ đạo phát ngôn chính thức.

Theo tìm hiểu, không chỉ UNC mà không ít các cá nhân, công ty “tự xưng” là lo việc di trú, định cư cũng có những “chiêu trò” tương tự. Công việc "ngàn đô" chưa thấy đâu nhưng trước mắt các nạn nhân là tình trạng “tiền mất tật mang”.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Cảnh là anh Hoàng Bảo Hà (ngụ Quận Tân Bình). Qua tiếp túc trong các hội thảo xuất khẩu lao động, anh Bảo Hà quen biết với Công ty Cổ phần và Xúc tiến thương mại QLT Việt Nam - Chuyên môi giới để lo việc xin được visa kỹ năng đặc định cho lao động tại Nhật Bản.

Bỏ ra gần 2.000 đô la Mỹ cho một công việc "hứa hẹn" tại Nhật nhưng anh Bảo Hà phải ngậm ngùi chứng kiến việc làm chưa thấy đâu mà tiền đã không cánh mà bay.

Anh Hoàng Bảo Hà nhớ lại những hứa hẹn của Công ty: “Khi lên phỏng vấn thì 100% các bạn sẽ đỗ và sau khi nộp tiền rồi thì sau 1 năm không đi được, muốn lấy lại tiền thì công ty không muốn trả lại”.

Có thể nói, anh Vũ Tiến Cảnh và anh Hoàng Bảo Hà chỉ là hai trong số rất nhiều “nạn nhân” của việc lừa đảo bằng hình thức lao động rồi kiếm suất định cư. Bằng sự nhẹ dạ, cả tin cộng thêm việc chưa tìm hiểu kỹ thông tin của các nước sở tại nên việc các công ty như UNC hay QLT Việt Nam có thể “trục lợi” là điều không khó hiểu.

Luật gia Vương Văn Thuận phân tích thêm về những điểm cần lưu ý trong trường hợp này: “Cái này cái mấu chốt là phải xem kỹ những điều khoản trong hợp đồng, tiến độ ra sao? Khi nào thì kết thúc hợp đồng, lấy lại tiền cọc như thế nào?”

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, đoàn Luật sư TPHCM: Doanh nghiệp hành nghề dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài phải được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động.

Theo đó, doanh nghiệp và người lao động phải làm hợp đồng và phải được lập theo mẫu quy định tại Thông tư số 22 ngày 15/10/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Xét về hành vi, các công ty trên đã có dấu hiệu thực hiện các thủ đoạn gian dối, đưa ra cam kết, hứa hẹn làm cho khách hàng của mình tin tưởng để giao kết hợp đồng và giao tiền.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói: “Trong trường hợp này, người lao động có thể khởi kiện công ty đó để đòi lại quyền lợi. Còn nếu xét thấy có dính dáng đến hình sự thì có thể chuyển cho cơ quan công an”.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 5 năm gần đây, mỗi năm có hơn 130.000 người đi lao động nước ngoài, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động...

Ngày 10/06 vừa qua, Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Điều đó khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên vẫn còn đó những công ty chuyên lợi dụng sự cả tin, nhẹ dạ của khách hàng để vẽ nên viễn cảnh lao động nơi trời Tây rồi khiến họ “ngậm trái đắng”.

Bà Trần Thị Vân Hà – Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: “Nếu những đơn vị đưa ra thông tin này mà không có chức năng, danh sách ở trên các trang chính thống của Bộ đang triển khai thì người lao động có thể chuyển thông tin đến cơ quan Công an. Riêng TPHCM và các tỉnh phía nam có thể phản ánh tới thanh tra của Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan Công an nơi người lao động cư trú hoặc nơi đơn vị đó có trụ sở tại đó”.

Lao động tại nước ngoài và tìm kiếm suất định cư dài hạn trong các ngành nghề kỹ thuật cao là nhu cầu có thật và chính đáng. Tuy nhiên hơn ai hết, chính các khách hàng cũng nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin cần thiết, tránh bị rơi vào bẫy của những công ty môi giới di trú.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo