Bài 1: Thắt chặt tình quân dân biển đảo - đất liền - Thời sự 5g30 12/10/2019

(VOH) - Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn dõi mắt hướng về biển đảo Tổ quốc, dõi theo những người con, những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ hải đảo xa xôi.

Vùng biển đảo Tây Nam được Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Hải quân Vùng 5 quản lý với chiều dài khoảng 450 km tiếp giáp với các nước Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Malaysia, gồm 5 quần đảo lớn và hơn 130 đảo lớn nhỏ thuận lợi cho ngư dân sinh sống.

Thời sự 5g30, nghe thời sự VOH

Ảnh minh họa: TTXVN

Do yếu tố lịch sử nên hiện nay Vùng biển Tây Nam vẫn còn tồn tại vùng nước lịch sử và các vùng chồng lấn, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ vùng trời vùng biển của đất nước hơn bao giờ hết phải được đặt lên hàng đầu. Có câu hát “một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...” chính vì vậy mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCMh luôn dõi mắt hướng về biển đảo Tổ quốc, dõi theo những người con, những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ hải đảo xa xôi.

Đến hẹn lại lên, mùa thu tháng 9/2019, đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh do ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn cùng 79 đại biểu thay mặt nhân dân thành phố thăm tặng quà cho người dân, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Hành trang của chuyến đi là những món quà rất đỗi bình dị với người đất liền, nhưng với các chiến sĩ nơi hải đảo tiền tiêu là nhu cầu cần thiết và quan trọng là những tình cảm của người thành phố hậu phương gửi gắm trong chuyến đi này.

Hành trình hai ngày đêm lênh đênh trên biển, điểm thả neo đầu tiên của đoàn trên vùng biển Hòn Khoai, huyện Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, một hòn đảo xa đất liền không có cư dân sinh sống, chỉ có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ canh giữ vì vậy cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn. Để được lên tới nơi “đóng quân” trên đỉnh các thành viên trong đoàn được trải nghiệm chuyến lội bộ băng rừng núi gần 5 cây số, vẫn còn say sóng biển nhưng ai cũng vui vì hiểu được công việc, đời sống sinh hoạt mà những người chiến sĩ ngày đêm đang làm. Cũng từng là người lính, đại biểu Dương Văn Xướng hiểu rõ những nỗi cơ cực của nhiệm vụ một người lính, nhưng khi trải nghiệm thực tế thì thấy mình vẫn còn sướng hơn nhiều so với một người lính đảo, Đại biểu Dương Văn Xướng xúc động, cho biết: “Vượt chặng dài đèo dốc để lên đến đỉnh đặt trạm ra đa, ngồi nói chuyện với mấy anh em mình mới thấy được nỗi cực nhọc trong cuộc sống của các chiến sĩ biển đảo. Nhưng với sự tiếp đón niềm nở cây nhà lá vườn, qua bữa cơm đạm bạc thể hiện tình quân dân, mình rất xúc động. Khi đi xuống đồn biên phòng thì anh em đãi một củ khoai mì rất ngon, rất ư là tình cảm thấm đẫm tình quân dân”.

Cống hiến tuổi thanh xuân vì tuyến đầu Tổ quốc, những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh không ngại gian khổ, chuyến thăm của người hậu phương hôm nay không có gì nhiều chỉ một vườn rau nhỏ, vài con gia cầm, bồn chứa nước, một dàn karaoke…nhưng cũng đủ ấm lòng các chiến sĩ nơi hải đảo tiền tiêu, Đại úy Trần Thanh Sơn, Trạm Ra đa 595 đảo Hòn Khoai cho biết về cuộc sống nơi đây:  “Cá thì mình mua từ tàu của ngư dân cập về đảo, còn không thì phải mua từ đất liền, ngoài đảo thì mình cũng chỉ tăng gia được rau với gia cầm thôi, nước thì cũng không phải là nước sạch vì đảo này không phải là đảo nước ngọt, cây cối trên này tạp chất nhiều lắm rửa là ngứa, nhưng anh em cũng quen rồi chứ người lạ là ngứa ngay”.

Vừa làm nhiệm vụ, vừa phải đánh vật với cuộc sống hàng ngày càng làm cho các chiến sĩ thêm rắn rỏi, những món quà của đoàn thành phố trao tặng tuy giá trị không lớn nhưng rất cần thiết ở nơi này. Đặc biệt là những lời động viên an ủi, khiến cho các chiến sĩ thấy ấm lòng, vững tin hơn vào nhiệm vụ của mình, Chính trị viên, Đại úy Nguyễn Minh Mạng, Trạm Ra đa 959, bày tỏ: “Những món quà của các đại biểu TPHCM góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần chiến sĩ trạm, qua đó thì chiến sĩ trạm thêm an tâm gắn bó và xây dựng đơn vị, góp phần cùng với chỉ huy các cấp giữ vững chủ quyền của biển đảo Tổ quốc.”

Trong hành trình đi qua, nơi nào cũng để lại nhiều cảm xúc trong từng đại biểu, bởi sự chất phát mộc mạc, chịu thương chịu khó của người dân, can trường của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, quân với dân như người một nhà, đó chính là tình thương là động lực tạo nên sức mạnh để gìn giữ biển đảo quê hương. Theo chồng đến đảo Thổ Châu từ những ngày yêu nhau, chị Nguyễn Thị Hai, người gốc Quảng Bình cho biết “thuyền theo lái, gái theo chồng, biết ra đây là gian khổ, nhưng chấp nhận sẵn sàng hy sinh vì tình yêu của mình”, hỏi ra mới biết chồng chị là cán bộ thuộc Trung đoàn 152, đang làm nhiệm vụ nơi đây, chính tình yêu đã tạo nên sức mạnh và giờ đây chị quyết tâm ở lại đây cùng xây dựng, giữ gìn biển đảo, chị Nguyễn Thị Hai, ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu, Phú Quốc chia sẻ: “Kiểu như theo tiếng gọi của tổ quốc chồng đi vào đây bảo vệ vùng trời biển đảo thì mình về theo để xây dựng cuộc sống để ảnh yên tâm công tác. Cũng xác định tư tưởng là ở đây tới về hưu là về thăm quê, vì mỗi lần ra đây la một lần di chuyển khó khăn với đảo xa vất vả lắm. chính vì vậy ở nhà mà cha mẹ có chuyện gì cũng khó mà về, khổ là vậy đó”.

Thiếu nước ngọt, cách trở đường đi và những vấn đề dân sinh khác mà cư dân trên vùng biển đảo Tây Nam đang gặp phải, nhưng gian khó không làm chùng lòng của những người giữ đảo, bởi sau lưng họ còn có chỗ dựa của gia đình, còn có những người con đang canh giữ biển đảo cho quê hương, quân dân như người một nhà, ngư dân đảo Thổ Châu, cho hay: ”Quân với dân thì rất hòa đồng, trước đây tới giờ quân với dân thương nhau giữ lắm, đùm bộc lẫn nhau, sống chung ăn chung ngủ chung luôn”./ Ở trên đảo này thì bộ đội với ngư dân tốt lắm, có chuyện gì cũng hỗ trợ giúp đỡ cho dân, thương dân nhiều, sống cũng quan tâm đến người dân lắm”.

Không chỉ bám biển, giữ đất mà những người dân chiến sĩ trên các đảo còn phải chống chọi với những cơn giận giữ của bà mẹ thiên nhiên, chính vì tình yêu, tinh thần đoàn kết quân dân đã giúp vượt qua tất cả mọi trở ngại. Ngoài nhiệm vụ thường ngày của một chiến sĩ, thì thời gian rỗi là giúp dân làm những công việc thường nhật như sửa nhà, kéo thuyền lên bãi tránh bão, đan lưới…Trung sĩ Hồ Hiếu, Đại đội 1 thuộc Trung đoàn 152 đóng đảo Thổ Chu, cho biết: “Bộ đội cũng ra sức giúp dân sửa nhà cửa sau khi bão đi qua, dân thì có thuyền bè mà chìm thì sau bão bộ đội chúng em cơ động ra đưa thuyền bè lên bờ”.

Trên từng hòn đảo, trên từng tấc biển của Tổ quốc thiêng liêng, có những dải cát trắng, những triền đồi phủ xanh dọc vùng biển Tây Nam hôm nay trong quá khứ đã từng thấm đẫm những giọt nước mắt, máu và cả sinh mạng của những con người giữ vùng biển đảo. Hôm tàu buông neo trên vùng biển nhà giàn DK1/10, các thành viên đều mong muốn được lên để tận tay trao những món quà mang theo từ đất liền, để tận mắt nhìn thấy cách ăn ở làm nhiệm vụ của các chiến sĩ, để được có cái bắt tay thật chặt, một cái ôm thắm thiết…nhưng, thời tiết không cho phép. Qua khung khính của ca bin tàu, từng ánh mắt hồ hộp dõi về phía nhà giàn DK1/10 cách đó chừng một hải lý, tiếng bộ đàm rít lên cũng là lúc không khí vỡ òa trộn lẫn nhiều cảm xúc khó tả, những nụ cười sung sướng, những ánh mắt ngấn lệ trực trào, những giọng ca không thành tiếng của ca sĩ, nghệ sĩ trong đoàn: “Tiếng bộ đàm….đồng chí Trần Lưu Quang lên tiếng: thay mặt đoàn công tác tui xin tự giới thiệu, tôi là Trần Lưu Quang, Ủy viên trung ương đảng, phó bí thư thường trực thành ủy thành phố HCM, cùng với 78 đồng chí trong đoàn công tác, anh em chúng tôi sáng nay háo hức được lên nhà giàn lắm nhưng điều kiện thời tiết không cho phép, cho nên tất cả mọi người đều có mặt trên đài chỉ huy của tàu KN290 để giao lưu cùng các đồng chí…..qua bộ đàm: chiến sĩ nhà giàn DK 1/10 vinh dự được đón đồng chí Trần Lưu Quang cùng thủ trưởng cùng toàn thể các đồng chí trong đoàn công tác ra thăm và động viên đơn vị…bây giờ mời các đầu chí yêu cầu bài hát……ca sỹ Phương Thanh: alo…yess thấy là mừng…bài trống vắng hay giã từ dĩ vãng….”

Và cứ thế những bài hát, những câu chuyện thường ngày được sẻ chia qua bộ đàm, dù không thấy mặt nhau nhưng cứ như đang ngồi bên cạnh, nếu thời gian cho phép có thể một ngày cũng chưa hết câu chuyện… những lời hỏi thăm sức khỏe, từng lời dặn dò, động viên an ủi rời rạc vì xúc động, trên ca bin tàu đã có người ngấn lệ vì thương, bên kia nhà giàn DK1/10 chắc các chiến sĩ cũng vậy… cuộc giao lưu nào rồi cũng sẽ kết thúc, ba mươi sáu phút ngắn ngủi trôi qua, sự tiếc nuối vẫn còn trên gương mặt của từng thành viên trong đoàn vì không được gặp các chiến sĩ, tiếng còi tàu vang lên thay cho lời chào tạm biệt, hẹn một ngày biển lặng đoàn sẽ đến thăm.

 

Trung Nam

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo