Bài 1: Mặn cao không ngại bằng mặn kéo dài - Thời sự 5g30 24/3/2020

(VOH) - Vốn là cư dân vùng sông nước mênh mông, vậy mà thời điểm này, người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phải từng ngày, từng giờ xoay xở với tình trạng thiếu ngọt trên diện rộng.

Cả từ nguồn nước phục vụ sản xuất, đến nguồn nước phục vụ dân sinh, phục vụ nước sinh hoạt hàng ngày. Xung quanh vấn đề này phóng viên Tuyết Nhung có loạt bài: Hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long. Bài 1: Mặn cao không ngại bằng mặn kéo dài.

Hạn hán, thời sự 5g30, nghe thời sự VOH

Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Ảnh: Baodansinh

Tính đến thời điểm hiện tại, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 3 tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp là không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Riêng với Bến Tre, xâm nhập mặn đã bao phủ toàn bộ phạm vi tỉnh. Trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh.

Mặc dù, mấy ngày trước, độ mặn các sông giảm xuống một ít nhờ nước từ thượng nguồn đổ về, nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan khi độ mặn vẫn còn ở mức khá cao. Anh Lê Hữu Thiện, ấp Phú Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết từ sau tết đến nay đã mua 2 xà lan nước để tưới cho 2 công sầu riêng đang cho trái và hàng chục ngàn cây giống trong vườn. Mặc dù, mấy ngày trước, nước mặn từ 8%o giảm còn 4%o nhưng với tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo còn kéo dài sang tháng 4, anh đành phải bỏ thêm tiền để mua nước ngọt tưới cho cây, cũng như sử dụng cho sinh hoạt: "Trong giai đoạn đang mang trái, cây cần nước nhiều, phải tưới kỹ, tưới trong gốc không để ra ngoài nhằm tiết kiệm nước. Cây giống lại càng cần nước nhiều so với cây ăn trái vì nằm trên bịch. Nước sinh hoạt cũng không có, nước mặn đến 7-8%o luôn mà, gia đình phải bơm và sử dụng ké nước tưới. Hết thì bơm xà lan nữa. Giờ chỉ mong chờ nước ngọt và mưa, cho vườn cây giống và cây kiểng"   

Ông Nguyễn Văn Quang, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cho biết, hơn tháng nay 1 hecta dừa xiêm trồng xen bưởi da xanh của ông cách 7-8 ngày mới được tưới nước một lần với một lượng nước khá hạn chế. Tuy nhiên, nhờ chủ động thu hoạch bưởi từ trước tết nên cây không bị ảnh hưởng nhiều. Với dừa xiêm, khả năng chịu mặn khá tốt nên ông cũng không quá lo lắng: "Hồi đầu tôi trồng chanh với bưởi nhưng giờ tôi bỏ chanh, trồng bưởi. Tôi thấy bưởi chịu mặn khá hơn chanh. Nếu mặn xâm nhập nhiều cũng ảnh hưởng phần nào đến cây trồng. Nông dân Bến Tre cũng rút kinh nghiệm từ 2016, họ cũng đã chủ động nước tưới để phòng chống hạn mặn, giảm thiệt hại cây trồng"   

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, khu vực làm cây giống và hoa kiểng chủ yếu của vùng, vốn nước ngọt quanh năm, nhưng năm nay, từ sau tết, mặn đã xâm nhập toàn bộ 10 xã, thị trấn trong huyện. Độ mặn hiện nay có nơi đã lên đến 10%o. Tuy nhiên, nồng độ mặn cao bà con không lo ngại bằng tình trạng mặn kéo dài, cả vào thời điểm nước kiệt. Thông thường, nước mặn sẽ theo thuỷ triều xâm nhập nội đồng vào những thời điểm con nước lớn. Khi nước xuống, nước mặn rút ra biển, nước trên sông sẽ ngọt trở lại. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn năm nay lại kéo dài bất kể con nước lớn hay ròng. Người dân dù có tính đến các phương án trữ nước, nhưng do chưa có kinh nghiệm ứng phó với tình trạng này nên hiện tại các vườn cây trái trên địa bàn vẫn rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, trên địa bàn huyện có khoảng 9.000 ha cây ăn trái, hoa kiểng các loại. Đến nay, 30% diện tích cây trồng trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn mặn: như héo rũ do thiếu nước, cháy lá, rụng lá. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyên Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết để giảm thiểu những ảnh hưởng của hạn mặn, cần thêm nhiều giải pháp: "Nhà nước hỗ trợ nhiều lắm. Hệ thống đê bao thuỷ lợi của huyện đáp ứng việc ngăn lũ, ngăn mặn nhưng còn hạn chế là chưa nạo vét kênh nội đồng, chưa có chỗ chứa nước, chưa làm trục dẫn ngọt. Huyện cũng có dự kiến và đề xuất tỉnh đầu tư: những đập nào nên hàn, trục dẫn ngọt nào nên nạo vét sâu để trữ nước, đảm bảo sản xuất. Nhu cầu nước sản xuất lớn lắm"

Rõ ràng, cùng tình cảnh hạn mặn nhưng cách ứng phó, thích nghi chủ động đã và sẽ giúp người nông dân giảm thiểu chi phí canh tác đồng thời hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại cho cây trồng. Đặc biệt, sắp tới đây, theo dự báo, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn vẫn còn diễn ra gay gắt do nắng nhiều, triều cường kết hợp với gió chướng, nước biển vào các cửa sông bốc hơi nhanh. Dòng chảy từ thượng nguồn không có nên tình hình xâm nhập mặn tăng cao có thể kéo dài đến giữa tháng 4. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Chuyên gia dự báo thời tiết cho hay: "Từ đây đến cuối tháng 3, ranh mặn 1%o sẽ xâm nhập sâu  khoảng 100 đến 130 km trên sông Vàm Cỏ. Các con sông khác hầu hết cũng từ 70-80 km. Ranh mặn nguy hiểm 4%o vẫn tiếp tục xâm nhập sâu. Cho nên, nước mặn và tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới đây"

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu - Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, việc thay đổi dòng chảy, quy trình vận hành ở thượng nguồn tạo nên sự thay đổi nguồn nước ở hạ lưu. Cùng với biến đổi khí hậu, những điều này đã góp phần tạo nên mùa khô hạn khắc nghiệt như hiện nay. Vì vậy, đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp ứng phó hiệu quả hơn là đối phó, chống chọi: “Có những giải pháp về mặt công trình nhưng cũng có những giải pháp về mặt phi công trình để tránh. Chúng ta không nhất thiết phải chống chọi với nó. Ví dụ câu chuyện đưa dự báo cảnh báo sớm để tránh. Những vùng không sản xuất để tránh hạn mặn như vậy cũng làm giảm những thiệt hại về mặt kinh tế đống thời chủ động hơn trước phát triển. Và một yếu tố rất quan trọng chính là phát triển tại chổ, tức là phải tận dụng, nhìn nhận lợi thế như tinh thần nghị quyết 120, tức là sống thuận thiên"   

Vốn là vùng sông nước mênh mông bao đời nay vậy mà thời điểm này, người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phải xoay xở với tình trạng thiếu ngọt trên diện rộng. Từ cả nguồn nước phục vụ sản xuất, đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Tuyết Nhung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo