Nguyên nhân và biến chứng của bệnh viêm Amidan và viêm VA

(VOH) - Cách phân biệt bệnh viêm Amidan và viêm VA. Vì sao bạn lại hay bị viêm amidan? Và khi nào nên cắt amidan? (09/8/2015)

Thầy thuốc của bạn - (Viêm amidan và viêm VA) - 09/8/2015

(VOH) - Cách phân biệt bệnh viêm Amidan và viêm VA. Vì sao bạn lại hay bị viêm amidan? Và khi nào nên cắt amidan?

Phân biệt viêm Amidan và viêm VA:
Amidan và VA là hai liên khu trực thuộc vùng bạch huyết, do vị trí giải phẫu khác nhau nên triệu chứng cũng sẽ khác nhau.

Viêm Amidan: thực chất là Amidan khẩu cái, hai bên họng, có thể tự nhìn thấy bằng cách há miệng và nhìn trong gương, thường biểu hiện những triệu chứng ở vùng họng, có 2 giai đoạn là viêm amidan cấp và viêm amidan mãn. Viêm amidan cấp có những triệu chứng như nuốt đau, sốt, ho, trong trường hợp nặng có thể có viêm sưng vùng hạch cổ và vùng hạch dưới hàm.

Đối với viêm amidan mạn tính, triệu chứng không ồ ạt, nặng như viêm amidan cấp mà thường nó gây ho khan, có thể có sốt nhẹ, đôi khi khạc ra mủ, tổ chức bã đậu màu trắng đục hoặc hơi ngã vàng và khi bóp ra thì rất là hôi.

Viêm VA: VA này được gọi là VA vòm, là khối VA nằm ở vùng mũi họng, nên thường gây ra triệu chứng cho cả mũi và họng. Những đứa bé có VA thường có triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, tối ngủ ngáy, thường phải há miệng để thở, ngoài ra nó cũng gây ra một số triệu chứng của họng ví dụ như do xuất tiết đàm từ trên vòm họng nên bé thường ho có đàm, có khi gây ra viêm thanh quản, viêm phế quản...



 

Nguyên nhân dẫn đến việc dễ tái phát viêm Amidan và viêm VA:

Viêm Amidan và VA dễ tái phát vì hai tổ chức này nằm ở đường vào của mũi và họng của chúng ta, do đó nó thường xuyên tiếp xúc với việc thay đổi nhiệt độ hay không khí ô nhiễm bụi bậm, vi trùng tất cả khi đi ngang qua đều gây viêm. Do đó nếu chúng ta không tránh gió lạnh, bụi, tránh môi trường ô nhiễm hay bụi bậm dẫn đến dễ bị viêm amidan và viêm VA hơn. Đó là lí do tại sao viêm amidan và viêm VA thường hay tái phát.

Ngoài ra, viêm VA thường gặp ở trẻ em, vì trẻ em thường thích ăn kem, uống nước đá lạnh, uống các loại nước giải khát có ga,.v..v những thứ này làm cho viêm VA hay viêm Amidan nhiều hơn, dễ tái phát hơn.

Viêm Amidan và viêm VA mãn tính là do đâu?

Viêm Amidan và VA trong đợt cấp thì dùng các loại kháng sinh, kháng viêm. Nhưng đặc tính của người Việt Nam, người ta thường hay sử dụng kháng sinh, hay ra tiệm thuốc tây mua thuốc tuỳ tiện, thấy triệu chứng vừa giảm thì ngưng thuốc, động tác này rất có hại. Đầu tiên nó có thể gây lờn kháng sinh, thứ hai việc điều trị không triệt để sẽ dẫn đến việc tái phát nhanh hơn và thường những đợt sau thì xu hướng sẽ nặng hơn những đợt trước.


Những biến chứng của viêm Amidan và viêm VA nếu không được chữa trị kịp thời:

Viêm Amidan có thể gây ra nhiều biến chứng. Đầu tiên là những biến chứng tại chỗ như viêm họng, viêm thanh quản, gây áp xe thành sau họng. Ngoài ra viêm Amidan trong trường hợp nhiễm cầu trùng Streptococcus thì có thể gây ra những biến chứng xa như viêm vi cầu thận, viêm khớp, tổn thương van tim.
Viêm VA làm tắc nghẽn ứ động mũi, đàm nhớp ở vùng mũi, họng nên dẫn đến viêm xoang, tại chỗ thì có thể gây bít tắt vòi nhĩ dẫn đến viêm tai giữa cũng như gây áp xe thành sau họng, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản.

Khi nào nên có chỉ định cắt Amidan hoặc nạo VA?

Đối với Viêm Amidan, nên có chỉ định cắt khi xảy ra những trường hợp:
- Viêm amidan tái phát trên 4 lần/ năm
- Viêm amidan có tiền sử tấy, áp xe thành sau họng (1 bên hoặc cả 2 bên)
- Viêm amidan quá phát, gây ảnh hưởng đến chức năng nuốt hay chức năng thở, gây ngủ ngáy
- Viêm amidan quá phát (1 bên hoặc cả 2 bên) kèm hạch cổ mà nghi ngờ là ung thư

Lưu ý, các trường hợp cắt amidan tràn lan không có chỉ định, dẫn đến loại bỏ đi mô còn tốt được xem là những tiền đồ để bảo vệ đường hô hấp của chúng ta. Chỉ loại bỏ Amidan và VA khi chúng trở thành tổ chức chứa vi trùng và gây viêm, nhiễm vùng mũi họng.

Đối với viêm VA, nên có chỉ định đào nạo khi:
- Viêm VA tái phát trên 5 lần/năm
- Viêm VA gây bít tắt vùng mũi, khiến trẻ ngủ ngáy, thở bằng miệng, không thở được
- Viêm VA gây biến chứng viêm tai giữa, gây bít tắt lỗ vòi nhĩ

Tư vấn sức khỏe trực tiếp:

Thính giả đầu tiên: Em có con gái 4 tuổi, bé vừa mới nạo VA vùng mũi họng, nhưng cứ ngưng uống thuốc vào là hay bị tái phát. Bé nạo VA đã được 3 tháng, lúc vừa nạo xong thì bé không bị tái phát nữa, nhưng bây giờ bé lại có dấu hiệu bị bệnh lại.
Xin hỏi bác sĩ cách chăm sóc để bé không bị tái phát nữa?

Bác sĩ Lê Trần Quang Minh (PGĐ Bệnh Viện Tai Mũi Họng TPHCM) giải đáp:
Xin chào chị, đối với trường hợp con của chị là bị viêm VA đã được nạo, tuy nhiên đối với bé vẫn còn triệu chứng viêm mũi họng thì tôi cũng xin nói để chị nắm rõ. Tức là, ngoài VA còn nhiều bệnh lí khác gây ra nghẹt mũi, sổ mũi, ho ở trẻ em như viêm mũi xuất tiết dị ứng, v..v.. Trong những trường hợp đó mình cũng phải điều trị viêm mũi dị ứng kèm theo, ngoài ra bé còn có thể viêm họng, viêm Amidan, trong trường hợp này, bé cần được khám để tư vấn cụ thể phương pháp như thế nào để theo dõi và chăm sóc bé tốt nhất.

Đối với các bệnh nhân viêm Amidan, viêm VA thì tôi cũng xin nói luôn cách phòng ngừa, chúng ta cần tránh ăn các thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng, tránh môi trường gió, lạnh, nhiều bụi,..v..v.. Đi ra đường phải mang theo khẩu trang vì những yếu tố môi trường nêu trên thì nó khiến viêm Amidan và viêm VA tái phát và nặng hơn.

Thính giả thứ hai: Em có vấn đề là em bị đau họng. Cách đây mấy năm, em đã thực hiện phẫu thuật cắt Amidan. Cứ sau khoảng 3, 4 tháng, em cảm thấy khô họng, thỉnh thoảng em còn khạc ra máu. Với tình trạng như hiện tại em xin hỏi bác sĩ em nên điều trị như thế nào?

Bác sĩ Lê Trần Quang Minh (PGĐ Bệnh Viện Tai Mũi Họng TPHCM) giải đáp: Xin chào anh, đối với trường hợp của anh, đã cắt Amidan rồi, tuy nhiên Amidan nó chỉ là một thành phần trong họng nên nó còn có thể có các tác nhân khác như viêm họng, viêm họng xuất tiết hoặc là viêm họng mãn tính và đôi khi còn có một số trường hợp viêm mũi dịch tiết, viêm mũi xoang nó xuống họng và gây triệu chứng tại họng.

Ngoài ra còn có viêm ruột trào ngược thực quản cũng gây triệu chứng tại họng. Đôi khi bệnh nhân cứ nghĩ là viêm họng nhưng thực chất là phải tìm hiểu kĩ nguyên nhân thì mới hết viêm họng được. Còn việc chảy máu, anh cần phải đến cơ sở y tế, nội soi mũi họng xác nhận nguyên nhân gây chảy máu thì mới điều trị được, cũng xin nói thêm, khạc máu là một trong những dấu hiệu nguy hiểm, có thể là khối u ở vùng mũi họng, nên chúng ta cần nội soi để loại bỏ nguyên nhân này trước tiên.

VOH

Bình luận

Đọc Báo