Cảnh báo tội phạm gia tăng sau giãn cách – Thành phố lên đèn 25/10/2021

(VOH) - Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng qua 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.

Một vấn đề liên quan đến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2021 được nhiều đại biểu nêu lên tại phiên thảo luận, đó là trong lúc đất nước đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp gia tăng, sản xuất kinh doanh dịch vụ ngưng trệ thì lại phát sinh ra nhiều tội phạm mới để trục lợi, gây lo lắng, bất an trong nhân dân. Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng, sự vào cuộc của các ngành tư pháp, tình hình vi phạm trên các lĩnh vực công - tư sẽ giảm đáng kể, kiềm chế tốt các loại tội phạm sau khi đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới"; xử lý vi phạm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật...

Tội phạm

Ảnh minh họa: TTO

Trước đó, tại lễ ra quân tấn công trấn áp tội phạm sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, dự báo, sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, gây áp lực sẽ gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật. Các băng nhóm tội phạm sẽ gia tăng hoạt động, nhất là trộm cắp, cướp giật tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, buôn bán và vận chuyển ma túy trái phép; cho vay lãi nặng, tín dụng đen…

Trả lời Đài truyền hình ANTV, Trung tá Võ Duy Thắng, đội trưởng cảnh sát hình sự đặc nhiệm, phòng CSHS, Công an TPHCM cũng cho biết thêm “Tội phạm có 2 loại: 1 là tội phạm có yếu tố nhất thời, ví dụ như sau dịch bệnh thì khó khăn về mặt kinh tế nên nảy sinh một số hiện tượng như trộm cắp, cướp giật…2 là tội phạm chuyên nghiệp. Với tội phạm chuyên nghiệp thì trong quá trình giãn cách do bị hạn chế đi lại nên số vụ phạm tội giảm đi, nhưng sau khi giãn cách với sự đi lại của người dân, lưu lượng hàng hóa phải trao đổi nhiều sẽ là cơ hội cho loại tội phạm chuyên nghiệp. Căn cứ vào tình hình thực tế sẽ vạch ra phương án, quá trình điều tra, khép kín địa bàn để tuần tra

Trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nước ta, Bộ Công an đã chủ động nhận diện, đánh giá, dự báo tình hình, diễn biến tội phạm để triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh.

Bộ Công an dự báo tình trạng tội phạm sẽ gia tăng sau thời gian nhiều địa phương gỡ bỏ giãn cách, xuất phát từ 6 nguyên nhân. Thứ nhất là do những dồn nén do tác động của việc giãn cách xã hội lâu ngày cùng với những thiếu sót trong thực hiện chủ trương, chính sách có thể xảy ra nhiều hơn các vụ chống đối, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Thứ hai, nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản, hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm do mâu thuẫn xã hội vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu, đặc biệt là sau khi nới lỏng giãn cách thì các đối tượng này sẽ hoạt động mạnh nhằm “bù đắp” lại các lợi ích, thu nhập phục vụ nhu cầu cá nhân.

Thứ ba, nhóm tội phạm lợi dụng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi, nhóm lợi dụng các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, an sinh xã hội sau đại dịch để phạm tội về kinh tế, tham nhũng. Bên cạnh đó cũng nảy sinh tội phạm lừa đảo, chiếm dụng vốn, các hình thức thông đồng, móc ngoặc để “đáo nợ” ngân hàng, gây nguy cơ thất thoát tài sản; tái diễn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Thứ tư, một số vấn đề bức xúc về môi trường sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt hơn do doanh nghiệp khó khăn nên sẽ cắt giảm các chi phí về bảo vệ môi trường; giải quyết vấn đề môi trường sau dịch bệnh, khai thác tài nguyên cho các công trình xây dựng, khai thác cát, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản sau giãn cách, an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán và đầu xuân.

Thứ năm, tội phạm ma túy trong khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn tiếp tục hoạt động mạnh, nguy cơ gia tăng sau đại dịch là rất lớn do hiện nay “nguồn cung” bên ngoài dư thừa, tội phạm ma túy bên kia biên giới luôn sẵn sàng vận chuyển vào nội địa khi có điều kiện, làm gia tăng sử dụng ma túy trái phép trong nước.

Thứ sáu là các vi phạm trên không gian mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao đã, đang và tiếp tục là những thách thức lớn trong bối cảnh cách mạng 4.0 và đại dịch COVID-19.

Trước tình hình này, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết Bộ cũng đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt 4 biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Đồng thời ban hành các Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự; Phương án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; Phương án tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh COVID-19.

Ở các địa phương thì các lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, giám sát và có những kế hoạch phòng, chống tội phạm để bảm bảo sự an toàn cho người dân. Trả lời Đài truyền hình ANTV, Trung tá Cao Công Trình, trinh sát hình sự, công an quận 1, Tp.HCM chia sẻ: “Ngoài lực lượng tuần tra trên địa bàn với lực lượng công khai thì còn có lực lượng “hóa trang” 24/7 của tổ hình sự đặc nhiệm. Bên cạnh đó là các tổ cơ động riêng để khép kín địa bàn và phòng ngừa tốt nhất

VOH

Bình luận

Đọc Báo