Tìm hiểu về nhứt lý, nhì ngâm, tam nam - Câu lạc bộ Đờn ca tài tử 04/04/2018

Nhứt Lý là các điệu Lý, xuất xứ từ dân ca, được cải lương hóa, thường dùng để hát đệm trong bài Vọng Cổ hoặc trong các tuồng cải lương.

Những bài hay được dùng nhiều nhất là: Lý Con Sáo; Lý Ngựa Ô (Nam và Bắc); Lý Thập Tình; Lý Giao Duyên; Lý Vọng Phu; Lý Chiều Chiều; Lý Cái Mơn; Lý Huế.

Trong các điệu Lý, như Lý Ngựa Ô, có ngựa ô Nam và ngựa ô Bắc. Lý Con Sáo và Lý Thập Tình có hơi Xuân và hơi Ai, Đờn hơi Bắc và hơi Xuân thì vui, đờn hơi Nam và hơi Ai thì buồn. Các điệu Lý khác phần nhiều đờn hơi Nam.

- Nhì Ngâm: Gồm có ngâm thơ, ngâm sa mạc, ngâm Kiều và nhiều điệu ngâm khác. Có người ngâm theo điệu Bắc, có người ngâm theo điệu Huế nhưng đa số ngâm theo điệu Sài Gòn (tùy theo sở trường và khả năng của mỗi người).

- Tam Nam: Gồm 3 bài Nam:  Nam Xuân (điệu nhạc thanh thản lâng lâng, sảng khoái, nghiêm trang, nhẹ nhàng, có người cho là "tiên phong đạo cốt". Bài này được dùng để mở đầu các chương trình ca nhạc cải lương ở Sài Gòn); Nam Ai (buồn ảo não, não nùng, bi thảm. Bài này có 8 lớp, cấu trúc cũng như Nam Xuân; Nam Đảo hay Đảo Ngũ Cung (tôn nghiêm, hùng tráng, gay gắt. Hai câu cuối được chuyển sang hơi Hò Ba âm điệu buồn, để chấm dứt, gọi là "song cước").

Trong "Nghệ thuật sân khấu Việt Nam" của ông Trần Văn Khải, nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn, có nhắc tới Nam Bình và Nam Chạỵ.  Nam Bình, còn gọi là Trường Tương Tư (một trong Bát Ngự). Nam Chạy: vừa ca vừa chạy, là hai lớp trống của Nam Ai, nhưng ca nhịp thúc để diễn tả lúc chạy giặc.

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo