VOH tiếp tục vươn xa! - Thời sự 5g30 9/6/2021

(VOH) - Hướng đến kỷ niệm 45 năm chính thức mang tên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, phóng viên Ngọc Phong có cuộc trò chuyện với bà Ngô Ngọc Mỹ, nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài TNND TPHCM

Từ khi tốt nghiệp đại học ra trường, bà Ngô Ngọc Mỹ - nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập VOH đã chọn Đài TNND TPHCM là nơi công tác và gắn bó cho đến khi về hưu. Trong suốt hành trình hơn 3 thập kỷ làm việc tại Đài, Bà đã từng trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ biên tập viên đến quản lý công tác nội dung của Đài, nên đã có rất nhiều kỉ niệm về “ngôi nhà thứ hai” của mình.

Hướng đến kỷ niệm 45 năm chính thức mang tên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, phóng viên Ngọc Phong có cuộc trò chuyện với bà Ngô Ngọc Mỹ, để cùng nghe những chia sẻ của một người đã gắn bó và yêu thương làn sóng phát thanh như một đứa con tinh thần của mình:

*VOH: Bà chia sẻ lại quá trình tác nghiệp của mình tại Đài trong những năm đầu giải phóng?

Bà Ngô Ngọc Mỹ: Tôi học ngữ văn khi về làm báo thì cũng có khá nhiều bỡ ngỡ, nhưng giữa ngữ văn và báo chí thì cũng có mối liên hệ với nhau thành ra khi tiếp cận và học hỏi các anh chị đi trước thì thấy cũng đơn giản. Nhưng đòi hỏi mình phải có suy nghĩ về chính trị đúng đắn, đó là yếu tố hàng đầu để làm Biên tập viên thời sự. Tôi về Đài cuối năm 1977, lúc đó đất nước rất khó khăn, do đó quá trình làm biên tập phải chọn lựa những tin tức có lợi cho quần chúng, đúng định hướng thì mới chọn lọc.

*VOH: Thời gian đó thì việc tác nghiệp còn khó khăn, như vậy thì làm thế nào để người Biên tập viên có thể kiểm chứng được tính chính xác của các thông tin?

Bà Ngô Ngọc Mỹ: Thời điểm đó không có internet thì muốn biết thông tin đó có chính xác hay không thì chỉ có cách là tin tưởng vào phóng viên. Cái này đòi hỏi người phóng viên hay biên tập phải được rèn luyện về phẩm chất chính trị vững vàng.

*VOH: Lúc đó phương tiện trang thiết bị kĩ thuật còn thô sơ, vậy Bà có thể chia sẻ lại cái quy trình làm chương trình thời sự lúc đó như thế nào?

Bà Ngô Ngọc Mỹ: Cũng không khác gì bây giờ, người biên tập phải chờ đợi phóng viên tác nghiệp gửi về dù đến 12h đêm vẫn phải đợi để kịp cho chương trình thời sự sáng. Ví dụ: Khi đó Thanh niên xung phong đi đào Kênh Trần Quang Cơ thì phóng viên phải đi từ sáng đến khuya vác theo cái máy ghi âm rất lớn, rất cực nên biên tập phải chịu khó chờ. Đó là sự thông cảm và phối hợp nhịp nhàng giữa biên tập với phóng viên để tạo ra một chương trình thời sự hay. Lúc đó thì chương trình thu trước, nhưng cũng có những lúc cấp trên yêu cầu thay đổi, hay chỉnh sửa thông tin trong bản tin thì phải xử lý ngay dù rất khó khăn, do không có máy vi tính như bây giờ. Khi đó thì người biên tập phải phối hợp với kĩ thuật xử lý băng cối đã thu cắt ra rồi nối lại cho đúng yêu cầu. Mặc dù không có thiết bị hiện đại nhưng lúc đó thì tay nghề cùng với sự tâm huyết của người kĩ thuật người ta có thể xử lý và đáp ứng yêu cầu của cấp trên.

*VOH: Trong những năm đó thì vị trí của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM so với các cơ quan báo chí khác như thế nào?

Bà Ngô Ngọc Mỹ: Lúc đó thì làn sóng của Đài được thính giả cả miền Nam rất tin cậy. Tôi còn nhớ năm 1979 khi giải phóng Campuchia khi đó thì rất nhiều người gọi điện thoại về hỏi tính chính xác của nó. Khi đó tôi trực biên tập thì trả lời cho thính giả biết. Việc này cho thấy họ rất tin tưởng vào Đài. Đài có vị trí rất quan trọng trong lòng công chúng.

*VOH: Để có được vị trí trong lòng thính giả nghe Đài thì chắc chắn trước đó đòi hỏi đòi ngũ phóng viên, biên tập viên phải có những chương trình, bài viết hấp dẫn, chính xác?

Bà Ngô Ngọc Mỹ: Đúng vậy, muốn chiếm được vị trí trong lòng thính giả thì đòi hỏi phải có những bài viết, chương trình hay, chính xác, đúng định hướng. Tôi nghĩ người phóng viên, biên tập, lãnh đạo Đài phải là những người vững vàng nhất. Khi có những ý kiến phản ánh từ thính giả thì mình phải có đủ bản lĩnh, lý luận để thông tin lại cho họ hiểu, từ đó sẽ có sự chia sẻ và đồng thuận.

*VOH: Khi không còn làm biên tập, chuyển sang công tác quản lý thì bà chia sẻ và truyền đạt những kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp nối như thế nào?

Bà Ngô Ngọc Mỹ: Lúc đất nước đổi mới khoảng 1987 thì tôi đã làm quản lý thì đều quan trọng nhất tôi truyền lại cho anh em trong phòng là lửa yêu nghề, rèn luyện về quan điểm, tư tưởng về nhận thức chính trị. Vì tôi nghĩ người phóng viên hay biên tập thì phải có những cái đức tính đó cùng với cái tâm thì mới có thể làm tốt nghề của mình.

*VOH: Trong thời buổi cạnh tranh thông tin như hiện nay, bà có nghĩ là phát thanh vẫn tiếp tục có chỗ đứng trong lòng thính giả?

Bà Ngô Ngọc Mỹ: Có nhiều người nói phát thanh bây giờ mất thế, nhưng cũng có nhiều người nói phát thanh có ưu thế. Vì nhanh, gọn lẹ, chỉ cần ngồi trên xe hơi thì có thể nắm bắt được thông tin. Đài cũng có thế mạnh vươn xa, khi hiện nay Đài VOH đã nối sóng với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Một ưu thế nữa là người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn nghe Đài nhiều. Tôi nghĩ là tương lai thì Đài VOH vẫn chiếm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Ngoài ra các phóng viên, BTV phải trao dồi kiến thức để tiếp tục phục vụ thính giả nghe Đài ngày càng tốt hơn!

*VOH: Xin cám ơn bà!

Bình luận

Đọc Báo