Việt Nam bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc về Biển Đông - Thời sự 11g00 24/4/2020

(VOH) - Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách này và như đã được nêu trong nhiều văn bản được đưa lên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế liên quan

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc lưu hành công hàm ở Liên Hợp Quốc nêu lập trường phi lý trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Phó phát ngôn Ngô Toàn Thắng nêu rõ: "Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), ngày 30/3/2020, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách này và như đã được nêu trong nhiều văn bản được đưa lên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế liên quan. Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc".

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ngang nhiên đặt “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: "Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối".

Bình luận về việc Mỹ và Australia điều tàu tới tập trận trên Biển Đông, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngô Toàn Thắng cho biết: "Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Hoạt động của các nước cần đóng góp vào mục tiêu chung này". 

Trả lời câu hỏi về báo cáo của tổ chức an ninh mạng FireEye cáo buộc Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhóm hacker APT32 - nhóm được cho là đã nhiều lần tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp trên thế giới - phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định: “Đây là những thông tin không có cơ sở”. Ông Ngô Toàn Thắng nói thêm rằng “Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng vào các tổ chức, cá nhân, dưới bất kỳ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”. Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật An ninh mạng và hiện đang hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi luật, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức.

Liên quan tới việc tổ chức Phóng viên Không biên giới đưa ra báo cáo sai sự thật về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: "Đây không phải lần đầu tiên tổ chức Phóng viên Không biên giới đưa ra những báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và với dụng ý xấu. Việc tổ chức Phóng viên Không biên giới tự cho phép xếp hạng tự do báo chí của một quốc gia theo những tiêu chí riêng của họ mà không thực sự hiểu rõ về điều kiện hoàn cảnh thực tế của mỗi quốc gia khiến những đánh giá, nhận định của tổ chức này không có độ tin cậy và sức thuyết phục".

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo