TPHCM chật vật giải bài toán thu hút nhân tài - Thời sự 11g00 25/09/2018

(VOH) - TPHCM đang xây dựng đề án thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố có nhu cầu.

TPHCM đang xây dựng đề án thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố có nhu cầu giai đoạn 2018 – 2022 với chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20-30 triệu đồng/tháng, gồm tiền lương hàng tháng và các khoản phụ cấp kèm theo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức thu nhập này khó thu hút được nhân tài, nhất là những nhân tài “đặc biệt”.  Bài viết của phóng viên Phương Dung:

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án này do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng đề án hết sức cần thiết trong thời điểm Thành phố đang thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TPHCM. Nhiều đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đã lấy Đà Nẵng làm ví dụ trong việc đầu tư và đãi ngộ nhân tài. Tại đây, nhiều người đã trả lại các dự án, nhiều vụ kiện tụng đã xảy ra trong quá trình các nhân tài này vi phạm hợp đồng… Vì vậy các đại biểu băn khoăn về việc làm thế nào để có quy chế xét tuyển, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc giúp các nhân tài phát huy được khả năng và ra sức cống hiến cho Thành phố.

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho rằng các chuyên gia, nhà khoa học vốn đang làm việc trong các trường, Viện hoặc tổ chức khoa học nào đó với thu nhập của họ rất cao. Bây giờ bắt họ mỗi ngày làm việc 8 tiếng, mỗi tuần làm việc 5, 6 ngày là không ổn. Cũng có thể họ nhiệt tình, tham gia nhưng với môi trường, điều kiện làm việc như hiện nay chưa chắc phát huy được tài năng và sở trường của họ. Vì vậy phải để họ chủ động về thời gian, miễn sao ra được kết quả của đề án, có sản phẩm cụ thể và được thừa nhận thì khi đó mới trọng dụng và đãi ngộ bằng tiền thưởng.

Với đề án này, theo Luật gia Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội Luật gia Quận Tân Phú, nên đổi tên thành đề án khuyến khích người có tài tham gia những dự án mà TP đặt hàng và sau khi chọn được những đề án khả thi thì TP mới tính đến việc chi ngân sách đầu tư. Bà Thu cũng cho rằng: Nhân tài ở đây là người có trình độ hiểu biết, có óc sáng tạo, có phẩm chất đạo đức, có tâm, có nhiệt tình cống hiến, nếu tuyển được nhiều người như vậy thì mới thay đổi được bộ mặt của TP. Thực tế, hiện nay, hệ thống hành chính của chúng ta còn nhiều bất cập do năng lực của cán bộ công chức làm trì trệ sự phát triển của TP. Nếu chúng ta tìm được phần nào nhân tài thay thế thì sẽ giúp TP phát triển và lấy lại được niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân. Đồng thời phải đổi mới cách quản lý nguồn nhân lực như thế nào vì hiện nay cách quản lý còn nhiều bất cập, chưa thoáng khiến nhiều người vào làm việc một thời gian thì bất mãn và bỏ đi. 

Theo ông Trần Thiện Tứ - Ủy viên, Ủy ban Mặt trận tổ Quốc VN TPHCM, muốn thu hút người tài thì cần phải có cái tâm và cái tầm. Tuy nhiên, phải công khai đề án lên các phương tiện truyền thông, có địa chỉ liên hệ cụ thể để nhiều người biết và tham gia. Bởi vì người tài có thể không coi tiền là ưu tiên số một mà là mong muốn được đóng góp xây dựng cho đất nước. "Thu hút nhân tài là những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, ưu tú mà trước đó đã từng nghiên cứu ở các công ty, các viện nghiên cứu phát triển để sau khi ra trường người ta đi sâu hơn nữa thì mình sẽ chủ động được. Còn mình muốn thu hút qua những đề án cụ thể mình như nhu cầu về quản lý nhà nước, đề án chống kẹt xe hay chống ngập, cấp thoát nước... ai có đề án tốt thì mình mời tham gia" - ông Trần Thiện Tứ cho biết

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học TPHCM, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TPHCM ví dụ, trong năm 2015 - 2016 TP mở “ngân hàng ý tưởng” kêu gọi Việt kiều đóng góp ý tưởng để xây dựng, phát triển TP.  Đã có 47 ý tưởng gửi đến nhưng 2 năm qua chưa có ý tưởng nào được hiện thực hóa, một số ý tưởng cứ chuyển từ “ngăn kéo này sang ngăn kéo khác”. GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cũng cho biết, sở dĩ đội ngũ cùng cộng tác với ông thời gian qua mang lại hiệu quả là do đội ngũ này đã từng nghiên cứu và làm việc với ông từ thời sinh viên, sau đó thành tiến sỹ, nhà khoa học thì họ quay lại tiếp tục làm việc điều này sẽ dễ dàng hơn. 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, đề án mới chỉ tập trung vào những người trẻ, còn các lãnh đạo chính quyền cũng rất cần phải thu hút nhân tài. Vị luật sư này còn bày tỏ lo ngại về vấn đề đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quá trình thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài trong thực trạng cơ chế xin cho. "Trong hoàn cảnh đề án đưa ra những lợi ích, chính sách hấp dẫn với nhân tài. Chúng ta cần thiết phải đặt ra chế tài phải rất nghiêm khắc đối với các hiện tượng lạm dụng đề án để trục lợi. Phải đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả bệnh kéo bè, kéo cánh, bệnh dùng người thân quen, bệnh hẹp hòi trong thu hút và trọng dụng nhân tài" - Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Việc tìm kiếm tài năng đặc biệt là đúng nhưng cần phải có chính sách phát huy năng lực của họ mới quan trọng. Thực tế, nhiều địa phương đã từng có chính sách trải thảm đỏ chi hẳn nghìn tỷ đồng cho việc thu hút nhân tài nhưng nhìn lại thì kết quả thu được rất khiêm tốn. Vì vậy, trước khi đưa ra văn bản mới cần nghiêm túc xem xét thấu đáo lại nguyên nhân và cần tháo gỡ vướng mắc như thế nào để không trượt tiếp trên vết xe cũ./.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

  • cao văn tính 19:29, 26/09/2018
    Những trăn trở của các đại biểu hoàn toàn chính xác. Có hai mảng rõ ràng môi trường. Tầm địa phương có những giới hạn nếu không phân biệt rõ hai mảng này như một số địa phượng đã làm là thất bại.

Đọc Báo