Tăng cường quản lý để ngăn chặn các đường dây đưa người di cư trái phép – Thời sự 17g 30/10/2019

VOH – Các đại biểu đề nghị lực lượng chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần sớm phát hiện và ngăn chặn các đường dây đưa người di cư trái phép xuyên quốc gia

Liên quan vụ việc nghi vấn có người Việt Nam trong 39 người chết trong container tại Anh, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, các đại biểu đề nghị các lực lượng chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần sớm phát hiện và ngăn chặn các đường dây đưa người di cư trái phép xuyên quốc gia, đồng thời thông tin và cảnh báo kịp thời cho người dân.

Đại biểu Dương Ngọc Hải, đoàn TPHCM nhấn mạnh đây là sự việc đau lòng và cũng là sự cảnh báo đối với những người có ý định đi xuất khẩu lao động mà không theo con đường chính ngạch. Theo đại biểu Dương Ngọc Hải, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phải tăng cường kiểm tra kiểm soát để người dân được xuất cảnh lao động theo con đường chính thống, an toàn. “Những công ty xuất khẩu lao động hoạt động trên cơ sở cấp phép của chính quyền địa phương thì công tác quản lý XKLĐ thì tôi cho rằng cần phải có tổng kiểm tra kiểm soát để không xảy ra các vụ việc đau lòng ….”

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau nhận định, việc quản lý nhân khẩu ở các địa phương còn lỏng lẻo. Người dân chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm tính mạng và hình phạt phải chịu theo quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam: “Trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Thứ hai là các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa vào cuộc kịp thời để phát hiện ra đường dây, đối tượng đi dụ dỗ lôi kéo tham gia đường dây. Thứ ba, trách nhiệm của tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong việc tham gia tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ cho các đối tượng tham gia đường dây đó. Quan trọng nhất là thông tin tác động đến nhận thức của họ. Còn thiếu vắng nhiều thực trạng thảm hại để làm thực tiễn cho họ nhận thấy nguy cơ đối mặt rất nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản. Tôi đã đọc mô tả hành trình đi con đường chui lủi này, vô cùng khắc nghiệt và đối xử không còn tính người. Cảnh báo rất lớn đối với xã hội quản lý tốt đối tượng lao động này”.

Còn theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động vùng nông thôn, miền núi. Các  giải pháp giảm nghèo phải đi vào thực chất và bền vững để người dân nông thôn có thể sống được trên mảnh đất của mình thì mới không có tình trạng người dân bất chấp tất cả để đi xuất khẩu lao động: “Ví dụ như là việc lao động việc làm ở nông thôn vì sao là chúng ta lại có những tình trạng mà người dân bất chấp tất cả để có thể đi xuất khẩu lao động lậu và bó xác người xứ người. Mặc dù là chưa được kết luận, nhưng mà tôi nghĩ là nó cũng không phải là không có cơ sở. Vì vậy, cho nên để tái diễn những cảnh đau lòng đó là lỗi của chúng ta. Vì vậy gian nan giải trong báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ phải có những giải pháp làm sao để người dân tại nông thôn có thể sống được trên mảnh đất của mình cũng như không lặp đi lặp lại vấn đề được mùa mất giá và đưa ra hàng loạt nguyên nhân hàng loạt lý do để rồi cũng không có giải pháp hiệu quả cho năm sau”. 

Trước đó, trao đổi với báo chí chiều qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an cũng đang rất sốt ruột nhưng vì số lượng người là rất nhiều nên để xác định rõ phải cần quá trình điều tra và hiện chưa có kết luận cuối cùng.

Ngọc Ánh

Bình luận

Đọc Báo