Liên minh châu Âu lo ngại các khoản đầu tư từ Trung Quốc - Thời sự 02/03/2018

(VOH) - Vậy cụ thể những tính toán của Trung Quốc tại châu Âu là gì và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có đối sách như thế nào trước chiến lược này của Trung Quốc?

Đầu tuần này, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp vừa bày tỏ nghi ngại về những khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu không đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà đằng sau đó còn gắn với những tính toán chính trị, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Âu.

Vậy cụ thể những tính toán của Trung Quốc tại châu Âu là gì và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có đối sách như thế nào trước chiến lược này của Trung Quốc?

Trong một phát biểu mới nhất, Thủ tướng Đức Angela Markel đã cảnh báo Trung Quốc không nên gắn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu với những yêu sách về chính trị. Nhận định của bà Méc-ken được đưa ra trong bối cảnh gần đây Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và cơ sở hạ tầng quan trọng tại châu Âu, ví dụ điển hình là việc mua cảng Piraeus của Hy Lạp. Trong một động thái tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng vừa bày tỏ nhiều lo ngại khi Trung Quốc đã thực hiện nhiều thương vụ để thâu tóm các khu đất nông nghiệp tại Pháp, và đang “dòm ngó” cảng Marseille. Không chỉ có vậy, nhiều doanh nghiệp và tỷ phú Trung Quốc đã bỏ ra không ít tiền để nắm giữ cổ phần chủ yếu của một số công ty lớn tại châu Âu, trong đó có Hãng ôtô Daimler của Đức. Giới lãnh đạo châu Âu coi đây là điều bất thường và rằng “châu Âu không thể không để ý tới động thái này”.

Trên thực tế, một thập kỷ trở lại đây, chuyện Trung Quốc đầu tư vào châu Âu là một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất tại EU. Một thống kê được tờ Le Figaro (Pháp) công bố mới đây cho thấy tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua. Cao điểm như năm 2016, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu tăng 77% so với năm trước đó, đạt mức 35 tỷ euro. Tuy con số này trong năm 2017 đã sụt giảm do các biện pháp mà chính quyền Trung Quốc áp dụng nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài quá nhiều nhưng có thể nói, gần một thập kỷ qua, nhất là trong 3-4 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thâu tóm được nhiều doanh nghiệp lớn trong nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu, từ các cảng biển ở Hy Lạp, sân bay ở Pháp, nhà máy công nghiệp ở Đức hay các dự án bất động sản lớn tại Anh.

Tất cả những điều này tạo nên một tâm lý nghi ngại rất lớn ở nhiều nước châu Âu. Ví dụ tại Pháp, trong năm 2016, việc một tập đoàn Trung Quốc mua cổ phần và làm chủ sân bay Toulouse đã gây ra tranh cãi và phản đối lớn trên chính trường cũng như dư luận Pháp, vì đây không chỉ là sân bay lớn thứ 4 ở Pháp, mà quan trọng hơn, còn là nơi rất gần với các cơ sở của tập đoàn hàng không Airbus. Vì thế, dư luận Pháp cho rằng điều này có thể tạo ra một số rủi ro an ninh về bí mật công nghệ. Ngoài ra, dư luận Pháp cũng rất nhạy cảm với việc nhiều công ty Trung Quốc mua các lâu đài, vùng rượu nho hay các nhà máy sản xuất sữa của nước này, vì cho rằng như thế là nước Pháp đang đánh mất bản sắc, đánh mất thương hiệu bởi đây đều là các lĩnh vực mà Pháp rất có danh tiếng. Còn tại Đức, chính phủ Đức cũng rất cảnh giác trước các thương vụ sát nhập và thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc triển khai. Trên thực tế, Trung Quốc không giấu giếm ý định mua các công ty Đức, nhất là trong các ngành công nghiệp sản xuất máy công nghiệp và ô tô- những thương hiệu đã làm nên tên tuổi của nước Đức. Cảnh giác trước ý đồ của Trung Quốc, năm 2016, Đức đã phủ quyết thương vụ các công ty Trung Quốc định mua tập đoàn sản xuất máy Aixtron. Còn Đại Quốc tế Pháp dẫn nguồn tin hôm 27/2 cho biết giới chức Đức đang “đặc biệt cảnh giác” với thương vụ tỉ phú Lý Thư Phúc, ông chủ Tập đoàn sản xuất xe hơi Cát Lợi của Trung Quốc, trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler AG, công ty sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz.

Dù Trung Quốc luôn lớn tiếng nói rằng họ đầu tư vào châu Âu và thâu tóm các công ty châu Âu là bình thường, nhưng vì sao các nhà lãnh đạo châu Âu đều bày tỏ lo ngại?

Có rất nhiều lý do. Thứ nhất, làn sóng đầu tư ồ ạt ra nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, của Trung Quốc được cho là bất thường bởi các chính quyền EU lo lắng đây là cách Bắc Kinh dùng để tiếp cận và lấy cắp công nghệ, kiến thức chuyên môn. Thứ hai, những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào châu Âu không đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà đằng sau đó còn gắn với những tính toán chính trị, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Âu. Thứ ba, thông qua con đường kinh tế, Trung Quốc có vẻ như mong muốn chi phối các quyết sách chính trị của EU, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các tranh chấp nhạy cảm.

Châu Âu cũng không giấu giếm lo ngại do các tập đoàn Trung Quốc có tốc độ và quy mô đầu tư rất lớn. Và theo nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu, đó là nhờ sự hỗ trợ từ nguồn ngoại tệ khổng lồ hơn 3000 tỷ đô la Mỹ của chính phủ Trung Quốc. Nếu “thả lỏng” để doanh nghiệp Trung Quốc mặc sức đầu tư, ắt đến có ngày kinh tế châu Âu sẽ bị Trung Quốc thâu tóm.

Điều này buộc châu Âu phải luôn nâng cao cảnh giác. Hồi tháng 9/2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker đã đề xuất ra một đạo luật chung áp dụng cho toàn bộ các nước EU, trong đó ngăn chặn việc đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp mũi nhọn. Trước đó thì vào tháng 7/2017, chính phủ Đức đã ra một luật riêng của nước này về đầu tư nước ngoài, trong đó cho phép chính phủ Đức một thời hạn 4 tháng để xem xét có thông qua hay không một thương vụ mua bán một công ty Đức trong một ngành công nghiệp chiến lược. Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn khác của châu Âu là Pháp và Italia đang ráo riết vận động EU sớm cho ra đời luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngành chiến lược. Tuy nhiên, ngược lại, đối với các nước khác, nhất là các nước Trung và Đông Âu thì đầu tư của Trung Quốc được đón nhận nhiệt tình hơn bởi các nước này có điều kiện kinh tế yếu kém.

Vậy châu Âu sẽ phải ứng phó ra sao trước những khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc? Giới phân tích cho rằng châu Âu sẽ không dễ dàng “lắc đầu” trước những khoản đầu tư này mà buộc phải “gật đầu” tiếp nhận, nhưng tiếp nhận trong giới hạn cho phép mà thôi. Bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và hiện là nhà đầu tư số 1 vào EU. Nói gì thì nói, châu Âu vẫn phải cần tới Trung Quốc. Như nước Đức, dù cực kỳ cảnh giác với đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của mình, nhưng Đức vẫn luôn coi Trung Quốc là đối tác kinh tế số 1. Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel năm nào cũng đi thăm Trung Quốc là một ví dụ cho thấy điều đó. Tương tự như vậy, Tổng thống Pháp trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 1, cũng tuyên bố “ông muốn mỗi năm thăm Trung Quốc một lần để đẩy mạnh hợp tác”.

Chính vì thế, bất chấp sự nghi kỵ và dè chừng, châu Âu và Trung Quốc vẫn sẽ phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới. Và châu Âu dù muốn hay không vẫn sẽ tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc, dù trong lòng “không ngớt lo ngại”./.

Nguyệt Minh

Bình luận

Đọc Báo