Lễ hội Áo dài TPHCM 2018: Rực rỡ tuổi lên 5 - Thời sự 5 giờ 04/03/2018

(VOH) - Tối 3/3, Lễ hội Áo dài TPHCM 2018 đã chính thức diễn ra trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Tham dự chương trình có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM Tô Thị Bích Châu cùng đông đảo lãnh đạo, các cơ quan đại diện, Tổng lãnh sự các nước tại TPHCM và đông đảo người dân, du khách Thành phố.

Đêm khai mạc Lễ hội Áo dài cũng chính là sự kiện mở đầu cho 16 hoạt động sẽ diễn ra xuyên suốt trong Tháng Áo dài TPHCM 2018. Với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như Cuộc thi Duyên dáng Áo dài, giao lưu văn hóa Việt - Nhật qua áo dài và hoa vải Tsumami, đồng diễn Áo dài, hội thi cắm hoa “Việt Nam trăm hoa ngàn sắc”… Phát biểu trong đêm khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, việc duy trì Lễ hội Áo dài trong tháng sẽ tăng thêm tính hấp dẫn, nhân lên giá trị của tà áo dài truyền thống và góp phần tôn vinh nét đẹp nhẹ nhàng và kín đáo của người phụ nữ: "Qua chặng đường 5 năm phát triển, Lễ hội Áo dài đã trở thành một sự kiện du lịch, văn hóa độc đáo của TPHCM, đặc biệt là diễn ra trong dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Tôi kỳ vọng rằng, các hoạt động lễ hội năm nay sẽ giúp cho công chúng và khách du lịch đến TPHCM có thể thưởng thức đầy đủ giá trị của tà áo dài Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Bởi lẽ nó đạt được một con số kỷ lục là các công chức, cán bộ, đoàn viên, hội viên, các nhà thiết kế, người mẫu và doanh nghiệp tham gia đông nhất".

Dấu ấn đậm nét mà chương trình tối 3/3 để lại trong lòng người dân và du khách tham dự là bộ sưu tập gồm 500 tà áo dài với đủ các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Từ dáng dấp của những tà áo dài thuở xa xưa đến những kiểu dáng cách tân hiện đại; từ những chiếc áo dài trắng thơ ngây trên các giảng đường đến những chiếc áo dài công sở duyên dáng, thướt tha. Không chỉ phụ nữ, áo dài cách tân cũng được cánh đàn ông chọn lựa trong những dịp đặc biệt để góp phần gìn giữ nếp áo truyền thống của dân tộc. Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc - đại sứ của chương trình chia sẻ: "Tôi là một trong những nam nghệ sĩ tiên phong trong chuyện mặc áo dài tại các sự kiện văn hóa và muốn biến nó thành đời sống thường nhật, cho nên tôi thích mặc những chiếc áo dài do chính tôi nghĩ ra. Bởi vì tôi muốn cho các bạn nam thanh niên thấy rằng: mặc áo dài vẫn thoải mái lắm, không việc gì phải trình trọng trong các lễ hội. Nếu trong những lễ hội cần trang phục trịnh trọng thì có ngay những kiểu áo dài trình trọng, nếu mình thích. Còn nhớ, lúc tôi còn là một chú bé 13 tuổi, Tôi thấy người ta mặc áo dài người ta bán chè, bán bánh mì, bán phở cũng được mà! Thế thì, áo dài đâu phải nhất thiết là trong những lễ hội rất trịnh trọng thì người ta mới mặc đâu. Vấn đề là mình thiết kế nó như thế nào để nó phù hợp với môi trường mà chúng ta sẽ đến".

Người xem còn ấn tượng đặc biệt với bộ sưu tập áo dài có hình ảnh quốc kỳ của 56 nước với chủ đề “Vẻ đẹp Việt Nam 3 – Vươn ra biển lớn”. Thông qua bộ sưu tập này, Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam mong muốn sẽ chuyển thông điệp đến bạn bè quốc tế rằng: áo dài không chỉ là quốc phục Việt Nam mà còn có thể xuất hiện trong mọi sinh hoạt của đời sống thường ngày, tự hào trên các cuộc thi nhan sắc lớn của quốc tế.

Bà Mai Hoa, Việt kiều Mỹ bày tỏ: "Người ta nói rằng, tiếng Việt còn thì nước Việt còn, mà áo dài còn thì hồn Việt còn. Ngay khi tôi sống ở nước Mỹ hoặc là đi giao lưu quốc tế, ở các chương trình Gala, tôi luôn luôn có ý thức mặc áo dài và nó đã trở thành một phong trào. Bây giờ thì ở bên nước ngoài các Việt kiều đều rất mê áo dài Việt Nam. Vì thế khi về Việt Nam lần này, tôi sẽ làm nhiều video clip về áo dài để khi về bên đó, tôi có thể chia sẻ lại với đồng bào Việt Nam ở Mỹ cũng như ở tất cả các nước".

Cho đến nay, rất khó để có thể thống kê hết đã có bao nhiêu cuộc triển lãm và biểu diễn áo dài tại các nước trên khắp thế giới. Chỉ biết rằng, nhiều thương hiệu áo dài nổi tiếng từ đầu thập niên 1990 cho đến nay đều đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn dài ngày và tham gia vào nhiều cuộc triển lãm trên thế giới, để chiếc áo dài thực sự trở thành sản phẩm văn hóa vật thể truyền thống biểu tượng cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Với việc xây dựng Lễ hội Áo dài thành một hoạt động thường kỳ, theo nhiều người, sẽ chính là dịp để tạo tiếng vang và là dấu ấn đối với ngành du lịch TPHCM.

Tháng 3 - Tháng của Áo dài. Lễ hội Áo dài TPHCM sẽ là Lễ hội Áo dài lớn nhất Việt Nam, được tổ chức như một sự kiện văn hóa - du lịch thường niên, đánh dấu quá trình phát triển 5 năm diễn ra với việc tôn vinh, nâng tầm giá trị và nét đặc sắc của trang phục áo dài Việt Nam lên một tầm cao mới, qua đó, góp phần định hướng giáo dục thẩm mỹ để Áo dài trở thành một xu hướng thời trang trong tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Càng ý nghĩa hơn khi Thành phố phát động chủ trương đến toàn bộ nữ công nhân viên chức mặc áo dài trong công sở để nhân lên nét đẹp Áo dài Việt. Ở đó, những tà áo dài thân thương, thướt tha xuống phố để tạo cộng hưởng cho Lễ hội Áo dài thêm lan tỏa.

Lúc 7h sáng 4/3, chương trình thể dục đồng diễn áo dài sẽ diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ với sự tham dự của 3.000 người ở đủ mọi lứa tuổi. Tại đây, Ban tổ chức cũng sẽ phát động phong trào “Áo dài tặng bạn” để tặng cho hội viên phụ nữ, công chức, giáo viên, học sinh nghèo, đồng thời, diễn ra khai mạc Triển lãm Duyên dáng Áo dài TPHCM 2018 tại 77 Nguyễn Huệ, quận 1. 

Hữu Nghị

Bình luận

Đọc Báo