Kỳ vọng của Đại biểu Quốc hội về Tân Chủ tịch nước - Thời sự 17g00 5/4/2021

(VOH) - Nhiều đại biểu quốc hội kỳ vọng Chủ tịch nước là nòng cốt của niềm tin, đoàn kết, hòa hợp và khích lệ lòng tự tôn, lòng yêu nước.

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu quốc hội bày tỏ kỳ vọng Chủ tịch nước là nòng cốt của niềm tin, đoàn kết, hòa hợp và khích lệ lòng tự tôn, lòng yêu nước để hiện thực hóa khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên Huế nhận xét: Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là người vừa có tâm, vừa có tầm: “Tầm chính là tầm chiến lược, tầm đối ngoại, vừa rất sát cơ sở và giải quyết rất kịp thời những vướng mắc bức xúc về kinh tế, xã hội cũng như về đối ngoại quốc phòng, an ninh. Tôi tin tưởng trên cương vị mới, Chủ tịch nước là người đứng đầu đất nước trong vấn đề đối ngoại, đối nội và thống lĩnh lực lượng vũ trang. Tôi tin tưởng với kinh nghiệm của mình, với bản lĩnh trí tuệ của mình, với phong cách lãnh đạo mình thì nhiệm kỳ tới đây cùng với tập thể của Chính phủ của Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Còn đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ kỳ vọng tân Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, từ đó góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi thu hút các nguồn lực phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền: "Tôi mong muốn có nhiều đối sách quan trọng, đặc biệt là tiếp tục tình cảm những mối quan hệ đối với bạn bè quốc tế đã phát huy tốt trong nhiệm kỳ qua . Nhiệm kỳ tới về phương diện ngoại giao, Chủ tịch nước giữ những mối liên hệ với các nước bạn, các nước láng giềng - những nước có tình cảm tốt đẹp với nhân dân Việt Nam. Phát huy những mối quan hệ mới để nhận được sự ủng hộ cao của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp xây dựng…"

Nhiều đại biểu quốc hội kỳ vọng Chủ tịch nước là nòng cốt của niềm tin, đoàn kết, hòa hợp và khích lệ lòng tự tôn, lòng yêu nước. Ấn tượng trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước nhắc đến khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường năm 2045, đại biểu Lê Công Nhường đoàn Bình Định bày tỏ: Đó là tinh thần khích lệ, đoàn kết toàn dân tộc cố gắng. Bởi đó không phải là một món quà có sẵn vào năm 2045, mà đó là mục tiêu cao cả mà những thế hệ tiếp theo phải nỗ lực phấn đấu để giành được: “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa tuyên thệ nhậm chức và với bề dày kinh nghiệm. Trước đây, nguyên là Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đây đã làm việc rất hiệu quả, năng động đã 760 lần lên rừng xuống biển và có một nhiệm kỳ điều hành thành công. Với cương vị Chủ tịch nước trong giai đoạn mới thì tôi hy vọng là với vai trò người đứng đầu của Nhà nước thì Chủ tịch nước sẽ đoàn kết tất cả đồng bào dân tộc của chúng ta, kể cả kiều bào nước ngoài để cùng góp sức cống hiến cho đất nước ngày càng phát triển”.

Đây là lần đầu tiên nhân sự giới thiệu Chủ tịch nước là Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đại biểu kỳ vọng nhiệm kỳ khóa mới Tân chủ tịch nước sẽ thành công khi đã có nhiều trải nghiệm trong điều hành Chính phủ nhiệm kỳ qua, đưa con tàu Việt Nam ta đã vượt qua một hải trình dồn dập, đầy bão tố; từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ. Đại biểu đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội mong muốn: "Đã qua một nhiệm kỳ Thủ tướng thì Thủ tướng đã có rất nhiều những trải nghiệm trong điều hành nền kinh tế, phải xử lý những vấn đề của đất nước. Khi làm Chủ tịch nước sẽ đóng vai trò là người tạo lập một sự gọi là huy động chung sức, đồng lòng của tất cả người dân của doanh nghiệp và của cả các thành phần xã hội cùng với Nhà nước để vượt qua mọi khó khăn”.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ ấn tượng khi tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý trí vươn lên của chúng ta”, các đại biểu mong muốn trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các cơ quan tư pháp, không để xảy ra oan sai cũng như giảm án cho các phạm nhân biết ăn năn, hối cải. Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, đoàn Bình Phước cho rằng: “Trong quá trình xem xét của các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước sẽ là người mà quyết định về cái việc mà ân giảm, cũng như việc triển khai các hoạt động sau khi mà các bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Theo tôi nghĩ khi mà người có kinh nghiệm đứng đầu trong lĩnh vực lập pháp mà sang làm công tác của Chủ tịch nước thì những cái việc nó sẽ thuận lợi và có hiệu quả”.

Ngọc Ánh

VOH

Bình luận

Đọc Báo