Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước (kỳ 2) - Thời sự 5g30 18/3/2021

(VOH) - Tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu cử tri và thực hiện với cái tâm trong sáng vì dân, vì nước mới có được lòng tin của cử tri.

Tọa đàm Đồng hành cùng bầu cử Trong chương trình thời sự hôm qua quý vị đã nghe kỳ 1 chủ đề: “Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước” của tọa đàm: “Đồng hành cùng bầu cử”. Như quý vị theo dõi ở kỳ trước thì để lời hứa thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan nhưng trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về người hứa. Tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu cử tri và thực hiện với cái tâm trong sáng vì dân, vì nước mới có được lòng tin của cử tri. Và đây cũng là nội dung kỳ 2 chủ đề “Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước”, với sự tham gia của các vị khách mời: Bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 – 2026; Bà Phạm Phương Thảo; nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khoá XII, đại biểu Quốc hội khóa IX, XI, XII; Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV; PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

*VOH: Trong 75 năm phát triển của Quốc hội Việt Nam, qua các cuộc bầu cử, cử tri cả nước đã bầu chọn ra những thế hệ đại biểu có đức, có tài, xứng đáng thay mặt nhân dân, thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, và Quốc hội. Trong tình hình hiện nay, các đại biểu có điểm mới hơn ngày xưa là có lời hứa hẹn trước cử tri cùng với tài năng, phẩm chất và cử tri cho rằng người đại diện Nhân dân phải giữ được niềm tin của cử tri bằng cách tôn trọng lời hứa của chính mình. Vậy theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì tất cả các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần xác lập lời hứa đó của mình như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Tôi có một quá trình làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM khóa VIII và một nửa nhiệm kỳ của khóa IX. Và tôi cũng có quá trình làm đại biểu Quốc hội 2 khóa XIII và XIV, thì tôi thấy một đại biểu đưa ra chương trình hành động để báo cáo và trình bày trước đồng bào cử tri khi mà mình ứng cử, có 2 yếu tố tiên quyết mà người đại biểu cần phải nắm. Một là, chức năng nhiệm vụ của một đại biểu được quy định bởi pháp luật như thế nào. Địa phương mình ứng cử cần những điều kiện gì, cơ chế gì để có thể thúc đẩy sự phát triển và vấn đề gì cử tri đang quan tâm, cần phải có sự tháo gỡ, phải có sự am hiểu, phải tìm hiểu kỹ vấn đề đó. Thứ hai là mình phải tự soi rọi lại bản thân mình có thể làm được gì và mình phải phấn đấu gì để đáp ứng được yêu cầu của đồng bào cử tri, mình đưa vô chương trình hành động của mình. Và một khi mình đã xác lập được chương trình hành động của mình, tôi nghĩ có mấy yếu tố căn bản như thế này. Chân thành, cái sự chân thành của mình đồng bào cử tri biết. Mình trình bày đồng bào cử tri họ ngồi họ nghe hoặc là họ đọc chương trình hành động của mình, tôi tin rằng đồng bào cử tri cảm nhận được sự chân thành của đại biểu đó. Và họ cũng đánh giá được khả năng của đại biểu đó có làm được điều đó hay không. Vị trí, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đại biểu đó có thể làm được điều đó hay không. Cho nên mình đừng nói quá lên, nhưng mà cũng không thể khiêm tốn quá. Phải nói đúng cái khả năng, cái mong muốn, tham vọng của mình khi mình làm đại biểu mình có thể làm được gì cho dân cho nước, cho nên cái chân thành là cái tiên quyết đầu tiên. Thứ hai là phải tôn trọng cử tri. Mình nói thật chính là sự tôn trọng đồng bào cử tri. Và thứ ba là sự tự trọng của chính mình. Mình có lòng tự trọng thì người dân sẽ tín nhiệm, sẽ tôn trọng mình. Và cuối cùng tôi nghĩ là cái quyết tâm chính trị trong mình. Không có ai mới sinh ra mà biết được mọi thứ. Cho nên mình muốn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, mình muốn được nhân dân tín nhiệm mình thì mình phải có quyết tâm chính trị, phải biết học hỏi.

*VOH: Cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Về vấn đề chất vấn và phát ngôn trong nghị trường được cử tri hết sức quan tâm. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, để những phiên chất vấn trong các kỳ họp đạt được hiệu quả, yếu tố cần lưu ý là gì? Những người đại biểu thì cần thực hiện lời hứa của mình trước cử tri như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Việc chất vấn cũng như phát ngôn, phát biểu trước Nghị trường như một yếu tố bề nổi để cho cử tri biết đến người đại biểu. Đặc biệt những cử tri đã bầu những đại biểu. Tôi thấy trong các cuộc tiếp xúc cử tri thì bao giờ chúng tôi cũng được đặt câu hỏi là tại sao trong kỳ họp đó không thấy nói gì. Chắc chúng ta phải đánh giá thế này: Công việc của người đại biểu không phải chỉ có nói và chúng ta trong đầu phải có gì mới nói được. Về cái khả năng, về cái hiểu biết trong cái lĩnh vực chuyên môn để có thể tổng hợp phân tích. Cho nên, thứ nhất, nội dung chúng ta phải nói cái gì và Quốc hội là nơi để chúng ta chuyển tải tất cả những hơi thở của cuộc sống, những vấn đề để hướng đến để xây dựng nên được chuyện gì. Thứ hai nữa một người đại biểu cũng hết sức lưu ý là chúng ta có cả đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm. Thật sự mà nói ai cũng nghĩ đại biểu chuyên trách thì dễ rồi, trên vai không có bộ ngành nào, không có sếp, chỉ có là trả lời đúng, đặt vấn đề đúng theo của đại biểu Quốc hội. Nhưng mà sẽ có khó khăn là anh không ở trong cuộc, anh chỉ ngồi ở ngoài văn phòng và như vậy rất khó nắm bắt được hơi thở cuộc sống. Và chúng ta phải thông cảm cho đại biểu chuyên trách phần đó. Còn đối với đại biểu kiêm nhiệm thì sao? Muốn nói thẳng, nói thật không dễ. Bản thân nhiều người trong ngành cũng thắc mắc, nói cái đó làm chi vậy? Cứ nghĩ nếu như  có một đại biểu của ngành trong đấy để lúc nào cũng lên tiếng bênh vực cho ngành, thì tôi nghĩ đây không phải là vấn đề bênh vực, nhưng chúng ta phải làm sao đấu tranh cho ngành của mình được tốt đẹp hơn, có những điều kiện để phát triển hơn. Tựu trung lại, tôi nghĩ cái quan trọng nhất vẫn phải là cái tâm. Chúng ta nói không phải để tô hồng, để đánh bóng bản thân. Cái quan trọng nhất, cái tâm của chúng ta làm sao để cho tất cả cùng phát triển. Và chúng ta cũng phải làm sao để đóng góp vào dần dần thay đổi thái độ, cái quan điểm của rất nhiều người, ngay cả các thành viên Chính phủ khi mà người ta góp ý một cách thật sự, một cách chân tình, dù là chê, đấy là người ta đang giúp mình.

*VOH: Có rất nhiều trường hợp, khi đạt được vị trí lãnh đạo nào đó rồi, người cán bộ đã thỏa mãn, không tiếp tục phấn đấu nữa, coi đó là “đỉnh của danh vọng”. Theo bà Phạm Phương Thảo việc này cần xử lí ra sao để tránh trì trệ bộ máy?

Bà Phạm Phương Thảo: Trong thực tế có không ít những trường hợp đã được vào chức danh lãnh đạo rồi thiếu sự phấn đấu, làm việc làng nhàng, không muốn cải cách, không muốn đổi mới trong khi sự đòi hỏi và người dân rất cao và thế giới phát triển nhanh chóng. Theo tôi, trong những trường hợp như vậy, kể cả vi phạm những khuyết điểm, những tiêu chuẩn quy định thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo luật định. Chúng ta cũng đã có bãi nhiệm những đại biểu vi phạm, những đại biểu không đủ tư cách. Trong những nhiệm kỳ qua cũng đã có xử lý. Cũng có những trường hợp thật sự đau lòng, để lại những bài học nhưng mà bắt buộc phải xử lý để tạo niềm tin nơi người dân, để thúc đẩy sự phát triển của bộ máy thật sự hiệu quả.

*VOH: Theo quy định hiện nay, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có yêu cầu chung nhất về đạo đức, tài năng, các mối quan hệ giữa đức và tài, về uy tín trước nhân dân, các điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Hiệu quả hoạt động của đại biểu phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội, quyền làm chủ của nhân dân… Từ đó trong mỗi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ngoài những tiêu chí chung có tính phổ biến, còn chú trọng những quy định về tiêu chuẩn cụ thể cho phù hợp với yêu cầu mới. Vậy theo Bà Tô Thị Bích Châu, trong kỳ bầu cử lần này, chúng ta cần lưu ý về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân?

 

Bà Tô Thị Bích Châu trả lời: Thưa đồng bào cử tri cả nước, làm sao chọn cử hiền tài cho đất nước. Ở đây tôi xin nêu một số vấn đề đã được cụ thể hóa trong luật. Bên cạnh đó là những điều mới trong kỳ này đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tại Thông báo 174 của Bộ Chính trị về chuẩn bị cho phương hướng để bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã cụ thể hóa hơn đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị công lập, doanh nghiệp nhà nước. Song song đó, có Hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã bổ sung cụ thể những yêu cầu là kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức chạy quyền không tham gia Quốc hội. Để tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, như quy định về độ tuổi ví dụ nam phải sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây. Và nhất là đối với cán bộ công chức, viên chức thì lần đầu ứng cử phải quy định với độ tuổi như vậy, ít nhất phải tham gia được 2 nhiệm kỳ, ít nhất phải tham gia trọn 1 nhiệm kỳ. Từ độ tuổi đó, chúng ta quy định về thời gian để mà đại biểu có thể ứng cử. Bên cạnh đó, một điểm mới nữa là việc mà phải quy định đối với ứng cử viên mà ứng cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải có một quốc tịch Việt Nam. Và như vậy thì trong hồ sơ hướng dẫn thêm 1 câu đó là không trong thời gian xin quốc tịch khác. Chúng ta rút kinh nghiệm từ những lần bầu cử trước. Đó là những điểm mới. Trong quy định đối với điều 22 của Luật tổ chức Quốc hội quy định là đối với đại biểu Hội đồng nhân phải có 4 tiêu chuẩn và đại biểu Quốc hội cao hơn là phải có 5 tiêu chuẩn.

*VOH: Dạ xin cảm ơn những chia sẻ vừa rồi.

Phương Dung, Ngọc Bích, Hà Diễm, Minh Hiệp, Hồng Yến

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo