Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật thanh niên sửa đổi – Thời sự 17g 15/11/2019

(VOH) – Cũng trong chiều 15/11, các đại biểu thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chiều 15/11, thảo luận tổ về dự án Luật thanh niên sửa đổi, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu để giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên cho một bộ có chức năng và hoạt động phù hợp hơn, gắn với thanh niên nhiều hơn. 

Theo dự thảo Luật giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo điểm b khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật; tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc giao Bộ Nội vụ quản lý Nhà nước về thanh niên không thực sự phù hợp. Bởi Bộ Nội vụ chủ yếu gắn với lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương; quản lý địa giới hành chính rồi cán bộ công chức, viên chức; văn thư lưu trữ… Bên cạnh đó, Thanh niên là một trong những lực lượng đông đảo nhất của xã hội, quyết định tương lai của cả quốc gia, dân tộc. Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng cần nghiên cứu để giao công tác quản lý nhà nước về thanh niên cho một cơ quan khác phù hợp hơn: “Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH là 2 bộ có chức năng gắn với thanh niên, thì nên chăng là bộ nào? Hay là nên chăng có một bộ Thanh niên. Hiện nay chúng ta chưa có Bộ thanh niên thì việc giao cho Bộ nào quản lý cần nghiên cứu thêm...”

Về độ tuổi thanh niên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thông tin về độ tuổi thanh niên ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên để đại biểu Quốc hội có căn cứ quyết định. Dự thảo Luật quy định tiêu chí về thanh niên có tài năng, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách nhằm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, đãi ngộ. Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng nên có chính sách ưu đãi để thu hút thanh niên có tài năng vào phục vụ lực lượng vũ trang. “Nếu như mình có chính sách thì những thanh niên đang học ĐH hay tốt nghiệp loại giỏi có chuyên môn cao, quân đội cần thì phải có chính sách ưu đãi mới thu hút lực lượng này phục vụ cho Quân đội được...”

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung này trong dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung như đề nghị của Chính phủ nhằm tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động thẩm định, thẩm tra đối với từng loại văn bản cụ thể. Về dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị giữ quy định phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh như hiện nay nhằm giúp các cơ quan, đại biểu Quốc hội đánh giá tổng thể những vấn đề điều chỉnh và thực thi khi luật, pháp lệnh ban hành và có hiệu lực. Nếu bỏ quy định này thì việc ban hành văn bản quy định chi tiết vốn đã chậm như thời gian qua sẽ có thể còn chậm hơn: “Hầu hết các dự án luật có thông tư giúp ĐBQH biết hướng của Chính phủ quy định như thế nào, có phù hơp hay không, từ đó giúp cho việc thông qua dễ dàng và minh bạch hơn.”

Ngọc Ánh

VOH

Bình luận

Đọc Báo