Lớp học tình thương của ông bà Tư - Thời sự 11g00 11/11/2019

(VOH) - Hơn 20 năm qua, lớp học tình thương của ông Huỳnh Văn Phê và bà Huỳnh Thị Lành (nay đã gần 80 tuổi) đã quá quen thuộc với người dân ở làng Đại học Thủ Đức.

Một lớp học tình thương mở ra dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường với tình thương của hai ông bà giáo ở cái tuổi “gần đất xa trời” đã giúp cho biết bao thế hệ học trò biết đến con chữ. Sau đây, mời quý vị nghe bài của Phóng viên Minh Hiệp giới thiệu về Lớp học tình thương của ông bà Tư:

Ông Huỳnh Văn Phê hay còn gọi là ông Tư quê gốc vốn ở Bến Tre, sau khi kết hôn vì cuộc sống ở quê quá khó khăn nên hai vợ chồng quyết lên Sài Gòn lập nghiệp. Sống trong một khu nghèo, thương các em nhỏ vì điều kiện gia đình khó khăn không được đến trường, năm 1994, hai vợ chồng ông Tư quyết định mở lớp dạy học ngay tại nơi mình ở, lúc đầu lớp học chỉ là ngôi nhà bảo vệ nhỏ, trên mảnh đất ở xóm lò gạch do công ty cho mượn tạm.

Thế là lớp nho nhỏ được dựng lên và gắn bó với ông bà Tư đến nay, nhờ sự đóng góp của nhiều người mà lớp học tình thương được mở ra 2 phòng học, với gần 60 em học sinh từ mẫu giáo 4-5 tuổi đến tiểu học. Các em từ mẫu giáo đến lớp 2 học một phòng, lớp 3, 4 một phòng. Trò nào hết lớp 4, ông sẽ liên hệ với trường Tiểu học Đông Hòa gần đó cho vào học lớp 5, rồi học tiếp tục lên nữa.

Bà Tư từng là giáo viên, còn ông Tư học tại Sài Gòn nên việc giảng dạy cho các em nhỏ không quá khó khăn với ông bà. Lúc đầu, lớp dạy miễn phí cho các em khi ông vẫn còn đi làm, vẫn có thu nhập. Đến năm 1997 công ty giải thể không trả lương cho ông, cuộc sống lúc đấy vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi vừa không có thu nhập lo cho gia đình, mà còn phải lo cho lớp học. Thế nhưng bằng tình thương của một người thầy giáo, ông bà vẫn cố gắng trồng thêm cây trái, chăn nuôi, kiếm thêm thu nhập để duy trì lớp học. Thỉnh thoảng cũng có các bạn sinh viên ở các trường Đại học gần đấy đến giúp phụ kèm các em. Rồi nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ các dụng cụ học tập cho các bé, giúp ông bà có thêm động lực để tiếp tục duy trì lớp học.

Ông Tư chia sẻ lý do mở lớp học là do các bé theo học đều theo cha mẹ từ quê lên Thành phố, nhiều gia đình là lao động nghèo, phần lớn không đủ điều kiện cho con đến lớp. Cha mẹ bận rộn, chúng không được đi học, lông bông ngoài đường, không có cái chữ sợ mai mốt các em khó thành người tốt. Nhờ tấm lòng của ông bà Tư mà nhiều đứa trẻ ở đây đã biết đọc, biết viết và tiếp tục con đường học vấn của mình. Ông Trịnh Văn Sái, quê ở An Giang gởi con vào lớp học tình thương bày tỏ:

Băng 14s (Giờ mình khổ, mình mong cho nó biết chữ, khôn ngoan với người ta được rồi, còn có khả năng mình tính tiếp. Giờ có trường ở đây cũng đỡ, chứ giờ đưa vô trường kia sao khả năng đâu vô nổi.)

Thương cho sự hi sinh của hai ông bà lớn tuổi tận tụy với nghề, bà con xung quanh hỗ trợ 15.000 đồng mỗi tháng phụ giúp ông bà, để mua sách vở cho các bé đến lớp. Nhờ sự dạy dỗ tận tình của ông bà Tư mà các bé đã biết đọc, biết viết, là niềm vui của những gia đình xa xứ về đây làm ăn sinh sống.

Niềm hạnh phúc với ông bây giờ chỉ đơn giản là ngày ngày được nhìn các em đến lớp, cười đùa, ngoan ngoãn học hành. Dù bản thân cuộc sống riêng của gia đình ông có khó khăn như thế nào thì ông vẫn luôn cố gắng hết sức cho lớp học mà cả đời ông bà dành hết tâm sức này. Lứa học trò mà ông bà Tư dạy giờ đây đã có người thành tài, có người học ở trường Đại học danh tiếng, mọi người lâu lâu vẫn thường ghé về thăm ông bà. Chỉ vậy thôi cũng đủ thêm động lực để hai ông bà cố gắng tiếp tục duy trì lớp học tình thương.

Với cái tuổi “gần đất xa trời”, hai ông bà luôn lo lắng không biết có thể duy trì lớp học được bao lâu, rồi khi không dạy tụi nhỏ, rồi tương lai tụi nhỏ sẽ ra sao. Lo lắng cho tụi nhỏ nhiều hơn khi sức khỏe hai ông bà ngày càng yếu nhưng với ông Tư thì còn sức là còn dạy cho tụi nhỏ. Ông Tư- Huỳnh Văn Phê khẳng định "Tui sẽ dạy đến khi nào tui không còn sức nữa thì thôi".

Hơn 20 năm gắn bó, dành hết tâm sức cho lớp học tình thương này, đến tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, được an dưỡng tuổi già, thì với ông bà Tư lại là những ngày đứng trên bục giảng, những buổi tối trằn trọc lo lắng cho những đứa trẻ mà ông bà xem nó như cháu nhỏ trong nhà. Với tình cảm, tâm huyết của mình, ông bà Tư đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen về sự nghiệp giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Đó là sự ghi nhận và niềm động viên rất lớn của ông bà Tư hết lòng đem cái chữ đến với học sinh nghèo.

VOH

Bình luận

Đọc Báo