Hiến kế để TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế (bài 1) - Thời sự 5g30 20/08/2019

(VOH) - Xây dựng một thị trường tài chính luôn là chính sách quan trọng của Chính phủ. Thế nhưng sau gần 20 năm ấp ủ, đến nay thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu lại kế hoạch này.

Theo các chuyên gia, Thành phố cần có sự thay đổi trong hướng tiếp cận, cần nương theo biến động, xu thế của khu vực và thế giới và cần thêm vai trò của Chính phủ vào để việc đệ trình Đề án được thuận lợi, đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, của khu vực và dần dần khẳng định vị thế trên thế giới. Mời quý vị nghe bài 1 của loạt bài: Hiến kế để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế do Phóng viên VOH thực hiện, nhan đề: Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế phải là vấn đề quốc gia.

Thời sự 5g30, trung tâm tài chính quốc tế , nghe thời sự VOH

Ảnh minh họa: baodautu

Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% dân số 0,6% diện tích, nhưng thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp 14% xuất khẩu, tạo ra 24% GDP cả nước, 27% số thu ngân sách, chiếm hơn 14% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Thêm vào đó, Thành phố lại có vị thế rất đặc biệt, nằm giữa vùng Đông Nam Bộ chuyên về công nghiệp, nằm giữa vùng Tây Nam Bộ chuyên về nông nghiệp, bên cạnh đó còn có vùng Tây Nguyên tạo ra trung tâm giao dịch hàng hóa đối với các ngành nghề truyền thống như: cá, cà phê, gạo, các nông sản khác. Những yếu tố này cho thấy thành phố đang có một vị thế kinh tế nổi trội, có đủ điều kiện, bệ đỡ trở thành một trung tâm tài chính. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, với các lợi thế này, thành phố hoàn toàn có thể phát triển trung tâm tài chính hàng hóa hoặc thị trường tài chính - công nghệ: “Một trong những lĩnh vực đột phá mà chúng tôi muốn đề cập đó là Fintech – kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Thực tế đây sẽ là xu thế, tương lai của ngành tài chính. Tôi tin rằng với năng lực sẵn có của thành phố, về con người, chất xám… chúng ta có đủ cơ sở để tiến vào địa hạt này. Tất nhiên, chúng ta cần có chính sách có tính hỗ trợ như: khuôn khổ pháp lý, quy định điều tiết để có thể vươn tới các chuẩn mực quốc tế. Đó là những điều mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Trung ương. Nhưng tôi tin là Trung ương với các định hướng chính sách từ trước đến giờ, cũng rất ủng hộ thành phố trong việc biến Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực, quốc gia và quốc tế”.

Tiến sĩ Lê Hồng Giang, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Quỹ đầu tư TGM ở Úc cũng khẳng định, xu hướng tương lai của thị trường tài chính thế giới sẽ là tài chính công nghệ. Theo ông, giới hạn về tài chính ngày càng bị xóa mờ. Một công ty tài chính ở thành phố Hồ Chí Minh có thể phục vụ khắp thế giới. Kế đến, đầu vào của tài chính không chỉ là tiền mà là số liệu, và Việt Nam có thể có dữ liệu riêng và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thế giới. Ngoài ra, với việc phát triển tài chính công nghệ, khả năng từ một thị trường nhỏ có thể bung ra phát triển trên thế giới là rất có thể: “Tôi nhìn thấy một xu hướng mới trên thị trường đó là dịch vụ tài chính chuyển từ cụm tập trung thành chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường tài chính cũng như vậy. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể nhảy vào chiếm một mắc xích trong dịch vụ tài chính đó. Nếu nhanh chóng chiếm được mắc xích có hàm lượng chất xám cao hoặc có giá trị gia tăng cao, thì vô hình trung, trung tâm tài chính của thành phố, hoặc là hoạt động tài chính ở trong nước sẽ có tầm ảnh hưởng trên thị trường quốc tế và khu vực”.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường tài chính đã có những tiền đề quan trọng để tăng trưởng, phát triển khi từ năm 2001. Lúc đó, Thành phố đã xác định tài chính là một trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố. Đến nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân đạt 8,8%/năm và chiếm tỷ trọng 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của Thành phố. Ngành tài chính giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời đóng góp khá nhiều về cơ chế, chính sách cho quá trình hội nhập quốc tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Song, nhìn chung thị trường tài chính thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn. Việc xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực vẫn chưa thể thực hiện. Vì sao việc thực hiện lại khó đến vậy trong khi thành phố đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết? Trả lời cho câu hỏi này, với góc nhìn của một doanh nhân, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài thẳng thắn nói tại hội thảo xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nếu trung tâm tài chính mà chỉ cô đọng lại ở thành phố thì sẽ gặp vướng mắc. Ông đề xuất nên thêm vai trò của Chính phủ vào, nếu không Thành phố cứ mãi loay hoay trong việc đệ trình đề án thì sẽ rất khó khăn: “Nên chăng là xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu không, chúng ta sẽ bị vướng nữa. 20 năm rồi, chúng ta không làm được. Thành phố Hồ Chí Minh cũng phục vụ quốc gia và quốc gia cũng phục vụ Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù thành phố có được cơ chế đặc thù nhưng vẫn khó thành công. Vậy nên, mở rộng một chút nữa thì có thể sẽ phát triển được”.

Việt Nam đang ở giai đoạn "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", có sự phát triển mạnh mẽ và có cả yếu tố con người sẵn sàng để phát triển thành phố, cả về phía lãnh đạo, người dân và kiều bào. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơm – Trường Đại học Kinh tế Thành phố cho rằng:

 “Chúng ta luôn có niềm tin chắc rằng, các bộ ngành ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh để thành phố xứng đáng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng nếu từng chính sách của các bộ ngành tích hợp lại với nhau thì nó sẽ có một độ trễ nhất định. Và như vậy đòi hỏi phải có những quyết sách, đại chính sách từ Trung ương, từ Bộ Chính trị và Chính phủ, chỉ có như thế thì Thành phố Hồ Chí Minh không bị trôi xa khỏi dòng chảy phát triển các nước trên thế giới”.

Trung tâm tài chính trong tương lai, không chỉ đơn thuần là không gian về đô thị mà là một hệ sinh thái về tài chính. Nơi đó, sẽ thực hiện và hỗ trợ các dịch vụ tài chính xuyên biên giới theo các chuẩn mực quốc tế. Đó cũng sẽ là nơi tập hợp được các cung – cầu – sản phẩm có các công ty tài chính hàng đầu đến để thực hiện các giao dịch, có dịch vụ tài chính đa dạng đi theo xu thế lớn của thời đại./.

Lệ Loan

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo