Giải thưởng sách thiếu nhi, góp phần tạo thói quen đọc cho trẻ - Thời sự 5g30 18/08/2019

(VOH) - Hiện nay, các nhóm tác giả viết sách cho đối tượng thiếu nhi không nhiều, tỷ trọng sách trong nước thấp so với tỷ trọng sách mua bản quyền từ nước ngoài dịch cho đối tượng trẻ nhỏ.

Nhằm chăm lo cho các em thiếu nhi, giúp nâng cao văn hóa đọc, niềm tin đọc sách ở lứa tuổi nhỏ, thành phố có kế hoạch trao giải “Giải thưởng sách thiếu nhi 2019”. Trong đề án này, có 4 hạng mục trao giải, bao gồm sách nghiên cứu về đối tượng thiếu nhi, sách kiến thức dành cho thiếu nhi, sách kỹ năng dành cho thiếu nhi và sách văn học. Giải thưởng sách thiếu nhi, thành phố đã thể hiện quyết tâm, sự chăm lo dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Để có thêm thông tin về giải thưởng này, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt – người viết đề án Giải thưởng sách thiếu nhi.

*VOH: Thưa bà, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã có kế hoạch là quyết định trao giải thưởng sách thiếu nhi 2019. Bà là người viết đề án này, bà nói lý do để chọn và mục đích của giải thưởng sách thiếu nhi lần này?         

- Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: Giải thưởng sách thiếu nhi xuất phát từ trong một cuộc hội thảo. Tôi có đề xuất ý tưởng là Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố gần như lớn nhất nhì trong cả nước, nhân chúng ta thực hiện chính sách đặc thù của thành phố thì tôi đề nghị với lãnh đạo Thành ủy là nên có một giải thưởng sách thiếu nhi của thành phố. Đối với đối tượng thiếu nhi hiện nay, nếu theo thống kê của ngành giáo dục thì ở cấp mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 thì hiện nay con số lên khoảng hơn gần 20 triệu người trong cả nước. Trong khi đó, lượng sách dành cho đối tượng thiếu nhi theo thống kê của ngành xuất bản chiếm tỉ trọng rất thấp, nó chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng thiếu nhi ở mảng sách này, lẫn cả về mặt chất lượng. Do vậy, tôi thấy rằng cần thiết phải có một giải thưởng để động viên và khích lệ, trước hết là đối với những người làm sách để đầu tư nhiều hơn cho những đầu sách cho nhóm đối tượng này, đây là nhóm đối tượng mầm non, tương lai của đất nước. Thứ hai là đối với chính nhóm đối tượng này, cần phải được tạo lập thói quen và tiếp cận với sách nhiều hơn nữa; các em như một tờ giấy trắng cần phải được bồi bổ, trang bị kiến thức, hoàn thiện nhân cách để trở thành một con người phát triển toàn diện. Thì trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất ý tưởng đó và cũng may mắn là trong cuộc hội thảo đó, anh Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư Thành ủy, là chủ trì đã đề nghị tôi là người chắp bút viết đề án đó.

*VOH: Bà kỳ vọng như thế nào đối với giải thưởng sách thiếu nhi 2019?         

- Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: Từ mục đích ban đầu là muốn có nhiều sách hay và sách tốt, sách chất lượng dành cho đối tượng mà cần phải thật sự quan tâm. Thứ hai là để kêu gọi những nhà làm sách đầu tư nhiều hơn nữa cho mảng sách thiếu nhi. Thứ ba là kêu gọi và khích lệ tác giả viết sách cho đối tượng này. Với giải như thế này, rõ ràng là sẽ được trao cho ai, trao cho những nhà xuất bản, những công ty sách là những đơn vị tổ chức và là chủ sở hữu của những tác phẩm viết cho thiếu nhi; thứ hai là trao cho các tác giả, là những người có những công trình, có những tác phẩm viết cho thiếu nhi trên những hạng mục mà giải dự kiến trao.         

*VOH: Về giải thưởng sách thì có các hội nghề nghiệp như là Hội nhà văn, hay là liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật thì cũng được tổ chức hàng năm, trao giải hàng năm. Vậy thì giải thưởng sách thiếu nhi 2019 có điểm gì khác biệt hơn?         

- Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: Với giải thưởng cho sách thiếu nhi, hiện nay chưa có một cái giải thưởng đặc thù riêng dành cho đối tượng này. Nếu có chăng là một là giải thưởng sách hay, sách đẹp do cục xuất bản tổ chức hàng năm, thì hạng mục sách thiếu nhi chỉ nằm trong một loạt các hạng mục của cục xuất bản và hội xuất bản trao giải thưởng cho sách hay và sách đẹp hàng năm. Đơn vị thứ hai trao cho sách thiếu nhi là đơn vị giải sách hay mà chúng tôi tổ chức, một giải thưởng nhân sự, là một trong bảy hạng mục mà được trao hàng năm. Thứ ba là có thể các hội văn học – nghệ thuật của thành phố, của các tỉnh có một hạng mục trao cho sách, chủ yếu là sách văn học dành cho thiếu nhi. Như vậy, rõ ràng là giải thưởng này khác so với những giải thưởng đã từng tổ chức, một là giải thưởng độc lập chỉ dành cho thiếu nhi và thứ hai có thêm nhiều hạng mục không chỉ là sách văn học, mà gồm cả sách nghiên cứu, sách viết về khoa học, về kiến thức cho thiếu nhi, sách viết về kỹ năng cho thiếu nhi và sách văn học. Và thậm chí sách văn học thì trao cho nhiều hạng mục, truyện tranh cũng trao, tranh truyện cũng được trao, truyện ngắn cũng được trao, truyện dài viết cho thiếu nhi cũng được trao.

Sự đặc thù của giải thưởng này và với tầm quy mô của một giải thưởng của một thành phố trao tặng thì rõ ràng đây là một sự khác biệt, với cái sự khác biệt như thế, với mục đích, với các hạng mục, các giải thưởng được trao định kỳ 2 năm 1 lần thì tôi kỳ vọng rằng đây là một giải mang tính đột phá của thành phố. Hy vọng rằng việc tổ chức được bài bản, chuyên nghiệp thì đây cũng sẽ là một cú hích cho ngành xuất bản nói chung, quan tâm nhiều hơn đối với đối tượng thiếu nhi, ở cả những đơn vị xuất bản, ở cả quy hoạch của ngành. Thật ra, việc quy hoạch của ngành xuất bản thực sự cũng chưa đầu tư nhiều cho đối tượng thiếu nhi, các đơn vị làm sách cũng chưa đầu tư cho đối tượng thiếu nhi và thậm chí các tác giả viết sách cho thiếu nhi vẫn cảm thấy chưa mặn mà, hoặc là còn khó khăn quá thì tôi nghĩ đây sẽ là cú hit tạo ra một bước chuyển động cho rất chi đối với đối tượng này, chúng ta quan tâm các tác phẩm dành cho chính các cháu. Khi làm được điều này thì tôi nghĩ những mục tiêu mà chúng ta đặt ra là tạo thói quen đọc, tạo kỹ năng đọc cho giới trẻ và đặc biệt là chúng ta chuẩn bị ngay từ lứa măng non như thế là đầu tư bài bản, đường dài, chiến lược và căng cơ.

*VOH: Với giải thưởng sách thiếu nhi 2019, bà đánh giá giải thưởng sẽ tác động như thế nào đối với văn hóa đọc, niềm tin đọc sách của trẻ nhỏ?         

- Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: Hiện nay sự chuyển động về nhận thức, cũng như hành động cho đối tượng thiếu nhi thông qua sản phẩm dành cho đối tượng này đang có những chuyển động tốt. Tôi nghĩ là giữa những sự chuyển động này, đây là những tín hiệu lạc quan ban đầu và cùng theo giải thưởng sách thiếu nhi của thành phố thì sẽ tạo thêm một tổng lực để chúng ta làm được nhiều việc hơn cho đối tượng, và nói như Bác Hồ nói là khi mà chúng ta chưa có thể tạo sự công bằng cho mọi người thì hãy chăm sóc đối tượng trẻ em và người già. Thì đây cũng là một đối tượng cần phải hết sức quan tâm, bởi chính các cháu, các em sẽ là mầm non, là những người chủ tương lai của đất nước, những người chủ mà có nền tảng về tri thức, về kỹ năng và về nhân cách, để tạo ra một thế hệ trẻ của Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ chuyện này là một đầu tư khá bài bản và chiến lược.

*VOH: Cảm ơn bà.

Ngọc Bích

Bình luận

Đọc Báo