Tương lai của lao động nông thôn: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0 (P2) - Thời sự 5g30 20/02/2020

(VOH) - Nền nông nghiệp 4.0 đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, thành thạo trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Vấn đề đặt ra yêu cầu trong giai đoạn tới đây về đào tạo nghề nông nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng. Trong 10 năm trở lại đây, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 717.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo trong tổng số 847.000 lao động nông thôn, đạt tỉ lệ 84%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian vừa qua đã có nhiều kết quả khả quan, cung cấp các kiến thức chuyên môn - kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn được nhận định như: công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Một số lao động khi được hỗ trợ chi phí học nghề còn tâm lý chưa chấp hành tốt nội quy học tập, không đi học đều hoặc bỏ học giữa chừng. Hoặc học xong nghề nhưng không sống được bằng nghề đó. Mời quý vị nghe bài 2 cũng là bài cuối của loạt bài “Tương lai của lao động nông thôn: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0”, với nội dung phỏng vấn giữa Phóng viên Phương Dung với Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh:

 *VOH: Thưa ông, trong bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các lĩnh vực, vậy ông đánh giá hiệu quả lao động của riêng thanh niên nông thôn trong tình hình hiện nay ra sao?

 Tiến sĩ Từ Minh Thiện: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay chưa được phổ biến để người lao động nông thôn hiểu rõ những yêu cầu của cuộc cách mạng này đặt ra như thế nào? Hoặc là những yêu cầu thay đổi về mặt công nghệ đặt ra với người lao động là sẽ cần những thay đổi nào về mặt tư duy, kỹ năng, kỹ năng mềm và liên quan đến những kiến thức chung về sự thay đổi trong cuộc cách mạng 4.0. Tôi nghĩ vấn đề này với thanh niên nông thôn hiện nay phải thật cụ thể để chúng ta cung cấp cho họ biết. Thí dụ như trong sản xuất nông nghiệp hiện nay những thay đổi liên quan đến công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp nó theo hướng như thế nào và cụ thể là những biện pháp kỹ thuật nào được ứng dụng và những xu thế ở các nước cũng như nó sẽ đến với Việt Nam chúng ta như thế nào để thanh niên nông thôn cũng như người lao động nông thôn họ hiểu được vấn đề đó để họ thay đổi dần trong suy nghĩ, trong tư duy và từ đó có thể thay đổi được trong tâm thế của mình trong việc chuẩn bị để có thể thích ứng với sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 *VOH: Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì đòi hỏi và yêu cầu đối với lao động ở lĩnh vực này như thế nào?

 Tiến sĩ Từ Minh Thiện: Ở Thành phố Hồ Chí Minh cái nông nghiệp nó khác nhiều với các tỉnh khác. Nông nghiệp Thành phố là nông nghiệp mang tính đô thị nó đòi hỏi chi phí cơ hội của sản xuất nông nghiệp rất lớn. Tại vì người ta luôn cân nhắc giữa sản xuất nông nghiệp với việc bán đất đai, áp lực của đô thị hóa, những cái xu hướng mà biến đất đai thành bất động sản v.v...Người ta phải suy nghĩ rất nhiều để có thể quyết định là có nên đầu tư nông nghiệp một cách lâu dài hay không. Vì vậy cái tác động của 4.0 đối với nông nghiệp Thành phố nó khác nhiều lắm. Đòi hỏi Thành phố phải lựa chọn cây trồng vật nuôi có hiệu quả và mang tính bền vững. Thứ hai là nó thích ứng với nhu cầu của người dân đô thị và có thị trường tốt. Quan trọng là thị trường tốt cho những sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay Thành phố có xu hướng chuyển sản phẩm một số cây con chủ lực tôi nghĩ nó phù hợp với điều kiện của Thành phố. Tuy nhiên, chúng ta nên đồng bộ hóa cho chuỗi giá trị sản phẩm đó để sản phẩm đó được hoàn chỉnh và những người lao động họ hiểu được trong sản phẩm đó họ nắm từ khâu đầu vào cho đến khâu sản xuất và hiểu được vấn đề phân loại, đóng gói, vận chuyển, bao bì và phân phối rồi tiêu thụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Nếu hiểu được họ sẽ biết họ tham gia vào quá trình đó nó như thế nào để có hiệu quả cao nhất. Cái vấn đề chúng ta quan tâm chính ở đây là làm sao có cơ hội việc làm cho người nông dân và họ phải sống được bằng chính cơ hội việc làm đó chứ không chỉ riêng họ có được cái nghề. Có thể hó có 1 nghề hoặc nhiều nghề nhưng họ không sống được bằng cái nghề đó thì chắc chắn chúng ta không đạt được hiệu quả mong muốn.

 *VOH: Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, dự báo đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn, đồng thời kèm theo thách thức về nguy cơ mất việc làm, nhất là trong những ngành nghề, việc làm giản đơn. Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị, cải thiện nguồn nhân lực đáp ứng “sân chơi” 4.0 trong thời gian tới? 

 Tiến sĩ Từ Minh Thiện: Cái này là xu thế tất yếu thôi. Chúng ta muốn hay không muốn thì nó cũng sẽ đến. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu và nhận thức được nó và có sự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đó. Khi cách mạng công nghiệp 4.0 vào thì họ sẽ ứng dụng nhiều vấn đề khoa học công nghệ rồi những tiến bộ về kỹ thuật để họ giảm bớt cái lao động chân tay và tăng năng suất vì vậy sẽ có một số nghề sẽ bị máy móc thay thế nhưng vẫn sẽ có một số nghề vẫn phát triển bình thường. Vấn đề là chúng ta cung cấp cho lao động nông thôn và thanh niên nông thôn họ hiểu được chuyện đó để họ biết cách ứng dụng trong tương lai và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ đó. Chứ không thể nào chúng ta đi ngược lại quy trình đó.

 *VOH: Để tăng năng suất lao động, hiệu quả và thu nhập cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Bên canh sự vào cuộc của các ngành chức năng, theo ông, lực lượng lao động phổ thông cần làm gì để phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0? 

 Tiến sĩ Từ Minh Thiện: Bên cạnh đó chúng ta phải biết những kỹ năng cần thiết không chỉ là trong sản xuất nông nghiệp hoặc chúng ta có một kỹ năng về phi nông nghiệp v.v.....mà chúng ta phải biết thị trường đang cần gì. Dĩ nhiên điều này cũng khó đối với người nông ân để có một cái nhìn toàn diện. Nhưng về phía cơ quan quản lý nhà nước ít nhất phải có khảo sát về nhu cầu đào tạo trong xã hội. Khảo sát được xu hướng phát triển để cung cấp thông tin đó lại cho người nông dân. Dựa trên thông tin đó người nông dân sẽ tự quyết định chúng ta nên sản xuất cái gì, làm cái gì? Làm cái nghề nào mà hiện nay nhu cầu của thị trường đang cần và có thể kiếm sống được bằng cái nghề đó. Kiếm sống được tức là chúng ta phải biết khách hàng của chúng ta là ai, thị trường của chúng ta là ai? Và chúng ta cung cấp sản phẩm có gì khác biệt với những người khác tạo cho người nông dân, thanh niên ở nông thôn họ phải có kỹ năng không chỉ liên qun đến vấn đề không chỉ có lao đầu vào sản xuất không đâu mà phải có kỹ năng để nắm bắt được những thông tin, tìm hiểu được thị trường đang có nhu cầu cũng như là biết được thông tin về đối tượng chúng ta sẽ cung cấp dịch vụ hay những sản phẩm đó. Đó là cái suy nghĩ tích cực để người nông dân tự quyết định được họ sẽ sản xuất cái gì, họ bán cho ai và bán như thế nào. 

*VOH: Xin cám ơn ông!

Phương Dung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo