Vì sao bị tê tay khi ngủ?

[Y khoa ai nghe cũng hiểu] - Nếu bạn bị tê tay trong khi ngủ hoặc sau khi thức giấc có thể do bạn ngủ gối quá cao, hoặc tư thế ngủ ngoẹo đầu làm cho động mạch vùng cổ và một vài dây thần kinh cổ cánh tay bị chèn ép.

Một hôm nào ngủ mà tư thế của chúng ta không đúng, tay ở một tư thế bất thường: mình nằm lên tay mình hoặc để người khác nằm lên tay và xuất hiện một tình huống đó là tê tay khi ngủ.

Chuyện này rất thường xuyên, mà không phải chỉ nam giới đâu, nữ giới cũng bị. Thật ra nam giới bị nhiều hơn, nhưng nữ giới cũng vẫn hay bị.

Tại sao chúng ta lại bị tê tay vào ban đêm?

Có một hội chứng nghe tên khá là mỹ miều là “hội chứng tối thứ 7”. Ngày xưa người ta sống rất khó khăn, các ông chồng phải đi làm xa và thường tối thứ 7 mới được về nhà. Các thầy thuốc mới thấy là những người nam giới trẻ tuổi không hiểu tại sao thì cứ sáng chủ nhật ra họ lại bị tê ngón tay và liệt, không duỗi cổ tay lên được, không duỗi ngón cái lên được. Người ta không biết tại sao lại có những triệu chứng liệt của thần kinh quay. Bác sĩ khi đó hay tò mò, mới hỏi tới hỏi lui rằng: “Anh ngủ sao mà tay bị liệt?” thì các anh trả lời chỉ ngủ thôi mà sáng ra là thấy bị liệt rồi. Có một ông bác sĩ mới hỏi tới luôn và gặp một anh này cũng thật thà trả lời rằng: “Dạ, em mới cưới vợ mà em đi làm xa, tới tối thứ 7 mới về nhà ngủ chung với vợ. Mà vợ em nó gác đầu lên tay em.” Ông này mới tò mò hỏi rằn gác lên tay chỗ nào, thì thông thường thì người ta gác lên vai, nhưng cô này thì lại gác lên cánh tay.

Chúng ta biết rằng, cánh tay có vùng thần kinh quay chạy sát phần xương. Khi chúng ta nằm như vậy thì cái đầu cứng đè lên, phần xương bên dưới cũng cứng nên thế là thần kinh quay bị kẹt giữa hai vật cứng. Thần kinh quay này rất dễ bị liệt, khi chúng ta bị gãy cánh tay, hay đụng nhẹ tí xíu thôi là bị liệt liền, bác sĩ mổ nhiều khi thấy thần kinh quay này cũng không dám bóc nó ra vì bóc nó ra là hôm sau bệnh nhân bị liệt liền. Thần kinh quay này thì các bác sĩ chấn thương chỉnh hình nhìn thấy nó phải nói là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Thế thì, buổi sáng thức dậy nó bị liệt. Nhưng 1, 2 tuần sau thì nó lại trở lại bình thường. Vì đây chỉ là liệt tạm thời do bị đè ép, khi mà hết bị đè ép thì hết bị. Nếu chúng ta tê ngón 1, 2, 3, và một phần ngón 4, cổ tay không nhấc lên được thì coi chừng chúng ta bị Hội chứng tối thứ 7, là do chúng ta cho người nào đó ngủ nằm đè lên cánh tay.

Trường hợp thứ hai là do chính cách chúng ta nằm. Có nhiều người không nằm gối hoặc nằm gối rất thấp,  họ lại có cái tật là hay gối đầu lên cánh tay của chính mình. Và khi gối đầu trên cánh tay của chính mình thì cái khuỷu nó phải gấp, và người ta sẽ gối lên mặt trong của cánh tay thì lúc đó chúng ta sẽ bị tê ngón út, tê như điện giật, và khi chúng ta bỏ tay ra duỗi tay xuống thì ngón út mới hết tê. Trong trường hợp này là do thần kinh trụ bị chính đầu chúng ta đè lên và khi cái khuỷu gấp thì thần kinh trụ nằm ngay phía sau của khuỷu, ngay cục trương khuỷu thì thần kinh trụ sẽ bị gập và căng ra, gây ra triệu chứng tê của ngón tay.

Một số trường hợp, khi người ta ngủ, họ không có xuôi tay, họ để tay lên đầu hoặc giơ thẳng tay lên đầu thì họ bị tê cả bàn tay luôn. Nguyên nhân là ở nách chúng ta có một đám thần kinh chằng chịt đi xuống chi phối cả vùng bàn tay, cánh tay và cẳng tay, khi chúng ta giơ tay lên đầu như vậy và chúng ta còn nằm nghiêng sang một bên cánh tay bên đó nữa thì đám rối thần kinh cánh tay này bị căng ra và sẽ gần như tê hết các sợi thần kinh và lúc đó chúng ta tê nguyên cả bàn tay.

Đó là những trường hợp thật sự tê ở bàn tay. Nhưng có một trường hợp khác là ở phụ nữ, thường là phụ nữ ở tuổi trung niên trở lên, sáng ngủ dậy hay nói họ bị tê bàn tay, tê ở 5 đầu ngón tay và tê cứng. Chính xác là họ không phải bị tê mà là bị cứng, tức là khi mình ngủ dậy, ngón tay không còn mềm dẻo như ngày trước, mình co vô nhiều khi ngón tay rất cứng và nhiều người phải co bóp một thời gian mới mềm ra được và thời gian ngón tay mềm ra được mới quyết định bệnh nhân bị bệnh gì.

Nếu thời gian ngón tay mềm ra mà sáng sớm dậy phải chờ tới nắng lên tay mới cử động được bình thường thì coi chừng bị viêm khớp dạng thấp vì viêm khớp dạng thấp phải cứng khớp vào buổi sáng hơn 1 tiếng đồng hồ, và trường hợp như vầy thì chỉ khoảng 2% thôi. Còn những người bị thoái hóa khớp thì nhiều hơn rất nhiều và phụ nữ khi họ ngủ dậy, họ cảm thấy sượng ngón tay nhưng chỉ cần co bóp ngón tay một chút xíu thôi,  thì ngón tay sẽ cử động lại bình thường. Họ để ý thấy mới đầu là buổi sáng, nhưng về sau ngủ trưa hơi lâu tí cũng bị. Đặc điểm của thoái hóa khớp là khi chúng ta để yên khớp, sau một thời gian chúng ta cử động, thì nó gặp hiện tượng giống như rỉ sét ổ khóa vậy, và chúng ta chỉ cần co duỗi ngón tay một hồi nó sẽ mềm trở lại và khi đó hết tê. Vậy thì chuyện tê ở đây nói chính xác đó là cứng.

Giải đáp thắc mắc

* Tôi 65 tuổi. Cách đây khoảng 5 năm thì tôi bị có dịch ở đầu gối nên nó sưng đỏ lên, sau đó đi Bác sĩ thì người ta hút dịch và cho uống thuốc. Nhưng 1, 2 tháng sau nó lại bị lại, bác sĩ lại cho hút dịch. Đến bây giờ thì không còn có dịch và sưng đỏ nữa, nhưng cứ khoảng 3, 4 tháng là nó lại mỏi và mỏi rất nhiều. Và khi mỏi quá, đến Bác sĩ thì họ lại chích Corticoid cho tôi thì nó ổn trong cỡ 3 tháng thì lại đau trở lại. Tôi muốn hỏi là chích nhiều như vậy thì có ảnh hưởng đến khớp gối nhiều hay không? Xin cám ơn Bác sĩ!

- TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Trường hợp của chị thì tôi nghĩ đến tình trạng dễ gặp nhất là thoái hóa khớp vì bằng chứng là thoái hóa khớp của chị đã đến giai đoạn nặng, tức là giai đoạn viêm và có dịch, sưng lên, xẹp xuống 2 lần. Bây giờ nó không sưng lên, xẹp xuống nữa mà chuyển sang cảm giác mỏi, và đôi khi cảm giác đau này lại có thể khiến mình thấy mỏi, khi nằm nghỉ thì nó bớt nhưng khi mình đi tới đi lui nhiều thì nó sẽ mỏi nhiều hơn, đặc biệt là khi đêm khuya giật mình ngủ dậy sẽ hơi đau ở khớp gối. Và người ta lại chích Corticoid vào trong khớp gối của chị thì nó lại bớt, nhưng cứ 3 tháng lại chích một lần như vậy thì nó hơi nhiều, vì Corticoid theo như khuyến cáo thì chỉ chích tối đa là 3 lần trong 1 năm thôi. Khi nó đã tái đi tái lại nhiều lần có nghĩa là cái gối đã viêm khá nặng và có nhiều khả năng là nó không còn sụn nữa.

Trong trường hợp này, theo tôi, chị nên đi tầm soát lại xem khớp gối của mình hư đến mức độ nào, nguyên nhân của dạng viêm này là do đâu, viêm do viêm khớp dạng thấp hay viêm do thoái hóa, hay là viêm do gout mặc dù phụ nữ rất ít bị. Ngoài ra, còn có thể do những bệnh lí viêm khác, đặc biệt khi đầu gối bị đau thì sẽ làm teo cơ ở đầu đùi liền, mà teo cơ ở đầu đùi thì nó sẽ làm mỏi chân ngay. Trong những trường hợp như vậy thì chúng ta cần có những biện pháp khác, ví dụ như nếu sụn còn tốt thì người ta sẽ cắft bao khớp đi và rửa sạch bên trong sụn khớp bằng nội soi, rồi người ta có thể bơm chất nhờn hoặc huyết tương giàu tiểu cầu. Biện pháp Corticoid cũng là một biện pháp chỉ định để điều trị nhưng cứ mỗi 3 tháng lại bơm một lần thì 1 năm bơm 4 lần, bơm nhiều lần như vậy thì không tốt vì Corticoid sẽ làm mau hư sụn hơn, nó làm chúng ta hết đau, hết mỏi nhưng lại tàn phá sụn nhanh hơn, và như vậy nó sẽ dẫn đến tình trạng hư khớp gối sớm hơn. Cho nên theo tôi thì chị nên đi tầm soát lại chứ không nên chích Corticoid nữa.

* Tôi năm nay 42 tuổi. Tôi có 2 vấn đề muốn hỏi Bác sĩ. Thứ nhất là tại sao tôi ngồi may, chân để dưới bàn may thì nó tê buốt bàn chân, nếu như đi dép vô thì nó đỡ, còn nếu không đi dép thì nó buốt không đứng lên được. Thứ hai là đêm tôi ngủ hay bị chuột rút, khi mình ngủ từ tối đến sáng dậy thì hai bàn chân nó buốt, tê cứng, đứng không được, phải duỗi xuống. Mong Bác sĩ giải đáp.

- TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Trường hợp của chị, khi chị ngồi lâu mà bàn chân chạm vào máy may thì nó bị tê buốt, mang dép nó đỡ hơn thì sẽ có hai vấn đề. Một là chị có bị tổn thương thần kinh, mà coi chừng là thần kinh tọa, vì theo chị mô tả thì mỗi sáng chị thức dậy sau khi ngủ thì đứng xuống giường, bị buốt bàn chân và cảm giác buốt này làm cảm giác đau kiểu thần kinh. Có một trường hợp khác nữa là chúng ta bị viêm các thần kinh ngoại biên, đa phần có thể là do bị tiểu đường hoặc chúng ta ăn uống thiếu vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 hỗ trợ cho thần kinh. Một bệnh lý khác mà chúng ta hay gặp là hiện tượng viêm cân gan chân, khi chúng ta ngồi im mà đứng dậy đi thì chúng ta sẽ bị đau nhói bàn chân, đau nhói vùng gót chân nhiều hơn, nhưng chúng ta đi một chút xíu, đi tới đi lui thì lại bớt, nhưng nếu bị quá lâu thì cũng sẽ đau thường trực.

Để xác định chị thực sự bị gì thì theo tôi, chị nên làm một số xét nghiệm sau đây. Thứ nhất là đi kiểm tra lại đường huyết. Thứ hai là đi đo điện cơ xem mình có bị viêm thần kinh ngoại biên hay không. Thứ ba là để kiểm tra thần kinh tọa thì bác sĩ có thể nghĩ đến việc chụp MRI cột sống thắt lưng. Cuối cùng, khi đi khám, bác sĩ ấn vào gót chân mà nó đau thì coi chừng là bị viêm cân gan chân.

Tùy theo chị bị cái gì thì bác sĩ sẽ có hướng điều trị, ví dụ như viêm thần kinh ngoại biên hay bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng thì có thể có những thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc hỗ trợ hệ thần kinh như vitamin B12, những thuốc dùng điều trị đau thần kinh; còn nếu bị viêm cân gan chân thì mình phải tập bằng cách đứng nhón trên mấy đầu ngón chân, đứng yên trong vòng 5 giây, nhón lên, nhón xuống như vậy, mỗi ngày tập 5-6 lần, một lần khoảng 30-40 cái thì nó sẽ đỡ nhiều. Tôi nghĩ trường hợp của chị thì nên đi khám vì nó đã có những triệu chứng rõ ràng như vậy rồi, bác sĩ sẽ cho làm hoặc chị có thể yêu cầu có những xét nghiệm như vậy để bác sĩ có thể chẩn đoán.

*Tôi năm nay 52 tuổi. Nửa tháng nay, ngón tay cái bên phải của tôi bị đau và khớp hay kêu. Tôi chưa có đi khám mà chỉ uống thuốc đau khớp thôi thì thấy không bớt. Tôi muốn hỏi là tôi bị bệnh gì và có phải là loãng xương không, thưa Bác sĩ?

- TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Tôi cũng xin nhắc lại một lần nữa là loãng xương không gây đau, khi nào nó có biến chứng mới gây đau, chứ tự bản thân loãng xương thì không hề gây đau, bởi vậy người ta mới nói nó là một đại dịch của toàn cầu vì người ta không thấy có chuyện gì thì đùng một phát lại gãy xương, hay gặp một biến cố nào đó đi đo mới thấy loãng xương. Nhưng có một điều có thể chắc chắn là trong trường hợp của chị không phải là loãng xương.

Theo kinh nghiệm của tôi, ngón tay cái của chị co vô co ra hay kêu lụp bụp như đầu bổ củi vậy thì gọi là ngón tay bật, tức nghĩa là chị ấn vô cái khớp có một cục nổi lên, ấn vô nó đau. Chị co ngón tay, nhất là vào buổi sáng, ngón tay không duỗi ra được, phải kêu một cái bụp thì mới duỗi ra được. Người ta gọi đó là ngón tay bật, ngón tay lò xo hay ngón tay cò súng. Trong trường hợp của chị, uống thuốc mà nó không hết thì bác sĩ có thể làm một tiểu phẩu nho nhỏ, chích thuốc tê, rạch một đường nhỏ để giải phóng sợi thần kinh bị kẹt thì nó sẽ hết thì sẽ co ra co vô bình thường. Một số trường hợp, người ta có thể chích Corticoid vào trong đó nhưng đôi khi nó vẫn bị đau hoặc bị trở lại. Theo tôi, chị nên đi khám để bác sĩ xem mức độ thế nào mà có thể chỉ định phẫu thuật hay chích.

* Tôi 61 tuổi. Cổ tay tôi bị đau, nhất là khi chống tay để ngồi dậy, đau buốt luôn, đã uống thuốc hơn tuần nay nhưng chưa đỡ. Buổi sáng thì ngón cái cũng hơi cứng cứng, không biết tôi bị bệnh gì, thưa bác sĩ?

TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Trường hợp của chị thì theo tôi đoán có thể là 2 bệnh sau đây. Thứ nhất là cổ tay của chị khi chị gập hay ngửa hết cỡ, tức theo chị mô tả là chị chống tay để ngồi nó sẽ bị đau, thì trường hợp này có thể là bị thoái hóa ở vùng khớp cổ tay này, và khi mình gập cổ tay thì hàng xương cổ tay nó sẽ đụng đầu dưới xương quay, nó cũng có thể gây đau, hoặc có thể do vùng khớp bị thoái hóa, bị viêm thì khi vận động hay làm việc hết cỡ sẽ bị đau. Còn một trường hợp nữa là đau mặt ngoài cổ tay, tức là ngón cái khi mình làm việc, dạng ra hết cỡ, như là ẵm em bé, hoặc lấy tay cái gãi lưng cũng đau nữa thì là mình bị kẹt gân, gọi là gân dạng dài và gân duỗi ngắn chạy vô một cái ròng rọc.

Chị nên đi khám để tìm ra nguyên nhân. Nếu bị đau ngón cái thì khá là đơn giản, ấn vào mặt ngoài cổ tay là nó đau liền và không cần phải chụp X-quang. Còn nếu như cổ tay bị thoái hóa như tôi đã mô tả thì phải chụp X-quang, đôi khi là chụp MRI, để xem trong vùng bao khớp có bị viêm hay vấn đề gì hay không, đầu dưới xương quay với vùng xương cổ tay xem có gai xương hay không, biểu hiện của những tình trạng thoái hóa làm hạn chế vẫn động cổ tay.

Trong trường hợp nếu uống thuốc mà không bớt thì thật ra chị cũng không nên quá lo lắng vì chị có thể hợp với loại thuốc này mà không hợp với loại thuốc khác, thành ra chị có thể quay lại tái khám để bác sĩ đổi loại thuốc khác cho chị, cho chị nẹp cổ tay để nghỉ ngơi, hoặc sau 2 tuần nẹp cổ tay rồi sẽ có những biện pháp tập vật lý trị liệu để lấy lại tầm hoạt động của cổ tay. Còn đối với viêm hẹp gân dạng dài, duỗi ngắn của ngón cái thì người ta có thể chích Corticoid hoặc làm phẫu thuật nhỏ để giải phóng gân thì nó sẽ bớt đau.

* Tôi năm nay 66 tuổi. Tôi bị đau cánh tay phải, đau từ khớp vai, có khi đau ở bả vai xuống đau cánh tay. Vừa rồi, bác sĩ cho đi khám, chụp MRI cổ và xác định cổ tôi chỉ bị thoái hóa không bị thóat vị và chụp phim khớp vai và cho biết khớp vai tôi không có bị thoái hóa, nhưng nó rất đau, tôi giơ tay không được và giơ ra đằng sau cũng không được. Thỉnh thoảng, đột ngột đụng vào một thứ gì đó thì rất đau. Bác sĩ có cho tôi uống thuốc nhưng uống vào thì có tác dụng phụ nên mệt lắm và làm men gan tăng. Tôi thường hay bị đau từ khớp vai đổ xuống chừng 10 cm. Xin hỏi Bác sĩ , tôi có thể điều trị bằng cách nào và dùng loại thuốc nào để bớt tác dụng phụ?

- TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Trong trường hợp của cô thì người ta đã chẩn đoán lộn rồi vì người ta chỉ tập trung vào cái cổ, chụp phim X-quang của khớp vai thì sẽ không thấy gì cả. Tôi nghi ngờ là cô bị một bệnh lý là viêm co rút bao khớp vai, biểu hiện là cô cử động khớp vai rất khó khăn, đưa tay ra sau lưng gãi hay gãi đầu rất khó, khi ngủ 2, 3 giờ sáng, nhất là khi có máy lạnh thì rất là nhức.

Nếu chính xác là viêm co rút bao khớp vai thì tôi nghĩ là phải sử dụng những loại thuốc kháng viêm mạnh hơn như những loại có Corticoid chẳng hạn. Nếu cô gặp những tác dụng phụ và gặp những bệnh lý về thận, gan hoặc không dung nạp được thuốc thì người ta có một biện pháp khác là chích trực tiếp Corticoid vào bên trong khớp vai khoang dưới mỏng cùng để điều trị. Và đặc biệt hơn là cần phải tập vật lý trị liệu thì mới hết được, vì nếu không tập thì vai sẽ càng ngày càng rút đi. Thể co rút bao khớp vai này, hay khớp vai đông lạnh này nó sẽ diễn tiến từ từ một thời gian thì nó cũng hết nhưng khoảng thời gian đó rất lâu và đau, và đôi khi nó làm mình sụt kí và stress. Do vậy, tôi nghĩ cô nên đi khám ở một bác sĩ chuyên về chấn thương chỉnh hình, chuyên về khớp vai để người ta xem xét xem có đúng hay không. Nếu cần thì cho chụp một phim MRI có bơm thuốc cảm từ vào trong khớp vai.  

VOH Online

Bình luận

  • Bui minh phuoc 05:03, 25/03/2019
    Tôi bị tê buốt tay, về đêm là tê.

Đọc Báo