Lập vi bằng khi mua bán đất: có giá trị không?

(VOH) - Trong giao dịch mua bán đất, nhà hoặc đất không đủ giấy tờ hay chưa ra sổ, có thừa phát lại lập vi bằng làm chứng thì có thể coi là chứng thực để mua bán đất hay không?

Một độc giả gửi email hỏi: Thừa phát lại làm công việc gì? Tôi thấy hiện nay có người mua bán đất hay nhà không đi công chứng ở phòng công chứng mà làm giấy để thừa phát lại làm chứng (thường là nhà, đất không đủ giấy tờ hay chưa ra sổ) sau này có thể làm giấy tờ sở hữu (sổ đỏ) được không? Thừa phát lại chứng thực trong trường hợp này có sai chức năng không?

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Về chức năng công việc mà Thừa phát lại làm theo Điều 3 Nghị định 61/2009/NĐ-CP có qui định:

“Điều 3. Công việc Thừa phát lại được làm

1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.”

Khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP):

 “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.”

Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại có những nét, những đặc điểm giống với hoạt động công chứng của công chứng viên kể cả về phương pháp tiến hành cũng như mục đích hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng không phải là hoạt động công chứng. Nếu công chứng là việc công chứng viên thay mặt nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng. Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại là lập các chứng thư (vi bằng) về những sự kiện, hành vi xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về mặt không gian và thời gian.

Ví dụ: Bên A và bên B ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó họ phải đến văn phòng công chứng, gặp công chứng viên để thỏa thuận và ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên. Sau khi hợp đồng được ký kết với sự chứng thực của công chứng viên, sau đó công chứng viên không nhất thiết phải quan tâm việc hợp đồng đó được thực hiện thế nào? việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiến hành ra sao? có vi phạm trong thực hiện các thỏa thuận không? Từ đây có thể sẽ xuất hiện vai trò của thừa phát lại. Họ có thể sẽ chứng kiến và lập vi bằng về việc chuyển giao quyền sử dụng đất, lập vi bằng về những vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng...nếu các bên yêu cầu họ làm vậy.

Như vậy, hiện nay thừa phát lại chỉ có quyền thực hiện các công việc quy định tại Điều 3 Nghị định 61/2009/NĐ-CP mà không có thẩm quyền công chứng, nếu thừa phát lại thực hiện công chứng là trái với quy định của pháp luật và văn bản đó không có giá trị pháp lý.

Xin cảm ơn luật sư.

>>>>  Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật

>>>> Các Loại Thuế, Phí Phải Đóng Khi Mua Đất ?

>>>> Đơn Phương Hủy Hợp Đồng Đặt Cọc Mua Bán Đất, Đền Bù Ra Sao?

BT (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo