Chiếm phần đất trong hẻm cụt làm sân nhà có bị xử lý ?

(VOH) - Hẻm nhà tôi là hẻm cụt chỉ dài chừng 20 mét, nhà cuối cùng trong hẻm lấn phần đất trước nhà làm sân như vậy có đúng luật ?

Xóm tôi là hẻm cụt có lối đi chung vào ngang chừng 05 mét, dài chừng 20 mét là lối đi của mọi nhà trong xóm nhưng nhà cuối xóm lại quây hàng rào dành phần đất trước nhà làm thành sân của nhà mình từ nhiều năm nay (Theo nhà này nói phần đất này không có ai đi vì đến căn nhà họ là hẻm cụt). Cho tôi hỏi nhà đó chiếm phần đất đó có đúng pháp luật không ? Phải làm sao để yêu cầu chủ nhà trả lại phần đất chung này.

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Pháp luật nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm đất.

Theo khoản 5 Điều 3 Quyết định 05/2006/QĐ-BXD về việc ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà quy định thì “Ngõ” (hẻm) là lối đi lại trong cụm dân cư, có ít nhất một đầu thông ra đường hoặc phố (nhánh của đường hoặc phố). Theo đó, hẻm thuộc loại đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ hệ thống giao thông (theo điểm e khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 thì việc lấn chiếm đất đai là một trong các hành vi bị pháp luật đất đai nghiêm cấm.

Do vậy, hẻm đi chung này thuộc sở hữu chung của cộng đồng không thuộc bất kỳ quyền sở hữu của hộ gia đình nào theo quy định Điều 211 Bộ Luật dân sự 2015. Hộ gia đình cuối xóm lại quây hàng rào dành phần đất trước nhà làm thành sân của nhà mình là trái với quy định của pháp luật.

Để giải quyết trường hợp này, đầu tiên gia đình bạn và các gia đình xung quanh nên họp bàn cùng nhau, thương lượng với hộ gia đình cuối xóm để đảm bảo hòa khí trong việc giữ lối đi chung đã có từ lâu. Trong trường hợp, các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hoà giải.

Việc hoà giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hoà giải thành hoặc hoà giải không thành của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Biên bản hoà giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.

Nếu việc hòa giải không thành thì theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013 khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Với hành vi gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác Điều 11 Nghị định 102/2014/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trong việc gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác có quy định mức phạt như sau: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tại khu vực nông thôn, từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.”

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Mất Giấy Mua Bán Đất Viết Tay, Làm Sổ Đỏ Được Không?

>>>> Chuyển Đất Trồng Cây Thành Đất Ở Được Không?

BT (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo