Cách chia di sản thừa kế theo di chúc

(VOH)- Khi Bà nội mất di chủc để lại có ghi để lại toàn bộ phần nhà của mình cho một người con trai, như vậy có thể hiểu là để lại cả nhà và đất?

Một độc giả tên Thanh có gửi email về xin tư vấn như sau:

Khi bà nội mất di chủc để lại có ghi để lại toàn bộ phần nhà của mình cho một người con trai, như vậy có thể hiểu là để lại cả nhà và đất? 

Xin chân thành cảm ơn luật sư và quí Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.

 

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Trong nội dung thư gửi về, chúng tôi hiểu di sản để lại của ông bà nội bạn là căn nhà và phần đất, do đó sẽ đi theo hướng tư vấn di sản duy nhất là căn nhà và phần đất, ngoài ra nếu còn tài sản khác để lại hay nghĩa vụ nào của ông bà chưa được thực hiện thì thực hiện chia theo nguyên tắc dưới đây:

Thứ nhất, người thừa kế:

Nhà ông bà nội bạn có 6 người con, tuy nhiên 1 người con đã chết vào năm 1978 thì không thuộc đối tượng người thừa kế theo Bộ luật dân sự: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Ông nội chết năm 1987, người con tâm thần chết năm 2004, bà nội chết năm 2010, do đó người con tâm thần này chỉ được hưởng phần di sản để lại của ông nội. Tuy nhiên người này có 1 vợ và 3 con nên 03 người con của người này sẽ là người thừa kế thế vị phần di sản của bà nội (nếu được để lại trong di chúc) theo Bộ luật dân sự.

Như vậy, người thừa kế từ di sản ông nội bao gồm: 5 người con và bà nội. Người thừa kế từ di sản bà nội bao gồm: 4 người con còn lại và 02 người cháu được thừa kế thế vị.

Thứ hai, về di sản:

Căn nhà này được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, do đó tài sản này là tài sản chung của vợ chồng (ông bà nội), vì vậy khi ông nội chết không có di chúc để lại cũng như văn bản thỏa thuận nào thì di sản của ông nội để lại là 1/ 2 căn nhà và đất theo Luật hôn nhân và gia đình và được phân chia di sản theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: 05 người con và vợ và được chia đều theo nguyên tắc: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên bạn cần lưu ý quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10:

“Đối với trường hợp thừa kế nhà ở được mở trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 mà di sản thừa kế chưa được chia, nếu có yêu cầu chia, thì giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

Vì bà nội bạn chết vào thời điểm Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực nên BLDS 2005 sẽ được áp dụng trong trường hợp này. Di sản bà nội để lại bao gồm 1/2 căn nhà và đất và 1/6 của 1/ 2 căn nhà và đất được hưởng thừa kế từ chồng (ông nội).

Theo như nội dung di chúc bà bạn để lại thì ba của bạn được hưởng di sản từ bà nội là phần nhà. Tuy nhiên để chắc chắn và chính xác ý nguyện đích thực trước đây của bà nội bạn thì gia đình bạn và người công bố di chúc phải làm thủ tục giải thích nội dung di chúc theo quy định tại Điều 673 Bộ luật dân sự 2005 thì có các trường hợp xảy ra như sau:

  • Trường hợp các bên đồng thuận ba bạn chỉ được hưởng phần nhà và phần di sản không được định đoạt trong di chúc thì thực hiện phân chia tài sản theo pháp luật theo điểm a Khoản 2 Điều 675 Bộ luật dân sự 2005 và những người thừa kế còn lại bao gồm: Hàng thừa kế thứ nhất (03 người con còn lại và 02 người cháu được thừa kế thế vị).
  • Trường hợp các bên không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì coi như không có di chúc và việc chia di sản được áp dụng theo quy định về thừa kế theo pháp luật.

Như vậy trong trường hợp này nội dung di chúc bà nội để lại là phần nhà, việc các anh chị em của bố bạn đòi lại phần đất là có cơ sở. Do đó để giải quyết việc này gia đình bạn có thể thỏa thuận, nếu khởi kiện lên Tòa án, Tòa sẽ dựa trên những quy định trên và nội dung di chúc của bà nội bạn để giải quyết, gia đình bạn nên lưu ý trong việc giải quyết việc phân chia tài sản thừa kế của bà nội.

 Xin cảm ơn luật sư

>>>>  Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại Tư vấn pháp luật

>>>>  Muốn Thừa Hưởng Tài Sản Của Mẹ Để Lại Phải Làm Sao ?

>>>>  Thủ Tục Để Nhận Tài Sản Thừa Kế ?

>>>> Luật Sư Riêng Có Được Lập Di Chúc Cho Thân Chủ Không ?

 

Chi tiết thư bạn đọc xin tư vấn

Ông bà nội tôi có 1 căn nhà tự tạo lập trong thời kì hôn nhân, ông bà nội tôi có tất cả 6 người con, trong đó 1 người con đã chết năm 1978 (không có chồng con và có giấy chứng tử),1 người con bị bệnh tâm thần và 1 người con hiện đang đinh cư ở Australia (có địa chỉ cư ngụ và thỉnh thoảng vẫn về Việt Nam). Ba cũa tôi là con trai lớn thứ 3 trong 6 anh chị em con chung của ông bà.

 Năm 1987 ông nội tôi già bệnh rồi chết mà không có để lại di chúc gì.

Năm 2003 bà nội tôi có ra phòng công chứng lập di chúc với nội dung nguyên văn như sau: “SAU KHI TÔI CHẾT THÌ TOÀN BỘ PHẦN NHÀ CỦA TÔI VÀ PHẦN NHÀ CỦA TÔI HƯỞNG THỪA KẾ TỪ CHỒNG CỦA TÔI SẼ CHO CON TRAI CỦA TÔI (ba của tôi) TOÀN QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VÀ SỬ DỤNG”.

Năm 2004 người con bị bệnh tâm thần của ông bà nội chết (có giấy chứng tử). Người này có vợ và 3 con.

Năm 2010 bà nội cũa tôi chết (có giấy chứng tử)

Năm 2012 ba của tôi có đem di chúc ra phòng công chứng để khai nhận di sản của bà nội tôi và 1 phần của bà nội tôi hưởng từ ông nội tôi. Sau khi đã có văn bản từ phòng công chứng, chứng nhận di sản thừa kế theo di chúc của Ba tôi đúng với qui định của nhà nước về quyền thừa kế, thì Ba của tôi tiến hành nghĩa vụ thuế đối với di sản thừa kế đó. Sau đó chi cục thuế quận có văn bản rằng phần di sản được miễn đóng thuế của Ba tôi là 9/14 phần của di sản ông bà nội tôi để lại.

Năm 2014, Ba tôi có xin cấp giấy GCNQSDĐ và GCNQSHNƠ cũa căn nhà ông bà nội tôi để lại (khi bà nội tôi ra công chứng để lập di chúc thì giấy tờ nhà cấp cho ông bà nội tôi cùng đứng tên 2 ông bà trước năm 1975). Sau khi hợp bàn giữa các chị, em của Ba tôi thì mọi người đều thống nhất đồng ý để Ba cũa tôi đứng tên đại diện trên giấy CNQSDĐ và CNQSHNO, vì Ba tôi đã ở chung và chăm lo cho ông bà nội tôi từ ngày xưa cho tới khi 2 ông bà chết, và thời điểm này vẫn ở căn nhà đó để hương khói, bảo quản, giữ gìn. Còn các chị, em của Ba tôi thì cư ngụ ở nơi khác từ khi họ lập gia đình ra riêng.

Khi được Phòng TNMT Quận cấp thì chỉ mình tên Ba của tôi đứng tên đại diện cho các đồng thừa kế trên giấy CNQSDĐ và CNQSHN.

Năm 2016, Ba của tôi muốn tách thửa căn nhà này ra và có nộp hồ sơ xin tách thửa lên phòng TNMT quận, phòng TNMT quận chấp nhận hồ sơ và đồng ý cho tách thửa vì đủ điều kiện theo qui định của pháp luật, nhưng có yêu cầu bổ sung thêm văn bản thoả thuận phân chia di sản giữa các đồng thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Và tất cả rắc rối, mâu thuẫn bắt đầu từ đây.

Sau khi Ba tôi họp mặt với các đồng thừa kế, nói rõ vấn đề muốn tách thửa ra và đề nghị mọi người lập văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật, thì bị mọi người đồng thừa kế còn lại phản đối, không lập văn bản thoả thuận phân chia di sản này với lý do rằng: Nếu đồng ý lập văn bản thoả thuận phân chia di sản này thì chẳng khác nào họ thừa nhận, cho phần đất mà Ba tôi muốn tách thửa ra là của riêng Ba tôi, được QSDĐ riêng biệt. Và các đồng thừa kế cũng lập luận cho rằng Ba tôi chỉ được hưởng di sản là PHẦN NHÀ (tức 1/2 căn nhà) theo nôi dung của di chúc khi bà nội tôi lập ra, còn PHẦN ĐẤT(1/2 đất căn nhà đó nằm trên) là của chung các thừa kế kể cả Ba cũa tôi. Họ còn nói, nếu sau này bán căn nhà này thì định trị giá riêng căn nhà bao nhiêu thì chia cho Ba tôi được hưởng 9/14 phần, còn giá trị toàn bộ đất thì chia đều cho các thừa kế. (họ tách riêng giá trị nhà và đất ra riêng biệt).

Thưa luật sư! Trên đây là toàn bộ sự việc đã xảy ra với gia đình tôi, nhất là từ lúc thời điểm Ba tôi đề nghị các đồng thừa kế lập văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Kể từ đó họ lần lượt trở về căn nhà này chiếm dụng để đồ đạc, bày biện buôn bán trước cửa nhà mặc dù Ba tôi không đồng ý việc làm của họ, nhưng họ bất chấp và thách thức. Họ cho rằng họ có thừa kế và họ có quyền muốn làm gì cũng được, Ba tôi không có quyền phản đối, rằng Ba tôi chỉ được thừa kế NHÀ thôi, còn ĐẤT là của chung.

Thưa luật sư, gia đình tôi kính mong luật sư tư vấn giúp 3 câu hỏi, hướng giải quyết chuyện này cho ổn thoả ạ.

 - Theo như lời các đồng thừa kế đó khẳng định rằng Ba tôi chỉ được hưởng PHẦN NHÀ mà thôi, còn riêng PHẦN ĐẤT thì Ba tôi không được tách ra mà mà phải hưởng đồng đều như nhau là đúng không? Họ căn cứ vào qui định nào mà quả quyết khẳng định như vậy?

 - Nếu sự việc được đưa ra toà án để giải quyết thì Ba và gia đình tôi có được thắng là được hưởng thừa kế theo di chúc không, kể cả phần đất.

 - Và sau khi toà xử cho Ba tôi được thắng kiện và Ba tôi muốn bán 1/2 căn nhà đó để chia cho các thừa kế theo pháp luật, mà họ không hợp tác ký tên để bán thì Ba tôi phải giải quyết làm sao cho ổn thoả?

Thưa luật sư! tôi kính mong luật sư tư vấn giúp cho gia đình tôi vì hiện giờ gia đình cũng hoang mang, đau đầu giữa PHẦN ĐẤT và PHẦN NHÀ này.

 

BT (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo