Hơi ấm MTTQ dành cho “phên dậu, địa đầu” Tổ quốc

(VOH) -  TPHCM luôn có những cách thức làm ấm lòng chiến sĩ nơi biên giới, tiền tiêu Tổ quốc.

Từ việc chăm lo, hỗ trợ nước ngọt cho đồng bào chiến sĩ vùng biên thiếu nước, đến việc đầu tư trang thiết bị phương tiện tập luyện cho anh em chiến sĩ nơi địa đầu với nguồn kinh phí vận động từ các chương trình nghệ thuật, từ sự đóng góp của nhân dân TPHCM dành cho chiến sĩ biển, đảo, biên giới.

Chương trình nghệ thuật 'Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc'  năm 2016. (Ảnh: Daidoanket)

Chương trình nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” lần 5 năm 2017 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 lúc 20h tối nay, ngày 21/9.  VOH đã phỏng vấn bà Triệu Lệ Khánh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM về hoạt động này. 

VOH: Chương trình nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” lần 5 năm nay có gì khác so với mọi năm?

Bà Triệu Lệ Khánh: Chương trình này cho chúng ta hiểu thêm về những hoạt động đời sống của cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo Tổ quốc, về tình cảm của nhân dân, cán bộ chiến sĩ. Qua sự hỗ trợ giúp sức về vật chất, tinh thần của nhân dân cán bộ thành phố, hướng về biên giới biển đảo của Tổ quốc.

VOH: TPHCM mỗi năm đều có những hoạt động ý nghĩa dành cho với đồng bào chiến sĩ nơi biên giới, biển đảo, “tình hậu phương dành cho nơi địa đầu Tổ quốc”, đó bao gồm những hoạt động nào?

Bà Triệu Lệ Khánh: Năm nay, Mặt trận tham mưu cho Thành ủy tổ chức một đoàn chiến sĩ và nhân dân TPHCM đến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK, trên tinh thần đó, chúng ta hỗ trợ về vật chất, những điều kiện sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ đang công tác ở biển đảo Tổ quốc.

Bên cạnh đó, năm nay, Mặt trận có chương trình mới, đó là “công trình nước ngọt vùng biên” để hỗ trợ nước sạch cho cán bộ chiến sĩ ở các đồn biên phòng, nhân dân ở vùng biên giới giáp với biên giới Campuchia. Đặc biệt là 7 tỉnh, từ Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau để sinh hoạt, phát triển kinh tế, bà con yên tâm bám đất, bám biên giới Tổ quốc.

Năm 2015, trong một chuyến đi ra thăm huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn, đồng chí Tất Thành Cang làm trưởng đoàn cũng đã trao tặng 1 chiếc xuồng CQ 22 tỷ đồng. Vừa qua, Mặt trận TP cũng đã phối hợp với Bộ Tư Lệnh Hải quân đã bàn giao xuồng CQ cho các lực lượng.

VOH: Trong quá trình đi khảo sát, Mặt trận Tổ quốc nhận thấy đồng bào chiến sĩ ở biên giới, các hòn đảo xa xôi gặp phải những khó khăn nào?

Bà Triệu Lệ Khánh: Hiện nay, bà con ở vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhu cầu tối thiểu sinh hoạt hằng ngày như nước sạch, ăn uống, sinh hoạt. Mặt trận đi khảo sát 7 điểm ở 7 tỉnh, đồn biên phòng của Chiu Riu ở tỉnh Bình Phước của huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Qua đó phải thấy rằng, nhu cầu về nước sạch, về mặt bằng, do đó, chưa đến được với người dân. Hoặc người dân ở rất xa, nên việc cung cấp nước sạch cũng rất khó khăn. Hiện nay mình cũng hỗ trợ cây nước giếng, nhưng trang bị thêm hệ thống lọc nước để đảm bảo cho bà con có được nguồn nước an toàn. Bước đầu hỗ trợ 7 cây nước, mỗi cây 500 triệu đồng, có nơi đến được 40, 50, 100 hộ dân.

VOH: Với số tiền vận động được trong chương trình nghệ thuật, Mặt trận dự kiến sẽ phân bổ như thế nào đến đồng bào chiến sĩ biên giới, biển đảo của chúng ta?

Bà Triệu Lệ Khánh: Dự kiến năm 2017-2018, Mặt trận có nhiều chương trình, thứ nhất, tổ chức đoàn đi thăm cán bộ chiến sĩ ở Nhà giàn và huyện đảo Trường Sa. Thứ 2, năm nay, TPHCM tổ chức đoàn đến thăm cán bộ chiến sĩ và nhân dân ở các biển đảo Tây Nam của Tổ quốc: Kiên Giang, Cà Mau.

Tại đây, đời sống của mọi người cũng còn khó khăn, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ. Ngoài ra, Mặt trận tiếp tục xây dựng chương trình “Nước ngọt vùng biên” ở các vủng biên giới đến Lào, giáp Lào, hỗ trợ cho các lực lượng về cơ sở vật chất: cải tạo về điều kiện rèn luyện chiến đấu, sân tập luyện thể dục thể thao.

VOH: Cảm ơn bà. 

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo