Bệnh tay chân miệng đang tăng đột biến – Thời sự 11g 28/09/2018

(VOH) - Đúng như dự đoán của các bác sĩ, bệnh tay chân miệng đã lại rộ lên khi mùa tựu trường bắt đầu.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình bệnh tay chân miệng lại đáng ngại hơn với sự gia tăng đột biến.

Bé Nguyễn Trà My, 18 tháng tuổi, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh sau khi đi nhà trẻ một tuần thì về nhà thì bé khởi phát các triệu chứng của bệnh tay chân miệng bằng các dấu diệu đặc trưng như sốt nhẹ, nổi vết loét ở miệng, lòng bàn tay, đầu gối, mông. Mẹ của bé cho biết, ngay khi thấy con có biểu hiện tay chân miệng là cho nghỉ học ngay và đi khám cho bé. Điều này vô cùng cần thiết vì nếu trẻ bị tay chân miệng vẫn tiếp tục đi học sẽ là nguồn lây nguy hiểm cho các trẻ lành khác tại lớp học, nguy cơ hình thành ổ dịch tại trường là rất cao.

Đây cũng là một thực tế mà hiện nay theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tình hình tay chân miệng khám ngoại trú và nhập viện điều trị tăng nhanh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 tỏ ra lo ngại khi cách đây một tháng, bệnh vẫn chưa đông như vậy, tuy nhiên khoảng 3 tuần nay tăng gấp 5 lần, cao điểm thứ hai vừa rồi có đến 222 bệnh nhi nhập viện tại khoa. Riêng ngày 26/9 có 179 trẻ điều trị với khoảng 30 bệnh nhi nặng phải theo dõi sát trong đó 10 bé phải thở máy, 5 bệnh nhi phải lọc máu, một trường hợp đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 2, cao điểm có ngày khoa phải điều trị tay chân miệng cho 70 bệnh nhi. Về tình hình bệnh này có gì khác thường so với mấy năm trước, Bác sĩ Khanh lưu ý, năm nay đáng ngại là khoảng 50% trẻ bị tay chân miệng nhập viện là do Enterovirus 71 mà vi rút này tỷ lệ biến chứng rất cao: “So với 5 năm gần đây thì năm nay cao hơn rất rõ. Những năm trước số trẻ mắc tay chân miệng do enterovirus 71 thấp lắm nhưng gần đây hơn 50% trẻ tay chân miệng do vi rút này. Loại virút này  lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, dễ bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Đối với tay chân miệng do enterovirus 71 thì rất đáng ngại vì gây biến chứng”

Lo lắng hơn khi hiện nay bệnh tăng lại trùng vào thời điểm chu kỳ của bệnh vào tháng 9, 10, 11 nên tình hình sẽ còn rất phức tạp. Có thể với bệnh này, phụ huynh sẽ dễ dàng nhận biết dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Tuy nhiên ở một số trường hợp khi nhiễm Enterovirus 71 như bác sĩ Khanh vừa nêu thì bệnh có thể diễn biến nặng gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Như đã chia sẻ từ đầu, trẻ bị tay chân miệng sẽ phát tán vi rút lây cho người xung quanh, do vậy các trường mầm non nếu có trẻ bị tay chân miệng nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày để hạn chế lây lan trong môi trường tập thể. Một khi trường học có trẻ bị tay chân miệng, Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP lưu ý: “Khi trường học có bệnh tay chân miệng phải khử khuẩn hằng ngày với nồng độ 2 % Cloramin  trong một lít nước và cứ khử khuẩn liên tục như vậy trong vòng 10 ngày đối với các đồ chơi của trẻ, sàn nhà, rồi các bề mặt, các kệ đồ chơi, rồi cánh cửa, tay nắm cửa trong lớp học.Ngoài ra nên thực hiện những biện pháp vệ sinh thông thường như thường xuyên rửa tay với giáo viên, học sinh và đẩy mạnh truyền thông hơn đối với phụ huynh học sinh ở trong trường”.

Thời điểm này bệnh tay chân miệng đang diễn tiến phức tạp, hơn nữa đây là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, do vậy để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hãy thực hiện tốt các biện pháp sau:  Rửa tay thường xuyên bằng xà bông nhiều lần trong ngày đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bồng ẳm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Bên cạnh đó, mỗi gia đình nên thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống hay đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

VOH

Bình luận

Đọc Báo