Phát huy vai trò trí thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 4

(VOH) - Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phỏng vấn Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng giáo dục Thành phố, nguyên Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

 

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng giáo dục Thành phố, nguyên Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Ảnh: Cafe F

VOH: Thưa tiến sĩ! Đã có nhiều dự báo về sự phát triển khoa học công nghệ vượt bậc cũng như sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, ông nhận định như thế nào về tác động của cuộc cách mạng này đối với nước ta và với TPHCM?

TS Trần Du Lịch: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4  không còn là dự báo mà nó đang diễn ra. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cuộc cách mạng Kỹ thuật số, nền kinh tế kỹ thuật số đang diễn ra, đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi tổ chức sản xuất và thương mại toàn cầu.

Hiện nay các quốc gia có một "cuộc chạy đua" để tận dụng cuộc cách mạng này, để có một sự phát triển đón đầu vượt bậc về năng suất, về quá trình tạo ra sản phẩm mới và giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Đây là một cơ hội và cũng là thách thức đối với Việt Nam nói chung và với TPHCM nói riêng trong quá trình công nghiệp hoá hiện nay. Chúng ta cần tận dụng được, ứng dụng, nắm bắt được những thành tựu trong quá trình sản xuất, thương mại, các hoạt động và đặc biệt là sự sáng tạo của từng doanh nghiệp trong việc ứng dụng kỹ thuật số để phát triển.

Hơn 10 năm trước cả nước và thành phố đã đặt mục tiêu phát triển là thời đại công nghệ thông tin và công nghệ sinh học trở thành sức mạnh về khoa học kỹ thuật để phát triển. TPHCM đã đặt vấn đề này từ 15 năm trước, ví dụ như xây dựng trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm phần mềm... là để nắm bắt như vậy.

Tuy nhiên cùng với sự tiến bộ của thế kỷ 21 về công nghệ sinh học và thông tin thì kỹ thuật số còn làm biến đổi lớn hơn. Nếu chúng ta không tận dụng được, sự lạc hậu càng bị kéo giãn xa hơn so với sự phát triển của khu vực và thế giới.

VOH: Nước ta cũng như thành phố cần có bước chuẩn bị như thế nào để đón bắt tốt nhất những thuận lợi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 mang lại?

TS Trần Du Lịch: Chúng ta cần giải quyết trước tiên là tái cơ cấu nền kinh tế. Hiện nay, chương trình 2016-2020 mà Chính phủ thông qua Quốc hội, đưa ra 5 nội dung, 10 nhiệm vụ ưu tiên để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, từ sử dụng lao động rẻ sang lao động có kỹ thuật cao, từ tăng trưởng dựa vào vốn sang dựa vào năng suất chất lượng. Đây là nền tảng đầu tiên mà thành phố cũng như cả nước phải làm, là cơ sở để chúng ta hấp thụ cuộc cách mạng lần 4.

Nếu như chúng ta cứ duy trì mô hình sản xuất nặng về tính chất kinh tế nông nghiệp thì tự nó không hấp thụ được. Trong mọi đột phá, phải đột phá được nguồn nhân lực.

Chúng ta đưa 3 đột phá chiến lược: về thể chế kinh tế, về nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, thì riêng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để chúng ta tận dụng có thể khai thác lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.

VOH: Ông đánh giá thế nào về việc bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện tại cũng như cần làm gì để nâng chất lượng yếu tố quan trọng này?

TS Trần Du Lịch: Từ năm 2011, đại hội Đảng lần thứ 11 đã đề ra 3 đột phá chiến lược, cải cách cơ bản toàn diện nền giáo dục để đào tạo. Ở TPHCM, từ 15 năm trước đã có chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện nay kể cả TPHCM và cả nước, nguồn nhân lực vẫn không đáp ứng được yêu cầu, ngay cả chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay thay đổi mô hình tăng trưởng. Chất lượng đào tạo hiện thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, đặc biệt vẫn nặng về số lượng mà chưa đặt vấn đề chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực.

Chúng ta thường nói Nhà nước phải dự báo nhu cầu nọ nhu cầu kia cho các cơ sở đào tạo. Tôi khẳng định là không.

Bản thân các cơ sở đào tạo trong thời đại ngày nay cần phải biết dự báo đào tạo cái gì cho thị trường chứ không chỉ trông chờ vào nhà nước dự báo. Tự chủ đại học là cơ hội để các trường tự nâng tầm như một doanh nghiệp tự dự báo.

Các trường phải đánh giá số sinh viên trường đào tạo ra, bao nhiêu người có việc làm, bao nhiêu người không xin được việc, ngành nào dễ xin được việc, ngành nào khó xin việc... Phải thay đổi toàn diện thì chúng ta mới nâng chất lượng được.

VOH: Trí thức có vai trò như thế nào trong giai đoạn quan trọng này?

TS Trần Du Lịch: Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã nói khá nhiều về vai trò của trí thức. Ông bà ta cũng khẳng định trí thức là nguyên khí quốc gia. Đây là đội ngũ những con người có trí tuệ, khoa học, nhân cách, yêu nước, ham lao động, thích sáng tạo, là những người tạo động lực cho XH.

Tuy nhiên, tôi thấy dường như chúng ta xem trí thức dựa quá nhiều vào bằng cấp họ đang có. Đây là điều cần xem lại. Cần tạo môi trường cho trí thức sáng tạo được là điều quan trọng.

Tôi nghĩ rằng không thể ứng dụng khoa học công nghệ, không thể tiến hành công nghiệp hoá, cũng không thể nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 nếu như không phát huy được vai trò của người trí thức như một động lực thúc đẩy sự phát triển của XH.

VOH: Cảm ơn ông ! 

Tuyết Nhung

Bình luận

Đọc Báo