Cổ phần hóa đơn vị nghệ thuật: không đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế

(VOH) -  Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn, nhằm khuyến khích năng suất lao động và huy động vốn trong xã hội, giải phóng gánh nặng ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận bàn luận nhiều đến sự thiếu minh bạch trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, khiến một thương hiệu điện ảnh lớn có nguy cơ biến mất. Câu chuyện về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vừa qua là một ví dụ cho sự nóng vội không có lợi trong cổ phần hóa. Và nếu làm không khéo, vô hình trung sẽ làm thất thoát tài sản Nhà nước, bóp méo một chủ trương tốt, một chính sách tốt phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

Trụ sở chính của Hãng phim truyện Việt Nam ở phố Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Vnexpress

Cũng như tất cả các lĩnh vực kinh tế, thực hiện theo tinh thần chung của Chính phủ là những loại hình doanh nghiệp, đơn vị thuộc sở hữu Nhà nước mà Nhà nước thấy không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối thì phải tiến hành cổ phần hóa để đổi mới mô hình hoạt động, Hãng Phim truyện Việt Nam đã được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho tiến hành cổ phần hóa. Kết quả, sau một quy trình vội vã, không công khai đầy đủ, và với mức giá rẻ một cách bất ngờ, Tổng Công ty Vận tải thủy đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của hãng phim, nắm 65% cổ phần. Điểu đáng nói, đây lại là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, không hề có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Rắc rối nảy sinh từ đây, khi vừa qua, các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam đã có đơn kêu cứu sau gần ba tháng hãng được Tổng công ty Vận tải thủy mua lại. Theo lý giải của họ, “ông chủ” mới dường như quan tâm nhiều đến “đất vàng” mà hãng phim đang nắm giữ hơn là đi làm phim. Bên cạnh đó, một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống gần 60 năm, sản xuất gần 400 bộ phim điện ảnh có giá trị nghệ thuật về nhiều mặt nhưng giá trị thương hiệu lại bị định giá là 0 đồng ở thời điểm xây dựng phương án cổ phần, là điều rất phi lý. Đặc biệt, giá trị của các “khu đất vàng” mà hãng phim đang sử dụng cũng không hề được tính đến.

Câu chuyện của Hãng Phim truyện Việt Nam chính là điển hình của “lỗ hổng” trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chiêu thức thường xảy ra và được phanh phui trong các vụ cổ phần hóa tai tiếng là định giá thấp giá trị còn lại của tài sản, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất. Từ lâu, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ các nhóm lợi ích cấu kết dìm giá trị tài sản nhà nước xuống thật thấp để mua cổ phần với giá siêu rẻ, trong khi nếu mua ở ngoài thị trường thì phải mua với giá cao hơn rất nhiều. Điều này gây thiệt hại trước hết cho ngân sách, khi tài sản nhà nước được bán thấp hơn giá trị thực. Nhưng quan trọng hơn, ở những lĩnh vực đặc thù như văn hóa – nghệ thuật, báo chí – truyền thông … điều này còn ảnh hưởng không nhỏ đến hướng phát triển, giá trị thương hiệu, giá trị truyền thống của doanh nghiệp.

Trở lại câu chuyện tại Hãng Phim truyện Việt Nam, để giải quyết mâu thuẫn nội bộ của đơn vị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá của hãng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương cổ phần hoá, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế mà mục tiêu lớn nhất là phải tạo được động lực phát triển cho văn hoá nghệ thuật nước nhà. Tuy chưa thể kết luận đúng sai trong sự việc trên, tuy nhiên, đây cũng là một bài học đắt giá cho việc cổ phần hóa những giá trị không thể đo đếm được, đó là lịch sử, là văn hóa, là ký ức của một thương hiệu.

Cổ phần hóa là xu thế tất yếu, khi từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa gần 140 doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, tiến trình này tại mỗi cơ quan, đơn vị phải dựa trên tính chất đặc thù của lĩnh vực. Một đơn vị văn hóa không thể giống với nhà máy, công xưởng. Nhìn vào câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam để thấy, dường như không ai quan tâm đến giá trị phi vật thể của nó. Vì thế, khi giá trị thương hiệu của hãng bị định giá 0 đồng, những người nghệ sĩ cảm thấy xót xa, tổn thương vô cùng. Cái mất ở đây không hẳn là mảnh “đất vàng” hay là thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước, mà chính là niềm tin và các giá trị lịch sử.


Đó cũng là lời cảnh báo cơ quan chức năng phải làm thật chặt, phải suy nghĩ kỹ và thận trọng khi cổ phần hóa những đơn vị đặc thù. Hiện cơ quan chức năng đang xây dựng Dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong đó dự tính, với một số ngành nghề kinh doanh, điều kiện chọn cổ đông chiến lược là phải cùng ngành nghề, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất ba năm.

Lãnh đạo và quản lý văn hóa vô cùng phức tạp. Với nghệ thuật, chọn nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng kinh tế chưa đủ, mà phải là những người có đủ tâm, đủ tầm thì mới có thể vực dậy nền nghệ thuật nước nhà. Nếu không có tâm, không có tầm, không có sự hiểu biết sâu sắc và cách ứng xử văn hóa thì người lãnh đạo và quản lý đó sẽ không bao giờ nhận thức đúng được giá trị của các tác phẩm văn học nghệ thuật, càng không có được những quyết định sáng suốt để định hướng, đoàn kết và nhân lên sức mạnh đội ngũ văn nghệ sĩ. Do vậy, khi cổ phần hóa các đơn vị văn hóa nghệ thuật, những nhà quản lý cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về sự được, mất và ai là người có thể “cầm cương” đơn vị đó sau khi cổ phần hóa. Có như vậy, những câu chuyện buồn như tại Hãng Phim truyện Việt Nam mới không lặp lại trong thời gian tới.

Quỳnh Anh

Bình luận

Đọc Báo