Xuân ấm áp của những người hùng thể thao người khuyết tật - Thời sự 5h30 23/2/2018

(VOH) - Cùng với những bước tiến đầy khởi sắc của thể thao Việt Nam những năm qua, thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng gặt hái những thành công vang dội.

Từ đấu trường khu vực, châu lục đến thế giới, và chinh phục cả đỉnh cao Paralympic. Những vận động viên khuyết tật, bằng nỗ lực và ý chí phi thường, góp phần mang chiến công, mang vinh quang cho Tổ quốc, mang hơi thở mùa xuân rạng rỡ cho chính mình và gia đình. Không chỉ vượt lên nghịch cảnh, họ nỗ lực vẽ lại đời mình, phấn khởi, lạc quan, vui khỏe, để mùa xuân thêm ấm áp.

Hẹn gặp cặp đôi vàng của điền kinh khuyết tật Việt Nam, Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải trong một chiều cuối năm tất bật, cả hai vẫn rạng rỡ hệt như khi họ giành huy chương trên sân đấu. Nhưng ít ai biết rằng, suốt hai tháng qua, họ hiếm khi về nhà trước nửa đêm. Nói như Cao Ngọc Hùng là “bận rộn đến không kịp thở”, khi hai vợ chồng quyết định đầu tư kinh doanh quán ăn - hướng đi mới chuẩn bị cho những tháng ngày giã từ sự nghiệp.

Vợ chồng Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải cùng giành HCV Para Games 2017. Ảnh: ANTD

Đôi vợ chồng Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải nức tiếng trong làng điền kinh khuyết tật khi đã mang về vô số huy chương danh giá tại đấu trường khu vực và châu lục về cho nước nhà. Ấn tượng nhất là tấm huy chương lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại đấu trường đỉnh cao Paralympic mà Ngọc Hùng giành được ở Rio 2016.

Nhưng con đường để gặt hái chiến tích như đã kể của cả hai là một hành trình dài. Bị tật ở chân từ nhỏ, 6 tuổi Hùng đã theo ba mẹ rời Quảng Bình vào TPHCM kiếm sống vì gia đình có quá đông anh em. Trên hành trình mưu sinh khốn khó ấy, anh được các thầy chọn vào đội điền kinh người khuyết tật. Còn Hải, cô gái Nghệ An cũng bị liệt chân từ năm 3 tuổi, rồi được một sơ thương tình đưa vào mái ấm. Ngã rẽ đến khi Hải được các thầy khuyên nên tập thể thao. Có lẽ đó là bước ngoặt lớn thay đổi cuộc đời họ: “Sau khi đạt chiếc HCĐ Paralympic, mới thấy vui vì những nỗ lực, cống hiến của mình. Thể thao mang lại rất nhiều thành tích, mang lại sự tự tin. Lập gia đình thì mới tính hướng khác, nhưng thật sự thể thao mang lại rất nhiều thứ, cuộc sống rất tự tin, rất vui”.

“Tính đến năm nay là 14 năm chơi thể thao, được thi đấu nhiều nơi, có nhiều thành tích, đó cũng là niềm vui, động lực. Cũng nhờ thể thao mà quen ông xã bây giờ. Cũng nhờ thể thao cho nên bớt đi được nhiều mặc cảm, hòa nhập cuộc sống tốt hơn, tự tin hơn”.

Năm 2014, Hùng và Hải kết hôn, trong sự chung vui của đông đảo bạn bè, đồng nghiệp. Tới nay, cả hai đã có một cô con gái 3 tuổi và cậu con trai gần 2 tuổi lành lặn, kháu khỉnh trong tổ ấm hạnh phúc. Gác lại những vinh quang, Cao Ngọc Hùng và vợ, cũng như nhiều vận động viên khuyết tật khác lại tất bật với cuộc sống mưu sinh. Gặp anh Hùng tại quán lẩu bò mang tên chính anh tại đường Chấn Hưng (Quận Tân Bình, TP.HCM), chàng vận động viên điền kinh người khuyết tật từng giành huy chương Paralympic lịch sử cho thể thao Việt Nam bận rộn đứng bếp chuẩn bị món ăn cho khách. Còn tuyển thủ Nguyễn Thị Hải thì kiêm nhiều vai trò quản lý, thu ngân, đến cả chạy bàn. Mệt, nhưng niềm vui cũng đến theo khi mọi việc dần ổn định, khách đến ủng hộ đông hơn, công việc kinh doanh tốt dần lên. Ý chí và sự nỗ lực hết mình mà họ mang từ sân điền kinh sang kinh doanh đã giúp hai vợ chồng bỏ lại những khó khăn sau lưng. Cao Ngọc Hùng, chia sẻ: “Cái nào cũng có cái mệt. Kinh doanh thì phải làm sao cho hoạt động tốt, còn thể thao thì tập luyện dài hạn, ra thì đấu phải chắt chiu từng cơ hội. Phải tin tưởng bản thân mình, kết hợp nỗ lực tập. Kinh doanh cũng vậy, ban đầu khó khăn, nhưng đầu tư chăm chút bằng cái tâm thì sẽ tốt. Hiện quán đã ổn định, hoạt động khá tốt rồi”.

Hơn 15 năm gắn bó với thể thao người khuyết tật, những khó khăn, vất vả, vinh quang nếm trải, đọng lại vẫn là niềm đam mê. Hỏi đôi vợ chồng về con đường thể thao trong thời gian tới, cả hai cùng suy nghĩ sẽ quyết tâm hết mình: “Sau khi hoạt động kinh doanh tốt, em sẽ giao lại cho bếp và quản lý, hai vợ chồng tập trung tập luyện trở lại, cố gắng, bởi vì đam mê thể thao vẫn còn hừng hực”.

“Để đem thành tích về, có tiền cho con, có thành tích cho đất nước, tụi em phải quyết tâm, phải cố gắng thôi. Tập luyện thì phải tập gấp đôi, gấp ba người khác. Vì ngoài thành tích cũng vì cuộc sống. Hai vợ chồng đã hy sinh, gửi con cho ông bà, nên rất quyết tâm phải có thành tích tốt nhất”.

Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhất là với những vận động viên khuyết tật như vợ chồng Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải, song trong họ vẫn luôn có niềm tin và nghị lực vươn lên, bởi phía sau họ là tổ ấm yêu thương.

Cũng chính tổ ấm yêu thương đã tiếp thêm động lực chinh phục vinh quang, nên sau những ngày thi đấu, tập luyện vất vả, về lại gia đình nhỏ, lực sĩ Lê Văn Công hóa thân thành một ông bố đảm đang bên cạnh hai đứa con kháu khỉnh. Khác với hình ảnh một đại lực sĩ thét vang khắp nhà thi đấu khi giành huy chương vàng, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, từ đấu trường khu vực đến thế giới, cả đỉnh cao Paralympic, giờ đây, vẫn đôi tay đầy cơ bắp ấy, Lê Văn Công mạnh mẽ đẩy chiếc xe máy ba bánh xuống thềm nhà đưa đón con đi học, mua sắm vật dụng, chăm chút yêu thương cho gia đình nhỏ của mình: “Thi đấu xa nhà, thì vợ, hai đứa nhỏ ở nhà là động lực của em. Rất nhớ nhà, nhớ con, nên ráng cố gắng hơn. Mỗi khi ở nhà thì tranh thủ phụ vợ, dành thời gian cho con, đưa đón con đi học là thấy hạnh phúc lắm rồi”.

Lê Văn Công cho rằng, anh thật sự may mắn có một người vợ hiểu và chia sẻ cho mình, lo chu toàn việc nhà để anh yên tâm theo nghiệp thể thao. Cũng nhờ đó, anh được cống hiến, đóng góp sức mình cho Tổ quốc. Còn chị Chu Thị Tám chỉ cười hiền, nhưng đầy vẻ tự hào khi nhắc về người chồng lực sĩ lừng danh: “Những lúc anh đi thi đấu, một mình chăm hai đứa bé, hơi cực nhưng mà thôi thì cố gắng, miễn sao anh yên tâm có thành tích tốt. Thấy anh cũng rang tập, không phàn nàn gì, làm sao để còn làm gương cho con. Anh hy sinh nhiều, cố gắng nhiều nên được như thế rất mừng, rất vinh dự”.

Hai chân bị teo tóp từ khi mới lọt lòng, 20 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Công rời quê Hà Tĩnh vào TP HCM mưu sinh, mang theo giấc mơ thay đổi cuộc đời. Nhanh chóng bén duyên thể thao, anh trở thành gương mặt sáng giá của đội tuyển cử tạ người khuyết tật thành phố rồi quốc gia, trở thành gương mặt vận động viên khuyết tật nổi bật nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam. Nhìn lại hành trình theo nghiệp thể thao, Lê Văn Công, cho biết: “Ngoài việc giành thành tích, cũng chiến thắng bản thân, phá kỷ lục, em thấy rất hài lòng. Thể thao nó như cầu nối giúp cho mình có được sự hòa nhập, có ý chí để vượt qua số phận, học hỏi được nhiều thứ để vươn lên.. mang lại chiến thắng, vinh dự cho thể thao, cho đất nước thì rất tự hào”.

Nhận xét về chàng lực sĩ số 1 của thể thao khuyết tật TP, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM dành những lời khen: “Công là một trong những VĐV có những nỗ lực rất lớn, cần cù. Người khuyết tật có nhiều khó khăn, ngoài chuyện phấn đấu, đó là tấm gương sáng để các VĐV noi theo. Tôi nghĩ Công còn khả năng cao hơn nữa trong thời gian tới. Tôi vẫn đặt niềm tin ở VĐV này”.

Dù khó khăn vẫn bộn bề, song bằng những nỗ lực hết mình, với những người hùng thể thao khuyết tật Việt Nam như Lê Văn Công, như Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải… cuộc sống vẫn mang đầy hơi thở mùa xuân.

Hoàng Lĩnh

Bình luận

Đọc Báo