Vay vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, vướng chủ yếu ở khâu thế chấp – Thời sự 11g 16/5/2018

(VOH) - Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (hay còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay) là cơ chế đặc thù của Thành phố, đã trở thành nguồn vốn vay quan trọng.

Đây chính là đòn bẩy thúc đẩy nâng cao giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho lao động ngoại thành, góp phần vào mục tiêu thực hiện chương trình chuyển dịch nông nghiệp đô thị của Thành phố. Xung quanh vấn đề vốn tín dụng nông nghiệp, chính sách hỗ trợ lãi vay, Phóng viên VOH có phỏng vấn bà Hoàng Thị Mai, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP. 

nông nghiệp công nghệ cao

Ành minh họa: bocongthuong

VOH: Thưa bà, xin bà cho biết chính sách tín dụng nông nghiệp của TP thời gian qua đã kết nối được doanh nghiệp, Hợp tác xã, nông dân với nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất như thế nào?

Bà Hoàng Thị Mai: Trong thời gian qua, để kết nối doanh nghiệp với Hợp tác xã, hộ nông dân cùng nhau phát triển sản xuất nông nghiệp thì Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho việc kết nối này. Đặc biệt, chính sách có thể kể đến là chính sách hỗ trợ lãi vay. Mới nhất vừa rồi thì chính sách hỗ trợ lãi vay đã được UBND TP ban hành tại Quyết định số 655 ngày 28/2/2018. Tại Quyết định này, UBND TP đã quy định một số các hạng mục hỗ trợ lãi vay. Ví dụ như sẽ hỗ trợ 100% lãi vay đối với các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư phát triển các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả, có giá trị kinh tế cao. Ví dụ như đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được hỗ trợ 100% lãi vay; Hoặc đối với những hạng mục như trả công cho người lao động, hoặc mua nguyên nhiên vật liệu… thì có thể hỗ trợ dao động là từ 60 – 80% lãi vay; Mức hỗ trợ lãi suất được tính trên lãi suất huy động tiết kiệm có kỳ hạn bình quân của 4 ngân hàng cộng lại, bao gồm ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Bình quân lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn của 4 ngân hàng cộng lại và cộng thêm 2% nữa, đây là cơ sở tính lãi vay. Thời gian vừa qua, với những chính sách hỗ trợ lãi vay do UBND TP ban hành, hiện nay, theo chính sách này, đã có khoảng hơn 22 lượt hộ vay, với tổng nguồn vốn đầu tư là khoảng hơn 11 ngàn tỷ đồng; Tổng vốn vay có hỗ trợ lãi suất khoảng hơn 6 ngàn tỷ đồng tổng vốn vay có hỗ trợ lãi vay. Thông qua chính sách hỗ trợ lãi vay này của TP, có thể cho thấy rằng 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra sẽ huy động được khoảng 27 đồng vốn xã hội; Trong đó, huy động đồng vốn từ các tổ chức tín dụng là khoảng 16 đồng, và huy động nguồn vốn trong dân là khoảng 11 đồng. Có thể cho thấy, với chính sách này, đã tạo ra một hiệu quả kết nối, huy động các doanh nghiệp, các Hợp tác xã và các hộ nông dân – người ta tích cực hơn, mạnh dạn hơn, bỏ tiền ra để đầu tư các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại nguồn thu cao hơn cho các hộ nông dân, Hợp tác xã và các doanh nghiệp.

VOH: Theo bà, đâu là điểm khó khăn mà doanh nghiệp, Hợp tác xã hay người sản xuất nông nghiệp gặp phải khi tiếp cận vốn tín dụng nông nghiệp hiện nay?

Bà Hoàng Thị Mai: Đối với vấn đề khó khăn, thì có nhiều điểm khó khăn. Tuy nhiên, điểm khó khăn lớn nhất, cản trở là doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân gặp phải khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng có thể nói đến vấn đề là thế chấp tài sản vay vốn. Hiện nay, chính sách về hỗ trợ lãi vay thì có. Tuy nhiên, để có thể vay thì người đi vay, cụ thể là doanh nghiệp, các Hợp tác xã, các hộ nông dân phải có sự thỏa thuận và được chấp nhận cho vay từ các tổ chức tính dụng. Cái khó lớn nhất là vấn đề về tài sản thế chấp, cụ thể là về đất đai. Hợp tác xã dường như không có tài sản cụ thể là đất đai để dùng làm tài sản thế chấp cho các tổ chức tín dụng. Vì vậy, khi vay gặp rất nhiều khó khăn.

VOH: Để đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là vấn đề trăn trở của nhiều doanh nghiệp và chủ trang trại… Tại sao lại như vậy, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Mai: Đối với các chủ đầu tư mà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì gặp khó khăn khi tiếp cận với các tổ chức tín dụng. Lý do là hiện nay, khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì hiệu quả rất lớn và rất rõ. Năng suất cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ cao hơn; Giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ cao. Tuy nhiên, để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư phải lớn. Khi nguồn vốn đầu tư lớn thì chắc chắn đòi hỏi cái nhu cầu vay vốn sẽ cao hơn so với những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống; Hoặc là mô hình không ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Khi đòi hỏi nguồn vốn lớn thì đòi hỏi vấn đề vay vốn cũng phải cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hoặc là các Hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư vào nông nghiệp cao, khi vay vốn thì họ cũng đa phần vướng chủ yếu là vấn đề thế chấp. Ngân hàng cũng đòi hỏi dù là mô hình nông nghiệp công nghệ cao hay bất kỳ các mô hình nào khác, khi đã vay vốn ngân hàng, đối với những nguồn vay vốn lớn thì đòi hỏi phải có vấn đề thế chấp. Đây là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

VOH: Như vậy, để doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách tốt nhất đối với chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển sản xuất nông nghiệp đã được UBND TP ban hành tại Quyết định số 655, theo bà cần có những giải pháp gì?

Bà Hoàng Thị Mai: Giải pháp để giúp cho các tổ chức và cá nhân tiếp cận thuận lợi hơn nữa theo Quyết định số 655 – là Quyết định ban hành về chính sách hỗ trợ lãi vay của Thành phố, theo tôi, công tác tuyên truyền phải đặc biệt được chú trọng. Theo đó, phải tuyên truyền đến các doanh nghiệp, các Hợp tác xã, các Tổ hợp tác, các hộ nông dân phải nắm rõ được quy trình thực hiện theo Quyết định 655; mức hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 655 là như thế nào, cần nắm rõ các thủ tục trình tự để thực hiện. Về công tác tuyên truyền thì Sở Nông nghiệp, cụ thể là Chi cục Phát triển Nông thôn phải phối hợp với các Quận/huyện để tuyên truyền thật sâu, thật rộng, để giúp cho các tổ chức, các cá nhân nắm rõ được Quyết định này. Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển Nông thôn và các Quận/huyện cũng phải đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp này để hiểu rõ được cách thức xây dựng một phương án vay vốn và nhận hỗ trợ lãi vay như thế nào. Song song đó, tuyên truyền để các hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP, chủ yếu là Ngân hàng Thương mại, hoặc các tổ chức tín dụng khác có thể hiểu thêm, hiểu rõ hơn là TP đã ban hành chính sách này, và ngân hàng cũng là một trong những đối tượng tham gia để cùng các doanh nghiệp, các hộ nông dân tham gia chính sách này. Tiếp theo, để doanh nghiệp, các hộ nông dân, Hợp tác xã có thể thuận lợi tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng thì Ngân hàng có thể xem xét vấn đề thế chấp tái sản; Thứ nhất, theo hướng có thể dùng tài sản hình thành từ nguồn vốn đi vay làm tài sản thế chấp cho ngân hàng; Hoặc ngân hàng có thể xem xét, định giá lại tài sản làm sát hơn so với cái giá thực tế. Có thể là có một cơ chế nào định giá tài sản là đúng theo giá thị trường để giúp cho các doanh nghiệp, các hộ nông dân khi mà người ta đầu tư, cần nguồn vốn lớn thì tài sản định giá của người ta có thể là đúng với thực tế thì nguồn vốn của họ có thể cao hơn.

VOH: Xin cám ơn bà!

Minh Phước

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo