Trường đại học – Nơi ươm tạo tinh thần khởi nghiệp (kỳ 2)- Thời sự 5h30 27/12/2017

​​​​​​​(VOH) - Các trường đại học ngày nay bên cạnh các kiến thức hàn lâm đã bắt đầu tập trung đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp cho người học.

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, tạo nên một lớp thanh niên có đam mê và hoài bão khởi nghiệp, các trường đại học ngày nay bên cạnh các kiến thức hàn lâm đã bắt đầu tập trung đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp cho người học.

Đại học chính là cái nôi đào tạo về tinh thần khởi nghiệp, chuẩn bị hành trang tốt nhất cho sinh viên ngay sau khi ra trường có thể khởi nghiệp thành công, hoặc tự làm chủ công việc của mình khi đi làm thuê cho doanh nghiệp.

Ở nhiều nước trên thế giới, những kiến thức về khởi nghiệp đã được bồi dưỡng, đào tạo cho học sinh ở bậc học phổ thông, trong khi đó ở nước ta, các trường đại học mới bắt đầu làm quen với khái niệm khởi nghiệp trong một, hai năm trở lại đây. Chính vì vậy, nhiều trường vẫn đang loay hoay tìm hướng đi đúng đắn trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Lê Minh Long, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Tư vấn việc làm Trường Đại học Mở TPHCM nêu khó khăn: “Cách của trường là giúp các bạn có kiến thức vững về khởi nghiệp. Hiện nay trường chưa triển khai được các quỹ hỗ trợ hoặc dạng đầu tư mạo hiểm. Nó mới giai đoạn 1, ở dạng phổ biến cho sinh viên những hiểu biết, về con đường khởi nghiệp”

Nhìn lại hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng thừa nhận rằng trường hoàn toàn không có cơ chế hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp hoặc tự kinh doanh. Nhận thức được làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, trường dành 300 triệu đồng nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sinh viên: “Đối với sinh viên mình rất là mở, mở mọi thứ. Để làm sao trước tiên sinh viên có ý tưởng, gợi ra ý tưởng khởi nghiệp. Mình giúp sinh viên hiểu để khởi nghiệp các em phải có tâm thế khởi nghiệp. Ban đầu cung cấp các bước cơ sở để sinh viên thấy rằng muốn khởi nghiệp họ cần gì. Khi mình dạy các em tâm thế khởi nghiệp, mình hay nói với sinh viên cứ thất bại đi rồi các em sẽ thành công”.

Với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã chọn cách trang bị cho sinh viên những nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, bồi dưỡng năng lực để sinh viên có khả năng làm chủ được bản thân. Từ đó, sinh viên nào có khả năng tạo ra được ý tưởng, còn phần lớn sinh viên sẽ dùng chính năng lực làm chủ bản thân đã được học đó để phục vụ cho công việc của mình khi đi làm cho doanh nghiệp.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Thanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm mầm doanh nghiệp của trường, hiện nay, trong môi trường đại học có hai thái cực rất rõ về khởi nghiệp: một bên là sinh viên thờ ơ về khởi nghiệp và một bên là sinh viên quá tự tin về các ý tưởng của mình, nhiệm vụ của trường đại học là phải điều chỉnh những cách suy nghĩ này: “Bây giờ sinh viên nói mình chưa biết gì về khởi nghiệp, thì đây chính là thời điểm sinh viên nên bắt đầu, để trang bị cho các bạn tiếp cận với thế giới bên ngoài, tiếp cận với nguồn tri thức. Điều này sẽ giúp cho các bạn kéo dần khoảng cách thành công hơn. Đối với các bạn quá tự tin về khả năng sáng tạo của mình, họ sẽ được dẫn dắt dần dần để họ nhận ra thực sự lý do mà ý tưởng khởi nghiệp của họ chưa thành công, nó không nằm ở chuyện người khác không tin tưởng đưa tiền cho họ, mà bản chất là sinh viên đã đủ năng lực để vận hành ý tưởng đó hay không, ý tưởng có khả thi hay không?”

Là một trong trường đầu tiên tại Việt Nam chú trọng vấn đề khởi nghiệp của sinh viên, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã có những kết quả rất khả quan, nhiều dự án khởi nghiệp đã gọi được vốn lên đến hàng tỷ đồng. Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Trưởng khoa Sáng tạo và Khởi nghiệp cho hay thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn cho các nhóm sinh viên khởi nghiệp, tạo ra các buổi workshop và seminar thu hút hàng trăm sinh viên tham gia, đồng thời mời các chuyên gia chia sẻ về các kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp, quản lý thời gian, làm việc nhóm, kêu gọi vốn. Khoa cũng đẩy mạnh hoạt động kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đến nay các dự án khởi nghiệp đã gọi vốn với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

khởi nghiệp

Tiến sĩ Bá Hải và bạn thưởng thức cà phê bên chiếc máy pha cà phê có trọng lượng 15 kg của dự án Máy pha cà phê sạch tự động Javi Coffee

Đặc biệt, Dự án Máy pha cà phê sạch tự động Javi Coffee của giảng viên và sinh viên trường đã được vốn xã hội đối ứng trên 30 tỷ đồng. Tiến sĩ Bá Hải cho hay các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên còn được tạo cơ hội tiếp cận nhà đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau: “Nhà trường cũng tổ chức cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, tài trợ một ít ngân sách không đáng kể, nhưng bù lại chọn được cột cờ trong bó đũa để làm sao những cột cờ này là tấm gương truyền cảm hứng cho những nhóm sinh viên khác. Họ cũng có điều kiện về truyền thông thông tin, họ kết nối được với nhà đầu tư nhiều hơn. Tiếp đó, trường kết nối các nhà đầu tư để họ trở thành những nhà đầu tư thiên thần”.

Để biến một ý tưởng khởi nghiệp trở thành một mô hình kinh doanh là một chặng đường dài mà trong đó, khoảng thời gian ở giảng đường là cơ hội để chủ nhân ý tưởng hoàn thiện các bước chuẩn bị cơ bản để có thể triển khai dự án thành công. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Sihub (Không gian sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP), đối với các trường đại học trên thế giới, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho người học đã không còn dừng lại ở vườm ươm nữa mà tiến xa hơn là họ làm các trung tâm tăng tốc. Nguyên nhân do hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ngoài đã gánh bớt những tri thức, kiến thức và hoạt động tiền ươm tạo như kiến thức về quản trị kinh doanh, cách trở thành một doanh nhân, đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện của mình mà mỗi trường đại học có thể giải quyết từng công đoạn khác nhau của câu chuyện khởi nghiệp: “Vườn ươm phải giải quyết được vấn đề cơ bản để biến một sinh viên trở thành một doanh nhân, đó là câu chuyện rất dài, trong đó vườm ươm xác định làm gì. Thậm chí, vườm ươm chỉ giải quyết một đoạn nào đó của khởi nghiệp, sau đó chuyển qua một vườm ươm khác chuyên sâu, hoặc là qua một vườm ươm, rồi lên trung tâm tăng tốc để giải quyết bài toán thị trường…Trong bối cảnh như vậy, các trường đại học chọn cho mình mô hình nào, làm công đoạn nào hay làm hết. Câu chuyện này phụ thuộc rất nhiều vào trường đại học. Tùy vào mỗi trường đã có gì, đang có gì, thế mạnh ra sao…sẽ quyết định làm gì trong các công đoạn đó”.

Vấn đề hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp không chỉ được sinh viên, các trường đại học quan tâm mà Chính phủ cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào đội ngũ tri thức có hoài bão khởi nghiệp. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Chính sách này sẽ tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

 

Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo