Trưởng ban vận động khu phố hết lòng chăm lo đời sống người dân - Thời sự 11 giờ 15/04/2018

(VOH) - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban TW MTTQ VN phát động từ năm 1995 có nội dung bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ sự vào cuộc của hệ thống mặt trận tổ quốc, các cấp ủy đảng đã mang lại những hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, thu hút được sự tham gia tích cực và góp phần tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Tại TPHCM, nhiều mô hình mới, giải pháp hay từ thực tiễn phong trào được nhân rộng. Trong đó, nổi lên là những cá nhân dù vị trí, đặc thù công việc khác nhau, nhưng họ đều hội chung một tấm lòng của sự tận tụy cống hiến, được dân yêu, dân mến.

PV VOH có cuộc phỏng vấn Trưởng ban vận động khu phố 2A, phường 7, quận 5 Quang Thị Ngọc Phượng.

*VOH: Đầu tiên chị có thể chia sẻ về việc đảm nhận công tác dân vận từ khi nào tại địa phương?

- Chị Quang Thị Ngọc Phượng: Tôi tham gia công tác phong trào từ năm 1994, sau đó làm công tác khu phố vai vai trò trưởng ban vận động khu phố từ năm 2008.

*VOH: Làm công tác vận động người dân để thực hiện từ các phong trào, rồi triển khai chủ trương, chính sách từ trên xuống thật sự là không dễ dàng. Trước tiên phải giải thích cho người dân hiểu, và sau đó để họ ủng hộ  mình còn phải nỗ lực như thế nào?

- Chị Quang Thị Ngọc Phượng: Với vai trò phó bí thư chi bộ nhưng thực sự tôi cũng là người dân trong khu phố. Và thực sự muốn công việc có hiệu quả thì mình phải quan tâm đến cuộc sống người dân, hòa đồng với dân. Khi mình làm được những công việc đó thì mới đưa công tác vận động tuyên truyền vào trong từng gia đình. Vì từ thực tế giúp đỡ người dân từ những việc thiết thực trong đời sống thì họ sẽ không còn thấy khoảng cách, họ không nghĩ người đảng viên, hay những người trong chính quyền ở đâu xa mà rất là gần.

Cụ thể những việc mình làm là nếu họ khó khăn gì thì phải giúp đỡ ngay, nếu họ cần vốn thì mình nhiệt tình hỗ trợ giúp họ vay trong tổ giảm nghèo vay vốn làm ăn. Hay con cái không đủ tiền đi học thì mình bỏ tiền ra đóng trước giúo đỡ cho con em rồi sau đó giới thiệu họ vào quỹ khuyến học.

*VOH: Tại Phường 7, Quận 5 có công trình tuyến đường Trần Tuấn Khải vừa qua đã được sửa chữa, nâng cấp khang trang. Đây cũng là công trình “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Như vậy nhớ lại thời gian đầu tiên vận động người dân ủng hộ, chung tay góp sức có quá khó khăn?

- Chị Quang Thị Ngọc Phượng: Đây cũng là công trình của chi bộ, khi đưa ra thì một số đảng viên cũng nói sao chọn công trình này rất là khó vì con đường này mười mấy hai chục năm chưa làm được, mình cũng rất ngại ban đầu. Sau đó mình rất là đeo bám để ủy ban quan tâm nhiều hơn, lúc đầu cũng sợ người dân không đồng tình đầu tiên mình họp với tổ dân phố trước một bước, nhờ từng tổ dân phố cùng mình tuyên truyền, vận động người dân rồi sau đó họp với dân lần nữa để giải thích cho họ thông suốt, thắc mắc đến đâu giải thích đến đó.

Cũng có nhiều người ban đầu nói cái này là nhà nước phải làm mình cũng có giải thích để dân hiểu, đây là công trình nhà nước và nhân dân cùng làm, gắn với quyền lợi của người dân nữa. Khi người dân đồng tình 90% rồi thì còn một số hộ khó khăn mình báo với dân luôn để người dân tại khu phố nhất trí vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Kinh nghiệm mình là đi họp dân từ cái nhỏ nhất rồi đi đến thống nhất và khi làm thì rất hoàn chỉnh, ngọt ngào, không có gì hết. Người dân rất là đồng tình và khi làm xong họ mừng lắm.

*VOH: Bí quyết của chị trong công việc hiện tại vì theo như nhận xét của các hộ dân tại đây họ đều rất quý mến chị? Công tác vận động quần chúng – một việc xem ra không mấy dễ dàng khi được so sánh như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"?

- Chị Quang Thị Ngọc Phượng: Công tác vận động quần chúng mình không đứng vai trò là gì đó ở trên mà phải gần gũi với dân, giúp đỡ thiết thực, kịp thời thì người ta sẽ không thấy xa lạ, sẳn sàng hỗ trợ với mình. Những công việc đó cũng là để giúp cho người dân để cuộc sống an sinh của người dân ở khu phố có đời sống nâng cao hơn thì từ đó họ luôn sẳn lòng hỗ trợ mình. Một từ nôm na rất bình dân là phải gần dân, mình thấu rõ hoàn cảnh người dân, nếu lớp đi sau mình cũng sẳn sàng chia sẻ về kinh nghiệm này. Nói ngắn gọn là mình sống giản dị, hòa đồng, gần gũi với mọi người.

*VOH: Cảm ơn chị.

Nhất Hương

Bình luận

Đọc Báo