TPHCM thách thức trong bối cảnh già hóa dân số - Thời sự 17 giờ 08/08/2018

(VOH) - Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từng năm và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Hiện nay, người cao tuổi nước ta chiếm 11% dân số, riêng người cao tuổi từ 80 trở lên khoảng 2 triệu người.

Trong bối cảnh già hóa dân số này, TPHCM nằm trong vòng xoáy trước áp lực là địa phương có mức sinh giảm so với cả nước. Khi xu hướng ngại sinh, không muốn sinh con hay chỉ dừng lại một con đang diễn ra ở đô thị lớn này thì câu chuyện sẽ không hề đơn giản nếu không có sự hoạch định bằng những chính sách phù hợp.

Từ năm 2015, mức sinh ở TPHCM chỉ dừng lại ở 1,3 trong khi mức sinh của cả nước đã trên hai con. Nếu tình trạng này kéo dài, đặt ra rất nhiều thách thức cho TPHCM khi mức sinh thấp đẩy tốc độ già hòa dân số diễn ra ngày càng nhanh.

Tỷ lệ người cao tuổi tăng lên trong khi người lao động giảm đi, góp phần thay đổi cơ cấu dân số và hàng loạt các sự thay đổi khác về kinh tế, xã hội.

Tại hội nghị về công tác dinh dưỡng tại TPHCM diễn ra gần đây, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố đã nêu một thực tế trước quá trình già hóa dân số nhanh thì TPHCM đứng trước nhiều thách thức. Bác sĩ Ngọc Diệp phân tích, nhiều bệnh lý ở người cao tuổi là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không lành mạnh kết hợp bởi những thay đổi sinh lý trong quá trình lão hóa. Các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng thường gặp ở người cao tuổi là suy dinh dưỡng, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, ung thư và các bệnh mạn tính không lây khác. Khi người già mắc phải những bệnh lí mãn tính không lây này thì nó là một gánh nặng cho hệ thống y tế khi chi phí điều trị lớn, liên tục, kéo dài. Điều tra Quốc gia trong những năm vừa qua cho thấy, hơn 60% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc, do đó, người cao tuổi cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời.

Tại TPHCM số người cao tuổi hiện chiếm khoảng 6% dân số. Khi tuổi thọ bình quân của người cao tuổi Việt Nam ngày một tăng, cho đến nay đã trên 73 nhưng càng về sau, mười mấy năm cuối đời thì người cao tuổi phải sống trong bệnh tật và hết 95% người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Áp lực bệnh tật trong những năm cuối đời đè nặng với người cao tuổi tuy nhiên, nhìn lại hệ thống y tế TPHCM, vẫn chưa hoàn thiện được các mô hình hay dịch vụ được xem chuẩn mực cho người cao tuổi. TPHCM chưa có bệnh viện lão khoa dành riêng cho người già, riêng các khoa lão tại bệnh viện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi vào các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, nếu người già trên 80 tuổi thì được ưu tiên khám bệnh không phải xếp hàng chờ đợi nhưng còn lại, vẫn chưa có được một sự chăm sóc y tế nào gọi là đặc biệt dành riêng cho đối tượng này.

Phân tích ở góc độ an sinh xã hội, hiện tại thành phố vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, mô hình viện dưỡng lão tư nhân xem ra cũng chỉ mới bước đầu manh nha, còn rất hiếm hoi trong khi thực tế người già rất cần đến, khi mà áp lực cuộc sống, áp lực công việc con cái đều phải đi làm rất cần đến sự trợ giúp bằng các mô hình như thế này. Bên cạnh chăm sóc y tế, an sinh xã hội thì người cao tuổi rất cần nâng đỡ tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phải nhân rộng ra nhiều mô hình, phong trào để người cao tuổi có nơi tập hợp cùng nhau tập dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe. Hay như tại cộng đồng, với sự trợ giúp của các hội đoàn, nên có những câu lạc bộ dành cho người cao tuổi, hay các đội tình nguyện viên giúp đỡ người cao tuổi khó khăn, tạo điều kiện cho người cao tuổi gặp gỡ nhau, chia sẻ tâm tư tình cảm giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tình trạng già hóa dân số đặt ra cho người cao tuổi cả nước nói chung cũng như TPHCM nhiều thách thức. Chúng ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số đến nay gần 7 năm, tiến trình này tiếp tục diễn ra đòi hỏi cần phải có sự hoạch định chiến lược dành cho người cao tuổi một cách căn cơ, bền vững giúp họ cảm thấy sống vui, sống khỏe và sống có ích trong những năm tháng cuối cuộc đời.

Nhất Hương

Bình luận

Đọc Báo