TPHCM quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tuyến Metro số 1 – Thời sự 5g30 19/02/2019

(VOH) - Bước vào năm 2019, TPHCM quyết tâm đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án để có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2025, TPHCM sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm, trong đó tuyến Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên dài gần 20 km được khởi công từ tháng 8/2012. Tuy nhiên thời gian gần đây, tiến độ thi công của dự án này bị chậm lại vì gặp nhiều vướng mắc về vốn, về điều chỉnh thiết kế kỹ thuật… Dù vậy, bước vào năm 2019, TPHCM quyết tâm đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án để có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020. 

Phóng viên Huỳnh Sang đã thực hiện cuộc trao đổi đầu năm với ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố nhằm làm rõ hơn quá trình “gỡ khó trong thi công cho tuyến Metro số 1”. 

* Thưa ông, trước khi ông về Ban Quản lý đường sắt đô thị, ở đây có nhiều biến động về nhân sự. Không biết tình hình hiện nay như thế nào, đã ổn định chưa? 

Ông Bùi Xuân Cường: Tôi được điều động và bổ nhiệm Trưởng Ban đường sắt đô thị TPHCM từ đầu năm 2019. Tình hình chung thì nhân sự của Ban, trong đó có một số nhân sự chủ chốt gắn với tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên về cơ bản đã ổn định, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cho toàn bộ dự án, nhất là tiến độ của năm 2019-2020. 

* Thời gian qua dự án gặp nhiều khó khăn về vốn, về vấn đề điều chỉnh thiết kế kỹ thuật... Chúng ta sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề nào trong năm nay? 

Ông Bùi Xuân Cường: Đúng như thế! Khi chúng ta làm Dự án đường sắt đô thị Bến Thành- Suối Tiên, đây là tuyến đầu tiên của mạng lưới đường sắt đô thị  thành phố và cũng là công trình đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị có đi ngầm ở Việt Nam. Nói chung dự án có rất nhiều cái mới như về công nghệ, quy mô dự án, tổ chức quản lý điều hành dự án để đảm bảo đúng theo các chuẩn mực quốc tế và đúng theo loại hình Metro. Vì vậy trong quá trình thực hiện, ất nhiều vấn đề phát sinh cần phải có những giải pháp, cách thức khắc phục đồng bộ, kịp thời để điều hành nhịp nhàng các khâu, các gói thầu dự án cho đúng tiến độ.

Trải qua quá trình đã khởi công dự án từ năm 2012, cơ bản những khó khăn ban đầu về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật... đã khắc phục xong. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung thực hiện công tác gắn với các gói thầu, đặc biệt thực hiện việc giao diện giữa các gói thầu như các gói thầu đi ngầm trong trung tâm thành phố, các gói thầu xây cầu cạn ở quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Thực hiện các gói thầu này phải đồng bộ với các gói thầu lắp đặt thiết bị, các đoàn tàu, thông tin tín hiệu, hệ thống tổ chức điều hành... Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án như điều chỉnh dự án đầu tư, tăng tổng mức đầu tư để đảm bảo đủ cơ sở pháp lí, bố trí sắp xếp các nguồn vốn cho phần tăng thêm và thực hiện công tác giải ngân...chúng tôi cũng đang tập trung tháo gỡ trong năm 2019 để đảm bảo đủ tính pháp lí và bố trí đủ nguồn vốn, kịp thời giải ngân theo tiến độ của dự án.

* Về vốn, năm 2019 cụ thể chúng ta cần bao nhiêu tiền để đáp ứng yêu cầu tiến độ và nguồn này tạm ứng hay lấy từ đâu, thưa ông?

Ông Bùi Xuân Cường: Về nguyên tắc thì dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và một phần vốn đối ứng của ngân sách thành phố. Tuy nhiên, năm 2017-2018 do chưa điều chỉnh lại dự án đầu tư để đảm bảo tính pháp lí và tổng mức đầu tư mới của dự án cũng chưa có tính pháp lí nên việc bố trí vốn từ các nguồn đã được sắp xếp cho dự án, nhất là nguồn ODA, chúng ta chưa đủ cơ sở pháp lí để thực hiện. Vì vậy dẫn đến ngân sách thành phố năm 2017-2018 đã phải tạm ứng để triển khai thi công, không để dự án bị đình trệ. 

Hiện nay công tác pháp lí vẫn đang được tập trung triển khai điều chỉnh. Theo dự kiến của chúng tôi với kế hoạch đã báo cáo thành phố và các bộ ngành thì cuối quý III/2019 công tác về điều chỉnh pháp lý mới hoàn tất, do phải thực hiện đúng theo các trình tự quy định pháp luật, lại có liên quan đến các bộ ngành trung ương và các sở ngành thành phố. Vì vậy, dự án này đang trong giai đoạn phải tăng tốc.  Lãnh đạo thành phố cũng cam kết sẽ tiếp tục tạm ứng cho dự án trong năm 2019 để tiếp tục triển khai công việc. Theo kế hoạch, số tiền chưa thanh toán cho nhà thầu với khối lượng đã thực hiện trong năm 2018 khoảng 2.200 tỷ đồng. Kết hợp với nguồn dự kiến thi công trong năm 2019 và nguồn hoàn trả cho ngân sách thành phố đã tạm ứng 2017-2018 thì khả năng giải ngân trong năm nay khoảng 9.500 tỷ đồng cho toàn bộ dự án Bến Thành-Suối Tiên. 

* Còn vấn đề pháp lý điều chỉnh kỹ thuật, cụ thể là thay đổi thiết kế mà người ta lo ngại có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình sẽ được giải quyết ra sao?

Ông Bùi Xuân Cường: Do triển khai dự án trong thời gian rất dài và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình cũng có thay đổi nên thời gian qua một số hạng mục mà Ban đường sắt đô thị thành phố tổ chức công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt chưa phù hợp với các quy định của pháp luật ở thời điểm tương ứng. Hiện nay theo chỉ đạo của UBND thành phố đã giao cho các sở ngành có liên quan, trong đó có sở Giao thông vận tải là sẽ hệ thống lại, tham mưu tổng thể để đảm bảo chuẩn hóa cơ sở pháp lí cho các hạng mục này, trong đó có tổ chức rà soát lại công tác thẩm định, thẩm quyền phê duyệt các hạng mục đã triển khai.

Với các hạng mục đã thi công thì ngoài rà soát trên cơ sở hồ sơ, cơ sở hiện trường đã được nhà thầu tổ chức thực hiện và  tư vấn chung giám sát thì sẽ tiếp tục có những hạng mục quan trọng nữa được chúng tôi tổ chức kiểm định hoặc thuê tư vấn độc lập để đánh giá lại chất lượng công trình trên cơ sở ưu tiên đối với các hạng mục phải làm trước, nhằm đảm bảo tiến độ trên nguyên tắc an toàn công trình phải tuyệt đối.

* Vậy mục tiêu, tiến độ cụ thể của các gói thầu trong năm nay và theo kế hoạch thì khi nào tuyến Bến Thành- Suối Tiên này chính thức đưa vào vận hành, thưa ông?

Ông Bùi Xuân Cường: Theo kế hoạch chung của dự án đã được phê duyệt trước đây thì cuối năm 2020 tuyến đường sắt đô thị Bến Thành- Suối Tiên sẽ vận hành. Thời gian qua, nhất là các năm 2016,2017,2018, do có liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa đủ mặt bằng bàn giao cho nhà thầu, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, vướng mắc về giải ngân, công tác điều hành ở các gói thầu... nên tổng tiến độ chung của dự án ở một số gói thầu đã bị trễ và một số hợp đồng đã hết hạn. Vì vậy chúng tôi một mặt tiếp tục đàm phán, gia hạn với các nhà thầu để triển khai, một mặt đang yêu cầu lặp lại tổng tiến độ chung của dự án, theo nguyên tắc vẫn giữ như tiến độ trước đây, là cuối năm 2020 phải vận hành tuyến đường sắt đô thị này. Trên cơ sở tiến độ tổng thể  như vậy, chúng tôi phân bổ trở lại khối lượng cho các năm 2019, 2020. 

Cụ thể, năm 2019 phải tăng tốc thi công để đảm bảo hoàn thành được 18% khối lượng dự án và lũy kế cuối năm 2019 sẽ hoàn thành khoảng 80% khối lượng của toàn bộ dự án. Và 20% khối lượng còn lại sẽ tiếp tục đà tăng tốc để kịp hoàn thành trong năm 2020.

* Xin cám ơn ông Bùi Xuân Cường đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay. 

Huỳnh Sang

VOH

Bình luận

Đọc Báo