Tín dụng đen, cạm bẫy không lối thoát - Thời sự 11 giờ 12/5/2018

(VOH) - Cho vay nóng không cần thế chấp đã làm phát sinh nhiều hệ lụy vô cùng tai hại, nảy sinh hàng loạt những vụ án đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép.

Có khi còn biến nạn nhân trở thành người phạm tội. Dù chưa có con số chính thức nhưng các đối tượng cho vay dùng hung khí đâm chém, truy sát, khủng bố tinh thần người vay nợ khiến bao người tan cửa nát nhà, lâm vào thế cùng lực kiệt, thậm chí phải tìm đến cái chết vẫn luôn xảy ra thường xuyên. Phóng sự của Trường Hải.

Thủ đoạn của các tổ chức tín dụng đen là thành lập các trang web hoặc dán tờ rơi nhan nhản những nơi công cộng, tập trung đông người với nội dung “Cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay” kèm theo địa chỉ, số điện thoại liên hệ, hay thành lập những chuỗi cửa hàng cầm đồ làm tấm bình phong để hoạt động. Qua ghi nhận, nhiều người rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo nên đã tìm đến các địa chỉ này để vay mượn.

Người vay tiền phải đưa chứng minh nhân dân, hộ khẩu bản chính và nhận từ 20 đến 100 triệu đồng tiền vay. Các băng nhóm này sẽ đi thu tiền góp hàng ngày cũng như sẵn sàng ra tay trấn áp con nợ bằng các biện pháp như hăm dọa, bắt cóc, tạt sơn, mắm tôm vào nhà... cũng như tranh giành lãnh địa với các băng nhóm khác.

Anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ ở quận Bình Tân, nạn nhân của cho vay nặng lãi cho biết, gia đình gặp khó khăn nên có vay nóng của nhóm tín dụng đen 30 triệu đồng và cuối cùng không trả nổi vì tiền góp quá cao, hàng ngày bị chúng đến uy hiếp, dùng vũ lực, đòi chặt chân, chặt tay.

Trong vai một người đi vay nóng để giải quyết công việc, chúng tôi được hướng dẫn cách thức vay khá đơn giản và nhanh chóng: Nếu vay 100 triệu đồng phải cắt lãi trước và mỗi ngày góp 5 triệu đồng, trả trong vòng 24 ngày. Mức lãi suất đến 20%. Như vậy sau 24 ngày cả gốc lẫn lãi là 120 triệu đồng:

Theo Thượng tá Phùng Văn Đẳng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm, Công an TPHCM thì trong thời gian gần đây, TP xảy ra khá nhiều vụ đòi nợ thuê, giữ người trái pháp luật có liên quan đến cho vay nặng lãi. Thượng tá Phùng Văn Đẳng ví dụ một trường hợp người vay cần mượn 90 triệu đồng thì bên cho vay đem đến 45 triệu và bắt ký nhận là đã mượn số tiền 90 triệu đồng. Do đó, để tránh bị quy vào tội “cho vay nặng lãi”, chủ nợ thường hành nghề rất chuyên nghiệp, không để lại dấu vết gì về lãi suất, nhưng lại luôn có đủ giấy tờ nhận nợ để khi cần là có thể xuất trình chứng cứ cho các cơ quan tố tụng yêu cầu truy cứu trách nhiệm của con nợ. Có nhiều người ban đầu tố cáo sau đó rút đơn vì bị các đối tượng hù dọa, và tự tìm cách trả nợ.

Cũng theo Thượng tá Phùng Văn Đẳng để triệt tiêu được các đối tượng cho vay nặng lãi thì chính sách cho vay của các ngân hàng cần mở rộng hơn với thủ tục đơn giản, cho vay theo hình thức tín chấp với mức lãi suất vừa phải. Nếu người dân có nhu cầu vay vốn làm ăn, có phương án trả nợ tốt, có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ của các tổ chức này để tránh những hệ lụy từ tín dụng đen gây nên. Đồng thời, người dân không nên vay mượn tiền bạc từ các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Khi bị xiết nợ, thì trình báo với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

VOH

Bình luận

Đọc Báo