Tìm hướng đi mới cho chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp - Thời sự 11h 14/11/2017

(VOH) - Theo thống kê, tại Việt Nam hiện đang có gần 590.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có 68% siêu nhỏ.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức như: thủ tục hành chính, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực chưa đủ mạnh. Để gia tăng sức mạnh cho doanh nghiệp, ngoài  tạo cơ chế chính sách hợp lý thì cần có sự hỗ trợ tốt nhất về vốn. Chính vì vậy, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong giai đoạn tới cũng cần phải có những thay đổi sao cho phù hợp. Sự thay đổi đó phải là từ cả 2 phía ngân hàng và doanh nghiệp.

Ký kết giữa ngân hàng nhà nước với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tại hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp 2016 và triển khai kế hoạch 2017 Ảnh Lệ Loan

Đối với doanh nghiệp, điều cần chính là các sản phẩm tín dụng phải linh hoạt, kịp thời để giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt cơ hội kinh doanh. Bà Bùi Thị Thu, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Phong Phú cho biết, đặc thù ngành may mặc, vòng quay sản xuất dài nên nguồn vốn đầu tư cũng phải mất rất nhiều thời gian mới thu hồi lại được.

Theo quy định, thời gian khấu hao thiết bị về tài sản của doanh nghiệp tối đa từ 10-15 năm nhưng khi doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng chỉ cho tối đa 7 năm, như vậy, ngân hàng đã không kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp. Bà Bùi Thị Thu, kiến nghị: "Trước khi đi vay vốn thì chúng tôi đã cấu trúc vốn đúng địa chỉ rồi. Nếu không phát hành thì chúng tôi đi vay. Khi đi vay thì ngân hàng luôn luôn cho vay 70%, 30% còn lại là vốn tự có. Nhưng 70% ngân hàng chỉ cho vay có 7 năm hoặc là tối đa 10 năm, điều này không đúng với thời gian khấu hao thiết bị. Như vậy vô tình ngân hàng đã không kịp thời cùng với doanh nghiệp để cấp vốn cho đúng địa chỉ và đúng cái mà doanh nghiệp mong muốn. Dù điều này là nhỏ nhưng tôi nghĩ ngân hàng cũng nên có sự xem xét".

Ông Vương Đạo Cương, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại xây dựng Điện Khánh Lộc cho rằng, sự kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng là sự kết nối sống còn, vừa là động lực phát triển của cả đôi bên. Thời gian qua, công ty đã có sự hỗ trợ rất lớn từ ngân hàng  với lãi suất thấp, chỉ 7%/năm.

Nhờ cơ chế tín dụng thông thoáng thì sự tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp sẽ dễ dàng, đồng vốn cũng nhanh chóng đi vào sản xuất: "Thủ tục tín dụng làm sao cho nhanh gọn. Bởi vì nhanh, gọn và đúng thời điểm cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Doanh nghiệp đang cần vốn trong lúc đó mới nhờ đến ngân hàng mà ngân hàng chần chừ trong lúc đó thì cơ hội kinh doanh đã mất, thì như vậy không có hiệu quả. Ngân hàng không cho vay được tiền mà doanh nghiệp cũng không vay được. Đề nghị ngân hàng nên có cải cách thủ tục làm sao cho nhanh, gọn, đáp ứng được yêu cầu".

Theo lý giải của ngân hàng, điều khiến họ còn chần chừ và phải có thời gian tìm hiểu kỹ hơn cho từng dự án vay chính là muốn đồng vốn được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích và đạt hiểu quả, tránh rủi ro không đáng có. Các doanh nghiệp phải có một kiến thức nhất định về tín dụng, đầu tư có hiệu quả  để không phát sinh nợ xấu, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Tham gia ký cam kết ngay từ những ngày đầu chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp được triển khai thực hiện tại TPHCM, bà Trương Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank chia sẻ, nhờ chương trình này mà ngân hàng đã mạnh dạng hơn trong hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp mới khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để tạo thuận lợi cho cả đôi bên thì doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị và điều hành, phải tạo niềm tin cho ngân hàng khi quyết định hỗ trợ vốn: "Các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị và điều hành đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các doanh nghiệp hãy cùng chúng tôi lắng nghe và hoạch định tầm nhìn.  Chia sẻ một cách trung thực nhất trên báo cáo tài chính, để hợp nhất báo cáo tài chính rõ ràng, báo cáo thuế, báo cáo ngân hàng cũng là một , để đảm bảo hiệu quả, đảm bảo rủi ro".

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng bây giờ đã trở thành bạn và chủ động đi tìm doanh nghiệp. Điều này đã được minh chứng là có hàng trăm ngàn tỷ đồng được doanh nghiệp tiếp cận, đầu tư những nhà máy, dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Và cũng từ chương trình, hiện đã có nhiều doanh nghiệp không những trả được vốn vay mà còn có dư dôi nguồn lực để phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận vốn vay và cũng có không ít ngân hàng phải tìm cách giải ngân vốn thông qua việc đầu tư trái phiếu. Trong thời gian tới, vấn đề cần làm là tiếp tục giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nhưng phải có sự chọn lọc, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp cần vốn thật sự và có tiềm năng phát triển để đảm bảo an toàn vốn. Kết nối ngân hàng theo đối tượng mới, khách hàng mới, tập trung cho vay để đầu tư về công nghệ, trang thiết bị để phát triển lớn mạnh hơn là cho vay, đầu tư đại trà. Mặc khác, nhà nước cũng cần lập bảo lãnh quỹ tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ để chăm lo cho đối tượng này. 

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khẳng định, đã đến lúc phải có sự đổi mới để chương trình kết nối phát huy hiệu quả tốt hơn: "Nâng cao hiệu quả kết nối là tập trung vào đối tượng họ có khả năng mở rộng đầu tư có hiệu quả, cái khác là trước đây vay vốn để làm và trả nợ, còn bây giờ là để đầu tư đổi mới công nghệ. Và tương lai 3-5 năm sau họ trở thành khách hàng uy tín, lớn mạnh. Cần phải đặt mục tiêu như vậy. Tôi đề nghị ngân hàng nhà nước cùng với Bộ tài chính, Chính phủ phải xây dựng lại đúng nghĩa quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ họ. Ngân hàng kết nối với doanh nghiệp nhưng theo một đối tượng khác, cách làm khác hiệu quả hơn".

Thông qua chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, rất nhiều khách hàng đã tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý, từ đó giảm bớt khó khăn về vốn. Và ngược lại, hoạt động này cũng giúp các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng. Đây chính là cầu nối để gắn kết, thúc đẩy sự phát triển của đôi bên.

Mỹ Trang

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo