Thu ngân sách Nhà nước năm nay ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng - Thời sự 5g30 19/11/2018

(VOH) - Kiểm toán Nhà nước cho biết thu ngân sách Nhà nước năm nay ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước vừa gửi tới Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2018, dự toán ngân sách 2019. Cơ quan kiểm toán cho biết, thu ngân sách Nhà nước năm nay ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng, bằng 3,67% GDP, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội giao. Tuy nhiên, đáng lưu ý là thu ngân sách năm nay vượt dự toán chủ yếu do tăng thu từ nhà, đất và dầu thô. Còn các nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều giảm. Vậy làm sao giải quyết tình trạng mất cân đối trong thu ngân sách ở các lĩnh vực? Tình hình thu ngân sách năm 2019 liệu có khả quan? Phóng viên Phú Sơn có phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cao cấp xung quanh nội dung này. 

VOH: Thưa ông, kiểm toán Nhà nước vừa gửi tới Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2018, dự toán ngân sách 2019. Cơ quan kiểm toán cho biết, thu ngân sách Nhà nước năm nay ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng, bằng 3,67% GDP, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội giao. Vậy những con số này nói lên điều gì?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Ghi nhận những thành tích rất ấn tượng của ngành tài chính, của thu thuế ngân sách và của quản lý nhà nước với ngân sách nhà nước. Con số đó nó thể hiện một kết quả tổng hợp của toàn bộ những nỗ lực của cả nước trong phát triển kinh tế nói chung và trong quản lý ngân sách nói riêng. Có thể nói là rất ấn tượng, thậm chí nó còn vượt cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều đó cho thấy rõ ràng một mặt là nền kinh tế vẫn tiếp tục là động lực tốt cho phát triển và thu ngân sách, có dấu hiệu cải thiện cho những khoản thu ngân sách. Mặc dù chúng ta thấy trong xu hướng hiện nay, chúng ta thấy có sự dịch chuyển, thậm chí một sự bào mòn cơ sở thuế. Thứ ba nữa là thu đã chuyển vào một số lĩnh vực trọng tâm và bền vững hơn, giảm bớt những khoản thu từ tài nguyên cũng như xuất khẩu. Và cuối cùng cần phải lưu ý là những khoản thu có thể tốt hơn nếu chúng ta thực hiện tốt hơn đốc thúc về nợ đọng. Tại vì nợ đọng cũng theo báo cáo đó thì cũng đã tăng lên so với năm trước, cho thấy vẫn còn đó những khoản thu cả chục ngàn tỷ vẫn chưa được làm tốt. Đã đến lúc chúng ta nên có sự điều chỉnh, theo đó là nên đưa ra những tiêu chí nó rõ ràng hơn để làm sạch sổ sách tài chính, gạt bỏ những khoản nợ đọng lưu niên mà không thể thu được trong khi lại thiếu cơ sở pháp lý để xóa. Và hiện tượng chuyển giá và thất thu thuế ở một số doanh nghiệp tư nhân vẫn còn lớn. Nếu làm tốt 2 công tác này thì thu sẽ còn tiếp tục tăng.

VOH: Thu ngân sách năm nay cũng bền vững hơn ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là thu ngân sách năm nay tăng vẫn chủ yếu từ nhà đất, dầu thô, xổ số kiến thiết. Còn các nguồn thu từ doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vẫn giảm. Việc này vẫn lặp đi lặp lại hằng năm. Nhận định của ông về vấn đề này ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Mỗi nguồn thu, tỷ lệ thu và kết quả thu, nó đều có những nguyên nhân khác nhau. Chúng tôi cho rằng để thay đổi tình hình đó thì cần những báo cáo chuyên ngành sâu hơn cũng như là có thời gian giải trình kỹ hơn để tìm hiểu các nguyên nhân và có giải pháp đối phó kỹ hơn cho từng trường hợp. Về cơ bản thì có 2 nguyên tắc lớn để đảm bảo sự công bằng cũng như thúc đẩy thu ngân sách. Một là phải nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ thu thuế, đặc biệt là chống rủi ro đạo đức, gắn liền với việc hoàn thuế sai, áp thuế sai rồi ăn chia. Rồi có tình bảo kê để cho doanh nghiệp trốn thuế và nếu làm tốt cái này thì chắc chắn các nguồn thu đều tăng. Thứ hai là cần có xử lý mạnh tay hơn với những đơn vị chây ì thuế, kể cả nhà nước, kể cả tư nhân và FDI. Mọi biểu hiện kể cả chuyển giá, chây ì không nộp thuế hoặc thậm chí là tận dụng các biện pháp kỹ thuật để trốn thuế đều phải được nhận diện và xử lý nghiêm trên cơ sở pháp lý một cách toàn diện, nghiêm ngặt hơn. Chứ khi mà các chế tài nó còn thấp thì các đơn vị nộp thuế cho rằng thà chậm nộp thuế và nộp phạt còn hơn là nộp thuế đủ, đúng thì như vậy sẽ thiệt cho họ hơn theo kiểu là họ không chiếm dụng được vốn thay vì phải vay ngân hàng.

VOH: Như vậy trong khả năng hiện tại thì các cơ quan chức năng có thể tiếp tục quan tâm đến việc thu ngân sách từ những lĩnh vực nào, ngoài các lĩnh vực như nhà đất, dầu thô, xổ số kiến thiết để chúng ta có thể hoàn thiện hơn việc thu ngân sách nhà nước?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Trong các cơ sở thu thì nó có sự mòn dần thuế xuất nhập khẩu và thuế tài nguyên và một số khoản thu liên quan đến cam kết hội nhập. Mà chắc chắn nó sẽ tăng lên với các khoản thu ngắn với thuế doanh nghiệp, thuế cá nhân, các khoản thu mà xưa nay chúng ta bỏ sót, hoặc mức độ thấp. Kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số mặt hàng mà chúng ta không khuyến khích sản xuất. Đặc biệt vấn đề chống chuyển giá là vấn đề rất tiềm tàng, với con số trên 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ, có những doanh nghiệp trong Top 500 thế giới mà mấy chục năm nay vẫn kêu lỗ, trong khi mở rộng gấp mấy lần vốn ban đầu thì nó cho thấy cái khoản thất thu ngân sách còn rất lớn và đây là một trong những khoản thu tiềm tàng. Cần phải đầu tư vào vấn đề này cả con người, cả bộ máy và cả những thiết chế khác, tài sản khác.

VOH: Đầu năm nay, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đã nói là thu ngân sách của TP luôn cao, thậm chí bằng 45 tỉnh của cả nước. Theo ông, điều đó có thể tạo tâm lý ỷ lại cho các địa phương khác không?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Mỗi một địa phương nó có những lợi thế và nghĩa vụ chính trị riêng. TPHCM đóng góp nguồn thu cỡ 1/3 ngân sách. Có những địa phương khác trên thế giới cũng như vậy, thành phố Moscow chẳng hạn. Thành phố Moscow đóng góp 1/3 ngân sách cho nước Nga. Vì những điều kiện tự nhiên và ưu đãi đặc thù và các điều kiện khác. Đây là trách nhiệm cũng như là sứ mệnh của TPHCM và Hà Nội đối với cả nước. Và các địa phương khác cũng cần phải hết sức cố gắng, không nên trì trệ, trông cậy vào cân đối ngân sách của các tỉnh, thành và trung ương. Mỗi một tỉnh phải có sự năng động, tìm kiếm các lợi thế cũng như phát triển chuỗi cung ứng, chống thất thu mà chúng ta hiện có.

VOH:  Ông có lạc quan về tình hình thu ngân sách nhà nước trong năm 2019 không?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Với kết quả mấy chục năm qua thì có thể thấy là chưa bao giờ ngân sách thu không đạt. Cho thấy dự toán đó là khả thi, hơn nữa với tư cách là người ở Bộ Tài chính thì tôi cho rằng thường các dự toán đều thấp hơn so với thực tế thu và tiềm năng thu. Hơn nữa là khu vực kinh tế tư nhân thì nguồn thu vô cùng lớn nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải cơ cấu lại thu ngân sách ở cơ cấu thu và nhiệm vụ chi. Chứ không phải là cứ chi nhiều hoặc cứ thu nhiều càng chi nhiều thì nó sẽ không giải quyết được vấn đề. Quan trọng là thu phải hợp lý và chi phải hiệu quả. Đó là cả một chiến lược và tôi cho rằng cần phải làm một cách tổng thể và toàn diện.

VOH: Xin được cám ơn ông rất nhiều!

VOH

Bình luận

Đọc Báo