Thời sự 05h30 - 17/9/2017: Sân khấu xã hội hóa - Bức tranh đa sắc

(VOH) - Hoạt động của các sân khấu xã hội hóa đã góp phần tạo cú hích cho các sân khấu.

Có thể nói phương thức này đã vẽ nên những gam màu tươi sáng hơn cho đời sống sân khấu. Đi đầu, thể nghiệm và có chút mạo hiểm, xã hội hóa kịch nói đã mang về cho mình những thành công.

Song hành với điều đó sân khấu cải lương cũng vui mừng không kém khi chính phương thức này phần nào góp phần mang đến diện mạo tươi tắn hơn cho hoạt động biểu diễn, sáng tác và thưởng thức nghệ thuật cải lương. 

Sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu Phú Nhuận, sân khấu Idecaf, Sân khấu kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới, Thế Giới Trẻ, Sân khấu kịch 5B, Hoàng Thái Thanh, gần đây có thêm Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Minh Nhí… chưa kể các nhóm hài.

Mỗi sân khấu định hình một phong cách khác nhau góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc cho sân khấu TP. Thành công đó là nhờ vào sự đam mê, dám nghĩ dám làm của những người đứng đầu các sân khấu, nhờ những chiến lược và định hướng đúng - biết lắng nghe khán giả, biết thay đổi để không bị cũ kỹ trước nhịp sống hiện đại, trước những khán giả mà sự đòi hỏi về gu thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật ngày một cao.

Nếu ví những thành quả của sân khấu xã hội hóa là những “trái ngọt” thì cũng nhờ sự quan tâm không ngừng của TP, hội sân khấu, các đơn vị quản lý văn hóa, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các sân khấu xã hội hóa an tâm lao động sáng tạo nghệ thuật.

Có thể nói NSND Hồng Vân là một trong những bà bầu thành công nhất khi có đến 3 sân khấu hoạt động theo phương thức xã hội hóa ngày càng đông khán giả và thu hút nhiều nhân tài.

NSND Hồng Vân cho rằng kết quả đó là nhờ vào sự chung tay của nhiều người, nhiều phía, từ sự đóng góp của cả tập thể diễn viên và quan trọng nhất là từ khán giả.

Theo NSND Hồng Vân: “Những sân khấu xã hội đang phát triển tại TPHCM tạo đà chung để sân khấu xã hội hóa phát triển. Thành công đạt được là đã phải bỏ ra mấy chục năm, và để gầy dựng được một thế hệ khán giả có nhu cầu đến rạp để xem không phải là ngày một ngày hai, nó là một đường đi rất dài và cam go cực khổ.

Để sân khấu phát triển chúng tôi đang duy trì một thế hệ kế thừa không chỉ là những người làm nghề mà cả là một thế hệ khán giả kế thừa. Cần một sự hỗ trợ cụ thể của các ban ngành đối với sân khấu TPHCM, mà nhất là sân khấu xã hội hóa”.

Dù đi sau nhưng xã hội hóa cải lương cũng mang về cho mình những dấu ấn đậm nét, những sân khấu mà bao giờ cũng làm khán giả trông mong khi bắt tay vào thực hiện một chương trình mới như: sân khấu cải lương Sen Việt, Lạc Long Quân, CLB sân khấu hội sân khấu TP, Nhóm sân khấu Vũ Luân, Nhóm sân khấu Kim Tử Long, Sân khấu cải lương Linh Huyền đã không ngừng nâng tầm và khẳng định “thương hiệu” riêng cho sân khấu của mình.

Cùng với nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, các sân khấu cải lương xã hội hóa này đã góp phần không nhỏ trong quá trình giới thiệu nghệ thuật cải lương đến với khán giả.

Cũng từ đây biết bao tài năng trẻ không ngừng tỏa sáng, dần khẳng định tiềm lực của bản thân và có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Nhóm sân khấu xã hội hóa của Vũ Luân và Sen Việt đã hoạt động trên 10 năm và các nghệ sĩ cho rằng muốn có được sự thành công cho một sân khấu thì cần những kịch bản hay, nhất thiết phải hiểu và nghiên cứu thật kỹ vai diễn mới có thể tạo nên hiệu ứng cao cho vở diễn, từ đó thu hút được khán giả.

Đạo diễn trẻ Thạc sĩ Lê Nguyên Đạt, bày tỏ: “Rất mong nhân rộng thêm nhiều hơn nữa những cơ hội cho những người tâm huyết với nghề để họ đem những cái mới, cái luồng hơi thở hiện đại, họ đem những cái trăn trở của họ, cái ấp ủ của họ trong thời điểm hiện nay để họ cho ra những tác phẩm. Mình nghĩ nó sẽ phong phú hơn, nó sẽ tạo một luồng gió mới cũng như định hướng cho lớp khán giả, 5 năm, 10 năm tới”.

Sự tăng dần về chiều rộng lẫn chiều sâu của các sân khấu xã hội hóa đã tạo “đất dụng võ” cho rất nhiều nghệ sĩ, soạn giả, đạo diễn  trẻ; chắp cánh cho nhiều tài năng tỏa sáng, rồi cũng chính những tài năng ấy góp phần  bổ sung trở lại vào  những đêm sáng đèn của sân khấu.

Chính sự đa dạng và đầy biến hóa trong diễn xuất dàn dựng của các sân khấu xã hội hóa đã làm cho đời sống sân khấu thành phố sôi động hẳn lên. Đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng, người có công lớn trong việc góp phần đào tạo nhiều tài năng cho cả lĩnh vực kịch nói và cải lương, nhận định: “Đội ngũ diễn viên trẻ ngày một đông và tài năng, bởi các em sau này có điều kiện được đào tạo, có trình độ. Và phải nói trong sự phát triển chung của sân khấu TP, sự phát triển của sân khấu kịch thành sân khấu xã hội hóa, nhiều điểm diễn đóng góp cho kịch nói phát triển, đóng góp cho sân khấu phía Nam, đặc biệt là TPHCM”.

Không có ở nơi nào mà hoạt động sân khấu lại sống động, đa dạng đề tài như ở TPHCM, từ lịch sử, dân gian, xã hội hiện đại cho đến những câu chuyện cổ tích. Cũng không có nơi nào lại tỏa sáng nhiều nhân tài nghệ thuật như ở TPHCM, đặc biệt là họ không đi trùng vào lối diễn xuất của nhau, mỗi người là một mảng màu từ thanh, sắc cho đến đạo đức làm nghề.

Dù là sân khấu xã hội hóa hay sân khấu công lập thì tất cả đều đi về một điểm là làm nghệ thuật chân chính, vừa để phát triển nghề, vừa truyền nghề và giữ nghề cho thế hệ kế tiếp.

Sự năng động của các sân khấu xã hội hóa đã góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh nhộn nhịp của sân khấu thành phố, thu hút công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Đây có thể được xem như là một trong những dấu son đối với sân khấu cả nước nói chung và TPHCM nói riêng!

VOH

Bình luận

Đọc Báo