Thời sự 11g00 - 16/9/2017: Giáo dục kỹ năng sống nên bắt đầu từ chính người thầy

VOH) - Cập nhật những thông tin chính trị, xã hội và dân sinh mới nhất trên AM 610 KHz - Đài TNND TPHCM (VOH).

Những năm gần đây việc giáo dục kỹ năng sống được quan tâm và nhắc đến nhiều hơn trong các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Cụ thể, trong Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của ngành giáo dục, việc giáo dục kỹ năng sống được xác định là phương hướng chung cho năm học. Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống trong trường học thời gian qua dường như vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của học sinh, gia đình và xã hội. Phản ánh của Tuyết Nhung:

Cuộc sống hiện nay với sự phát triển của hệ thống mạng xã hội, của việc chạy theo nhu cầu phát triển kinh tế của gia đình, sự bảo bọc nuông chiều quá mức của các bậc phụ huynh đã dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ gặp phải những khó khăn trong việc trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là những  kỹ năng cơ bản để thích nghi, tồn tại. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 580 em bị tai nạn thương tích. Tỷ lệ này rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ các nguồn thông tin, mạng xã hội đặt trẻ đối mặt với không ít thử thách, như dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn, bạo lực, lối sống ích kỷ, phát triển sai lệch...

Trong khi đó, hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở các trường vẫn chỉ dừng ở mức "tự bơi", vừa làm vừa thăm dò. Để dạy kỹ năng sống, có trường mời chuyên gia về nói chuyện với các em theo quy mô khối lớp, hoặc toàn trường, có trường xây dựng tiết kỹ năng sống theo các chuyên đề, hoặc lồng ghép vào các nội dung sinh hoạt dưới cờ, ngoài giờ lên lớp. Vì vậy, hiệu quả, sự lĩnh hội của học sinh cũng không giống nhau.

Để tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Quận 3, sắp xếp mỗi lớp có 14 tiết chuyên đề. Cũng như nhiều đơn vị khác, khó khăn của trường là thời gian học của học sinh rất sít sao, vì vậy học kỹ năng được bố trí vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7, kéo dài trong 7 tuần. Tiêu chí của các tiết học là giảm tối thiểu lý thuyết, tập trung thời gian cho thực hành. Thông qua hình thức tiểu phẩm, các tình huống thực tế, giáo viên chỉ ra những kỹ năng nào học sinh còn hạn chế, các em nên có cách xử lý ra sao khi gặp tình huống này... Nhờ vậy, các chủ đề của từng năm học như: "Tuổi nổi loạn","Tôi bảo vệ tôi", "Kỹ năng thoát hiểm, sơ cấp cứu"... thực sự đi vào nhận thức, chuyển hoá thành kỹ năng của các em. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân viện miền Nam cho rằng việc đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên về kỹ năng sống là cần thiết: "Hiện nay, các công ty tư nhân họ vào các trường phổ thông để đào tạo kỹ năng sống. Tại sao chúng ta không đào tạo giáo viên tại chỗ. Muốn tổ chức được giờ học riêng biệt thì giáo viên tại chỗ vẫn phải được học trước khi học sinh học. Từng thầy cô các khối lớp sẽ được học kỹ về các kỹ năng đó trên phương diện tâm lý và giáo dục, cả phương pháp hình thức cách thức tổ chức dạy học sinh"

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, Nguyễn Minh cho rằng, với các kỹ năng sống đòi hỏi chuyên môn sâu, việc phối hợp với các đơn vị là cần thiết. Nhiều trường đã phối hợp đơn vị phòng cháy chữa cháy hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, Trung tâm Y tế dự phòng hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu, các trung tâm giáo dục bên ngoài để thực hiện có hiệu quả giáo dục kỹ năng sống chuyên sâu.

Kỹ năng sống không chỉ quyết định sự sống còn của con người mà cả sự thành công của người đó. Việc trang bị kỹ năng sống một cách hiệu quả trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục và việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho công tác giáo dục kỹ năng sống được xem là yếu tố then chốt.

VOH

Bình luận

Đọc Báo