Thời sự 05g30 - 18/09/2017: Mất rừng là mất hết

(VOH) - Những ngày tháng 8 vừa qua, thông tin về bão lũ diễn ra ở khắp nơi khiến nhiều người bàng hoàng. Bão Harvey tại Mỹ, siêu bão Hato quét qua Hong Kong, Macau và nhiều vùng tại Trung Quốc, hay trước đó là siêu bão Noru ở Nhật… gây nên những thiệt hại hết sức nặng nề. Tại vùng Tây Bắc nước ta cách đây một tháng, một trận mưa lớn kéo dài đã tạo nên lũ ống lũ quét kinh hoàng ở Sơn La và Yên Bái. Hậu quả của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu gây ra ngày càng nghiêm trọng và khủng khiếp. Trong hệ quả này, nhân tai cũng góp phần đáng kể khi hủy hoại môi trường, tàn phá thiên nhiên, tận diệt rừng không thương tiếc.

Cơn bão Harvey vừa quét qua bang Texas nước Mỹ với sức tàn phá khủng khiếp đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đô la Mỹ, thậm chí hơn gấp nhiều lần. Đó là một trong những thiên tai gây thiệt hại kinh tế nặng nề nhất thế giới trong gần nửa thế kỷ qua. Hay trước đó, siêu bão Hato đã đổ bộ vào Hong Kong, Macau và một số khu vực khác ở miền nam Trung Quốc, làm ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Gần hơn nữa, ngày 10/9, cơn bão Irma tràn vào Bang Florida của Mỹ cũng đã khiến cho hơn 3,3 triệu người sống trong cảnh mất điện. Ở nước ta, đợt lũ ống, lũ quét kinh hoàng ở Sơn La và Yên Bái không chỉ gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng mà còn cướp đi hơn 30 sinh mạng ở nhiều địa phương, chỉ trong vòng 2 - 3 ngày. Bão số 10 mới đây cũng gây nhiều nhiệt hại. Rõ ràng, trên khắp hành tinh, mật độ thiên tai ngày càng dày, cường độ ngày càng mạnh hơn - đó là nhận định của các chuyên gia về quá trình, tác hại của biến đổi khí hậu. Và biến đổi khí hậu cũng không còn là vấn đề cấp vĩ mô, nó đã, đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, từng quốc gia, từng địa phương, từng nhà.

Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 mới đây, đại diện các nền kinh tế APEC cũng nhìn nhận, khu vực APEC đang đối mặt với nhiều thiên tai bất thường cũng như thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Việt Nam theo nhận định nằm trong danh sách quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Tính trung bình mỗi năm có 300 người chết do thiên tai, thiệt hại vật chất trên 1 tỷ đô la Mỹ.

Theo thống kê, trong năm 2016, Việt Nam hứng đến 10 cơn bão, 7 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn hẳn so với trung bình nhiều năm. Cùng hàng chục đợt không khí lạnh, mưa lớn diện rộng trên cả nước, những đợt nắng nóng bất thường cùng nhiều hơn, rồi bao nhiêu là cơn lũ dữ từ miền Trung, Tây Nguyên đến Tây Bắc. Cũng trong năm 2016, mưa lũ đã làm 235 người chết và mất tích. Ước tính tổng thiệt hại là gần 38.000 tỷ đồng (hơn 1,7 tỷ đô la Mỹ). Riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai trên cả nước đã làm hơn 100 người chết và mất tích, hơn 1.000 nhà bị sập, đổ trôi; tổng thiệt hại vật chất khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Đáng nói hơn, tất cả những thiệt hại trên đều không thể, và không phải chỉ đổ tại ông trời, đổ tại thiên tai như trước đây vẫn nghĩ. Bởi cùng với đó, những hậu quả mà nhân tai gây ra cộng hưởng khiến cho sức tàn phá trở nên khủng khiếp hơn.

Nói cách khác, không phải tự nhiên bão lũ gia tăng, biến đổi khí hậu thêm khốc liệt và khó lường. Chính con người cũng đã góp phần. Từ sông ngòi, không khí đến mặt biển đều bị ô nhiễm nặng, gây ra bao nhiêu là hệ lụy. Thủy điện phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, kèm theo đó là ngăn dòng chảy, chặt phá rừng vô tội vạ. Lũ quét, lũ ống rồi sạt lở đất ở đâu ra, nếu không phải là từ nạn phá rừng; Hạn hán và cả nguy cơ sa mạc hóa ở đâu ra nếu rừng không bị tận diệt? Như cơn lũ quét lũ ống kinh hoàng hồi đầu tháng 8 tại Tây Bắc. Đành rằng là thiên tai, nhưng sau cơn lũ, hình ảnh cả vùng lòng hồ thủy điện tại Mù Cang Chải dày đặc củi gỗ trôi về đã là minh chứng rõ nhất - rừng đang bị tàn phá quá nhiều, quá nghiêm trọng. Mất rừng, cây cối bị đốn hạ, giữa bốn bề đất trống đồi trọc, dễ hiểu khi lũ về càng nhanh, càng hung dữ. Những cánh rừng nghèo kiệt còn lại không đủ sức ngăn lũ, bảo vệ đất đai. Khi thảm họa xảy ra, người dân luôn là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, không biết đến bao giờ mới khôi phục được cuộc sống bình yên như trước. Bao nhiêu thành quả, bao nhiêu mồ hôi công sức mà người dân đổ vào gầy dựng cuộc sống trong phút chốc trôi theo dòng lũ dữ. Cả tính mạng cũng bị đe dọa!

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2016 cả nước còn hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, tăng nhẹ so với năm trước và hơn 4 triệu ha rừng trồng. Số vụ vi phạm phá rừng trái phép và diện tích rừng thiệt hại đều giảm dần qua các năm. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế là công tác giữ rừng vẫn rất khó khăn, chúng ta đã để mất rừng quá nhiều. Đơn cử riêng ở Tây Nguyên, chỉ trong 5 năm, từ 2010 đến 2014 đã mất đi trên 300 ngàn ha rừng, khoảng 1/10 trong tổng số 3,3 triệu ha.

Trước thực trạng rừng càng mất dần, biến đổi khí hậu thì ngày một phức tạp, khó lường, hồi giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên. Một chỉ đạo hợp lòng dân. Phải kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, nếu không khái niệm “rừng vàng” trong tương lai gần chỉ còn là ký ức. Tuy nhiên, nơi này nơi khác, việc phá rừng trái phép vẫn lén lút diễn ra, mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Thậm chí, có nơi việc phá rừng còn được “phù phép”, hợp thức hóa. Tháng 1 năm nay, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 13 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, các cơ quan soạn thảo cũng đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), dự kiến trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 vào tháng 10 tới. Đó là cơ sở pháp lý cao nhất để nghiêm trị nạn phá rừng, “phù phép” chuyển đổi rừng một cách bất chấp.

Rõ ràng, việc phải bảo vệ rừng, bảo môi trường sinh thái là một yêu cầu vô cùng cấp bách, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết tâm, khẩn trương hơn bao giờ hết. Hậu quả khi mất rừng là quá nghiêm trọng, bảo vệ được rừng mới có thể phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Bởi - mất rừng là sẽ mất hết!

Hoàng Khuê

Bình luận

Đọc Báo